224 Phung Hung street

Phố Phùng Hưng

Phố dài: 1250m. Hướng: bắc-nam. Đoạn trên có 2 nhánh rẽ từ phố Phan Đình Phùng và Hàng Lược, đoạn dưới đi qua phố Hàng Vải, Cửa Đông, Đường Thành, Bát Đàn, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Tố, Ngõ Trạm, Hà Trung rồi ra Hàng Bông. Cách BĐX Bờ Hồ: 800m (hướng 10h). Trạm bus lân cận: 167 Phùng Hưng (xe 18, 23), 115 và Đd 16 Phùng Hưng (01, 18, 23, 36ct), 3a Phan Đình Phùng (xe 14, 22), Đd 65 Lý Nam Đế (xe 18, 23), 12 Quán Thánh (xe 14, 18, 22, 23)

Lược sử

Phố dài 1250m, vốn là ranh giới giữa khu phố cổ và thành Hà Nội. Đoạn phố thẳng chính là dấu vết của bức tường gạch vồ và con hào phòng thủ ở phía đông thành cũ. Đoạn trên có 2 nhánh rẽ từ đầu các phố Phan Đình Phùng và Hàng Lược kéo đến cầu sắt chỗ phố Lê Văn Linh bây giờ. Khu ngoài con hào vốn thuộc địa phận thôn Tân Khai được lập trên khoảng đất thừa ra vào đầu thế kỷ XIX khi triều Nguyễn thu hẹp thành Thăng Long xưa để xây một tòa thành nhỏ hơn theo kiểu Vauban.

Thực dân Pháp sang chiếm Hà Nội rồi cho lấp hào và phá tường để lấy vật liệu xây dựng vào năm 1896—1897. Trên nền đó lại xây đường dốc cho xe lửa lên cầu Long Biên và một phố dài, đặt tên là Boulvard Henri d’Orléans, tức Phùng Hưng sau này. Trong thực tế hàng chục năm tiếp theo phố vẫn chưa được hoàn chỉnh. Cho đến khoảng giữa thập niên 1920, nhà cửa mới mọc lên chủ yếu ở những đoạn ngắn tại hai đầu phố.

Lê Văn Linh—Phùng Hưng. Ảnh ©2015 NCCong

Theo Nguyễn Văn Uẩn, gần vườn hoa Hàng Đậu hồi ấy, bên dãy số chẵn của đoạn đầu phố phía tây đường sắt chỉ có ba villa lớn, xây vuông hai tầng nhiều phòng với hàng rào sắt bao quanh sân và vườn. Tiếp đến ba villa nữa nhỏ hơn, xây một tầng. Tất cả đều của người Pháp và tư sản Hoa kiều. Từ đấy kéo đến cầu sắt, chỗ hai nhánh phố gặp nhau, phố Orléans không có nhà dân mà là mặt sau của cơ quan quân sự.

Bên dãy số lẻ mé phía đông đường sắt thì khác. Chỗ đất đó giáp lưng với bên phố Hàng Cót, có nhiều nhà của người Việt Nam, diện tích nhỏ hơn và nhô ra đến sát vỉa hè. Những ngôi nhà này xây liền dãy hai tầng theo kiểu Tây, chủ là lái buôn hoặc quan lại, làm để ở hoặc cho thuê, người thuê cũng thuộc hạng khá giả. Tại dãy phố đó còn có mấy quán cà phê và phòng trọ, chủ yếu phục vụ các sĩ quan trong thành.

Hàng Cót—Phùng Hưng. Photo ©NCCong 2015

Đặc biệt nhà Cả Tròn ở số 21 có sáng kiến cho thuê bát đĩa làm cỗ đón dâu và mở phòng cưới đầu tiên của Hà Nội: những căn phòng lớn trang trí đẹp, đồ đạc lịch sự, đầy vẻ phong lưu. Chủ giao thiệp rộng có thể mời những người mặc áo gấm, đeo bài ngà trịnh trọng đến dự. Nhà này về sau mở cả tiệm hút thuốc phiện loại sang, đa số khách cũng vẫn là sĩ quan Tây.

Đầu phía nam của phố Orléans hồi ấy dân ta gọi là phố Đơ Măng, giáp với các phố Hàng Bông Lờ và Cửa Nam. Đây cũng là một đoạn phố có nhà ở hai bên mặt đường, được xây từ những năm đầu thế kỷ XX. Lớn nhất là tòa nhà của hãng Demange, một hãng xuất nhập khẩu, chủ yếu về vải bông. Đa số nhà cửa cùng mang tính chất kiểu phố cũ của người Việt như ở bên Hàng Bông Lờ: nhà thấp, nhỏ và hẹp, lợp ngói ta. Dân thường dùng để ở hoặc mở cửa hiệu tiểu thương, nổi tiếng có hàng “bánh giò Đờ Măng” tại số 50.

