86 Catholic Mission street

Phố Nhà Chung

phố cổquận Hoàn Kiếm

Phố Nhà Chung dài 300m, đi từ ngã phố Lý Quốc Sư—Nhà Thờ xuôi qua đầu phố Quang Trung xuống phố Tràng Thi. Nay thuộc: phường Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 500m (hướng 7h). Trạm bus lân cận: 6 Tràng Thi (xe 02, 09, 45), 37 Hai Bà Trưng (02, 09, 34, 36ct), cuối Hàng Trống (09, 31, 36)

Lược sử

Trước năm 1886, Tòa Giám mục Hà Nội [1] lần lượt đặt tại làng Vĩnh Trị (Kẻ Vĩnh) rồi Sở Kiện (Kẻ Sở) [2]. Năm 1873, thuyền trưởng Francis Garnier [3] đánh chiếm Hà Nội lần thứ 1, giao chùa Báo Thiên cho giám mục Puginier để trú ngụ tạm thời khi về Hà Nội làm phiên dịch và cố vấn cho Garnier. Puginier chỉ cất tạm mấy ngôi nhà gỗ trong vườn chùa cho gần nơi Garnier đóng quân tại Tràng Thi, còn Tòa Giám mục thì vẫn ở Kẻ Sở.

Ngã phố Nhà Thờ—Nhà Chung. Photo ©NCCong 2013

Hồi ấy mới chỉ có vài gia đình công giáo sống quanh một ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ [4]. Do hoạt động của cố đạo Landais, giáo dân Hà Nội tăng nhanh trong thời kỳ này. Khoảng năm 1876, Landais cho xây dựng ngôi nhà đầu tiên ở khu phố Hội truyền giáo với sự tư vấn của đại uý công binh Dupommier, lúc đó đang điều hành thi công trong Khu nhượng địa Pháp. Giống các ngôi nhà xây dựng trong Khu nhượng địa, đây là một trong những ngôi nhà kiểu Âu cổ nhất của Hà Nội. Nhà được xây bằng gạch và cửa sổ trổ hình các cung gãy.

Mãi đến năm 1887, khi Pháp đã đặt vững nền cai trị ở Bắc Kỳ, giám mục Puginier mới cho xây dựng bằng những vật liệu kiên cố Nhà thờ Lớn và các toà nhà khác của Nhà Chung rồi dời Toà Giám mục về đây. Mặc dù hình dáng Nhà thờ Lớn còn xa mới đạt được như một kiệt tác kiến trúc tôn giáo đương thời, nhưng về mặt lịch sử nó là công trình đặc biệt nhất Hà Nội về quy mô và chiều cao. Buổi lễ đầu tiên được tổ chức ngày 23-12-1887 và công trình được hoàn thành vào năm sau. Thời thuộc Pháp, phố Nhà Chung gọi là Rue de la Mission (phố Hội truyền giáo / Hội Thừa sai).

Thư viện và Toà Giám mục. Photo ©NCCong 2013

Năm 1925, Vatican lập Toà Khâm Sứ của Toà Thánh ở Việt Nam và trụ sở ban đầu đặt tại Huế, đến năm 1951 dời ra Hà Nội và trụ sở được xây dựng ngay trên phố Nhà Chung. Khâm sứ Toà Thánh là vị đại diện của Giáo Hoàng, không làm nhiệm vụ ngoại giao như apostolic nuneio mà chỉ làm nhiệm vụ của Giáo hội là liên lạc với các giám mục ở những quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican.[5]

Sau khi hiệp định Genève được ký kết, nước Việt Nam tạm thời bị chia thành 2 miền. Đến năm 1957, Vatican không thừa nhận chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên đã chuyển Toà Khâm Sứ vào Sài Gòn. Tuy vậy trên phố Nhà Chung cho đến nay vẫn tồn tại những cơ sở Công giáo như trụ sở của Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam và Nhà thờ Lớn.

Lối vào Toà Giám mục và Đại chủng viện. Photo ©NCCong 2013

Ngày 20-10-2018, Giáo hoàng Phanxicô và đại diện CHXHCN Việt Nam đã nhất trí sẽ nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai bên lên mức "Đại diện Thường trú".

