348 Dong Kinh Nghia Thuc square

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

quảng trườnghồ Hoàn Kiếm

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có từ cuối thế kỷ XIX. Nằm ven bờ tây-bắc Hồ Gươm, nơi phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ giao nhau. Vị trí: 2VJ2+QH, phường Hàng Đào, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 1,7km (hướng 2h). Trạm bus lân cận: BĐX Bờ Hồ (xe 09, 14) và 56 Hàng Cân (31).

Lược sử

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa gọi là Bãi Dừa, hoặc Bãi Gáo. Nơi đây năm 1883 quân Pháp đã đem cử nhân Tạ Vǎn Đình ra chém; rồi ngày 15-4-1887, viên kinh lược sứ Bắc Kỳ cũng cho mang hành hình thủ khoa Nguyễn Cao, một sĩ phu chống Pháp. Thời Pháp thuộc, quảng trường có tên Place Négrier, được coi như trung tâm của Hà Nội và là nơi rẽ nhánh của 3 tuyến tàu điện đi về 3 hướng bắc, tây, nam.

Đầu phố Lê Thái Tổ - Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Photo ©NCCông 2018

Đến năm 1945 thị trưởng Trần Văn Lai thuộc chính quyền Trần Trọng Kim đã đổi tên Place Négrier thành Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để kỷ niệm ngôi trường tư miễn phí đồng thời là trung tâm của một phong trào yêu nước sôi động vào đầu thế kỷ XX của sĩ phu Hà Nội và các vùng lân cận. Vợ chồng cụ cử Lương Văn Can - một trong những lãnh tụ và sáng lập viên của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã hiến mấy căn nhà riêng của mình tại các phố Hàng Ðào, Hàng QuạtLương Văn Can (tên từ 1945) để làm trụ sở trường này và các cơ sở đặt lớp học.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Photo ©NCCông 2015

Những thay đổi lớn

Cuối thế kỷ XX, bến xe điện Bờ Hồ đã trở thành bến xe bus. Toà nhà phía tây ở số 1 phố Lê Thái Tổ xây sát sạt đài phun nước đã thêm tầng. Tòa nhà đối diện ở số 1 phố Đinh Tiên Hoàng thì trông như một “hàm cá mập” muốn nuốt chửng cả không gian xung quanh. Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông báo số 64/TB ngày 19-8-1996: “Yêu cầu UBND TP Hà Nội xử lý nghiêm khắc đối với chủ đầu tư công trình này, thiết lập lại kỷ cương quản lý xây dựng thành phố, buộc chủ đầu tư phải sửa kiến trúc công trình (về hình khối và chiều cao cho phù hợp với cảnh quan chung). Xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật nếu thấy cần thiết để đề cao kỷ cương trật tự”.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh ©NCCong 2016

Năm 2010, khu đất 242,2m2 giáp Quảng trường tại số 2 phố Lê Thái Tổ từng được dự kiến để xây trụ sở 4 tầng của Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm. Trước phản ứng của dư luận, dự án đã không được triển khai. Năm 2015, thay cho dự án đó, Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm đã được xây dựng với quy mô 3 tầng nổi, 1 tầng hầm và tum thang. Tổng chiều cao công trình từ cốt vỉa hè đến đỉnh tum thang là 13,6m. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho biết Quảng trưởng chưa được xếp hạng di tích và công trình không nằm trong phạm vi khoanh vùng di tích Hồ Hoàn Kiếm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo còn nói “Khi đã có sự đồng thuận thì quyết định làm, vì lợi ích chung, không vì ý kiến 1-2 người mà dừng lại”.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh NCCong ©2020

Trước Tết Bính Thân 2016, cảnh quan tại Quảng trường lại bị xáo trộn với 20 cành hoa nhựa lòe loẹt cao 3,2m dựng lên bao lấy đài phun nước. Bó hoa này của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội gây ra phản ứng dữ dội và đến ngày 10/1 đã bị dẹp bỏ.

Di tích lân cận

©NCCông 2012-2020, Dong Kinh Nghia Thuc square