Hè phố Phùng Hưng. Photo ©NCCong 2015

Bên dãy số lẻ có các ngôi nhà hai tầng làm theo kiểu mới, cao hơn và lợp ngói tây, được xây dần từ thập niên 1920 trở về sau. Cũng bên số lẻ, chỗ gần ngã ba Hà Trung có con ngõ trước kia ăn thông sang phố Hàng Bông, nay bị một nhà xây bịt kín. Ngõ đó dẫn vào một xóm nhỏ bên trong, vốn rất nghèo, nhà cửa lụp xụp, sau mới được cải tạo xây dựng sạch sẽ.

Đoạn giữa của phố Orléans trên bản đồ Hà Nội năm 1921 cũng mới thấy vẽ và ghi lại vết tích một khúc hào bị lấp còn bỏ hoang chưa xây gì. Trừ phố Bichot (Cửa Đông) đã xây kín nhà hai bên mặt hè, các đoạn cuối của Hàng Mã, Hàng Vải, Bát Đàn, Đường Thành vẫn chưa hình thành, mấy phố đó chỉ thấy vẽ đến trục đường Hàng Cót—Hàng Gà—Hàng Điếu thì đều dừng lại.

Góc phố Phùng Hưng—Hà Trung. Photo ©NCCong 2013

Khoảng đất trống dọc đường xe lửa nhiều chỗ vẫn bỏ trắng; thí dụ như bãi cỏ ở ngã phố Nhà Hoả—Đường Thành là nơi đá bóng của học trò trường Cửa Đông cạnh đó; hoặc những bãi đất mùa mưa ngập nước, cỏ lác mọc đầy như ở quãng giáp đầu phố Hà Trung; đằng sau và bên cạnh chợ Hàng Da là một khu vườn rộng của ông Dufourq chuyên trồng rau và hoa, đào cả ao chứa nước tưới.

Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914—1918) kết thúc đã mở đầu cho thời kỳ khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ hai, từ đó nội thành Hà Nội được xây dựng nhanh hơn với những ngôi nhà kiểu mới. Chính quyền thành phố đổi cho Dufourq một khu đất khác ở phía sau nhà Đấu Xảo cạnh nghĩa địa công giáo để cải tạo và qui hoạch vườn rau cũ thành mấy phố nhỏ đổ ra phố Orleans như Rue Bourret, Nguyễn Trãi, Phạm Phú Thứ (tức các phố Ngõ Trạm, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Quang Bích bây giờ).

Phùng Hưng—Nguyễn Quang Bích. Photo ©NCCong 2013

Dần dần quãng giữa phố Orléans được xây dựng kín hết nhà bên mặt phía đông, dãy số lẻ. Lòng đường rộng, vỉa hè thẳng, có cống thoát nước, đèn đường và hàng cây che mát. Nhà bên dãy số lẻ trông sang cầu xây dốc xe lửa nên càng thêm không gian thoáng đãng. Các công trình đều được xây dựng theo những yêu cầu hiện đại hơn mấy khu vực cũ, diện tích nhà rộng, kiến trúc mới, sử dụng nhiều sắt và xi măng.

Từ chỗ Cầu Sắt giáp phố Lê Văn Linh đi về phía nam đến hết cầu xây, tức đến đầu đường Gallieni (Trần Phú bây giờ), dọc phố Orléans có mấy loại nhà khác nhau, song nói chung đều theo kiểu mới: những villa lớn có sân vườn rộng rãi, những villa nhỏ xinh xắn, những dãy nhà làm để cho thuê, mỗi dãy từ năm đến mười gian gộp thành vài căn hộ khang trang.

Dãy nhà cũ phố Phùng Hưng. Photo ©NCCong 2015

Các tòa nhà lớn ở phố Orléans thường được xây dựng ở góc mấy giao điểm nên có cái thế đứng trông ra cả hai mặt phố. Đó thường là những khách sạn, trụ sở công ty, bệnh viện và hộ sinh tư, hoặc cá biệt có trường Thăng Long ở cuối phố Ngõ Trạm.

Trong các thời kỳ từ chiến tranh thế giới thứ hai (1939—1945) cho đến cuối thế kỷ XX, phố Phùng Hưng bị dân lấn chiếm chủ yếu ở hai bên đường tàu và đặc biệt trong các ô gầm cầu, đến mức phải bịt lại. Lại có một giai đoạn dài hết chợ xe cũ đến chợ thực phẩm tạm bợ đã chiếm gần hết nhánh phía đông. Sau đổi mới, nhiều vị trí đẹp trên phố đã được cải tạo hoặc xây mới thành những cơ sở giao dịch và kinh doanh sang trọng, tuy nhiên không ít chỗ nhếch nhác vẫn còn tồn tại.

Phùng Hưng—Nguyễn Văn Tố. Photo ©NCCong 2013

Từ năm 1945 phố mang tên anh hùng dân tộc Phùng Hưng (761—802, di tích lăng mộ ngài hiện ở đầu phố Giảng Võ). Ngày nay, trên phố Phùng Hưng có một số địa chỉ đáng lưu ý như Nhà tang lễ thành phố ở số 125 và nhà số 105, từng là trụ sở báo “Tin tức” trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936—1939), sau được xếp hạng Di tích cách mạng (năm 1964).

Di tích lân cận

©NCCông 2013-2015, Phung Hung street