72 Yen Thai street & Tam Thuong alley

Phố Yên Thái, ngõ Tạm Thương

ẩm thực

Phố Yên Thái dài 140 m, đi từ Hàng Mành đến chợ Hàng Da. Giữa phố có lối rẽ vào ngõ Tạm Thương thông ra phố Hàng Bông. Nay thuộc: phường Hàng Gai, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,7 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: 30 Đường Thành, Đd 10 Quán Sứ, 56 Hàng Cân, 167 Phùng Hưng.

Phố Yên Thái

Thời Lê, đây là đường thôn Yên Thái, thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Thời thuộc Pháp, trong khi các phố chung quanh được mở mang khá rộng rãi thì ở phố này mặt đường vẫn hẹp chỉ vừa đi lọt chiếc xe tay, thợ thuyền sống lẫn với giới kỹ nữ và giang hồ. Phố lúc đó gọi là “Ruelle Yên Thái” (ngõ Yên Thái), không có vỉa hè, không cống thoát nước, nhà cửa hầu hết chật chội lụp xụp. Những nhà trong ngõ nhất là bên số lẻ thường thò ra thụt vào, không theo hàng lối gì hết.

Dân cư tại đây lúc đó đa số nghèo khổ, kiếm ăn bằng những nghề thủ công. Họ chủ yếu là thợ vẽ mành mành, thợ mộc, thợ nề, thợ quét vôi đi rong, kéo xe... Vợ con buôn thúng bán mẹt trong chợ Hàng Da. Dân ngõ Yên Thái còn có cả những người Tàu sống bằng nghề bán quà rong. Mãi đến những năm 1930-1940, do giá nhà ở nội thành tăng cao, một số người có tiền đã đến đây tậu đất làm nhà cho thuê, họ xây những nhà gác hai tầng nhưng số đó rất ít.

Ngã ba Yên Thái - Đường Thành. Photo ©NCCong 2015

Ở số nhà 2A phố Yên Thái vẫn còn ngôi đình Thợ thêu, tên chữ Hán “Tú Đình Thị” tức “Chợ đình Thợ thêu” nơi bán hàng thêu trước đây. Đình thờ ông tổ nghề thêu là Lê Công Hành, tên thật Trần Quốc Khải, sinh ngày 18 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1606) và mất năm Tân Sửu (1661), người làng Quất Động nay thuộc huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Đình mới được trùng tu vào đầu thế kỷ XXI.

Đoạn giữa phố Yên Thái có một lối rẽ về ngõ Tạm Thương rồi ăn thông ra phố Hàng Bông. Du khách đi vào lối này sẽ đến ngôi đình Yên Thái, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngày 16-1-1995. Cũng giống như ở chùa Kim Cổ gần đó, trong đình có thờ nguyên phi Ỷ Lan, tên thật Lê Thị Yến, người hương Thổ Lỗi, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc. Trở thành Hoàng hậu của vua Lý Thánh Tông rồi Hoàng thái hậu, bà từng cầm quyền nhiếp chính hai lần, biết dùng người tài trị nước an dân và "cự Tống, bình Chiêm".

Ngã ba Yên Thái - Hàng Mành. Photo ©NCCong 2015

Ngõ Tạm Thương

Hiện nay, Tạm Thương là một con ngõ chỉ rộng khoảng 7m và dài hơn 100m, mặt phía nam mở ra phố Hàng Bông. Khoảng đầu thế kỷ XIX, quan chức nhà Nguyễn tại Hà Nội có cho dựng ven con đường đi qua thôn Yên Thái một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho tạm. Vì vậy nên con đường này về sau đổi tên thành ngõ Tạm Thương.

Thời Pháp thuộc cũng dịch đúng và gọi là Ruelle Tam Thuong. Ngõ này từ mấy năm nay được biết đến như phố của các món nhậu, nơi có món nem chua rán rất khoái khẩu cùng các thứ đồ nhắm bình dân khác. Nhiều người có thể ngồi ở đây đến tận khuya để tán gẫu, đàn hát hoặc nhâm nhi vài cốc bia với các món ăn đặc sản của ngõ phố Hà Nội.

Ngõ Tạm Thương. Photo ©NCCong 2013

Panorama

Di tích lân cận

72 pho Yen Thai, ngo Tam Thuong ©NCCông 2011-2015