Di tích lân cận

Ngã phố Quang Trung—Nhà Chung. Photo ©NCCong 2013

Chú thích

[1] Năm 1679, Vatican chia đôi Địa phận Đàng Ngoài thành Địa Tây và Địa Đông Đàng Ngoài. Năm 1846, Địa Tây Đàng Ngoài chia tiếp làm Tây Đàng Ngoài và Nam Đàng Ngoài, Hà Nội nằm về phía tây nên thuộc về Giáo phận Tây Đàng Ngoài. Tòa Giám mục lúc ấy được gọi là Tòa Giám mục Tây Đàng Ngoài. Mãi đến năm 1924 mới lấy tên nơi đặt Tòa Giám mục làm tên gọi các Giáo phận, Tòa Giám mục Hà Nội có tên từ ấy (GMCGVN, niên giám 2004, tr. 218).

[2] Nhà thờ Kẻ Sở xây hồi 1877-1882, nay ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. “Bốn hàng cột chia lòng nhà thờ thành năm gian dọc, dài 67m, rộng 31m, cao 23m, có thể chứa từ 4 đến 5 nghìn người, không có ghế. Cửa sổ lắp kính màu. Bàn thờ sơn son thếp vàng, vách cung thánh bằng gỗ chạm trổ tinh vi. Nhà thờ được xây trên một nền bằng gỗ lim” (Nhà thờ công giáo ở Việt Nam, kiến trúc-lịch sử, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2004, tr.50).

[3] Trong hải quân Pháp thế kỷ XIX, Capitaine có 3 cấp và có nghĩa là thuyền trưởng chứ không phải đại úy như trong lục quân. Nên dịch Capitaine de corvette là Thiếu tá hải quân, Capitaine de frégate: Trung tá hải quân, Capitaine de vaisseau: Đại tá hải quân.

[4] Trích hồi ký của trú sứ Bonnal tại Hà Nội lúc đó: ..."Người ta không biết sơ đồ ngôi nhà thờ cũ như thế nào, vì nó đã bị quân Cờ Đen đốt trụi năm 1883. Theo lời kể lại của cha Dronet sau này thì nhà thờ đó được xây dựng theo kiểu các ngôi đền Việt Nam đương thời với một phòng rộng được những cột gỗ lim chống đỡ, nhưng có gác chuông kiểu Gô-tích. Năm thì mười hoạ Nhà thờ mới được một tu sĩ ở giáo xứ Bang-So (thị trấn Thường Tín?) cách 20km tới làm lễ. Để tạm thời hành lễ, cha Puginier cho dựng một ngôi nhà lá trên đống tro tàn, đồng thời quyết định thay thế nhà thờ bị đốt bằng một nhà thờ lớn hơn. Ý đồ rất táo bạo vì phần lớn các giáo dân đã sa sút và nguồn vốn của Hội truyền giáo gần như bằng không ! Việc lo tìm một miếng đất thuận tiện nằm gần Khu truyền giáo, ông đã nhanh chóng hướng vào khu chùa Báo Thiên gần đó. Tuy nhiên, phá đi một ngôi chùa nổi tiếng của đất Hà Thành lúc bấy giờ cần có một lý do hợp lý để tránh sự phẫn nộ của dân chúng. Để che dấu ý đồ loại bỏ ngôi chùa cổ này, người Pháp đã chuyển cho Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ xử lý. Ông này là người có quan hệ khá tốt với Đức Cha và đang muốn làm vui lòng Đức Cha. Trước hết Nguyễn Hữu Độ cho tìm xem ai là con cháu của người sáng lập ra ngôi chùa đã chết cách đó hơn hai thế kỷ. Tất nhiên là chẳng tìm được ai ! Sau đó ông ta chọn ra ngẫu nhiên một số kỳ lão trong dân bản địa theo công giáo ở khu phố và ra lệnh cho họ kiểm tra sự vững chắc của ngôi chùa. Những người này đã không do dự tuyên bố ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng, có thể gây tai hoạ bất cứ lúc nào cho người qua lại ! Thế là mọi chuyện đâu vào đấy, rất đúng Luật (?). Theo tập quán của người Việt Nam lúc đó, phá chùa để thu hồi đất vô chủ vì lợi ích dân trong vùng là chính đáng, không thể gây ra sự phản đối. Ông Tổng Đốc đã nhận trách nhiệm nhượng không cho Đoàn truyền giáo miếng đất thu hồi"....

[5] Theo: Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh Việt, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2002, tr.49.

©NCCông 2014-2018, Nha Chung (Catholic Mission) street