7 To Lich river
Sông Tô Lịch
s.Tô LịchẢnh trên: Đoạn sông Tô chảy từ cầu Tựu Liệt đến cầu Văn Điển. Photo ©NCCong 2019
Địa lý
Sông Tô Lịch (蘇瀝江) là một con sông nhỏ nhưng có vai trò rất lớn trong lịch sử hình thành các ngôi làng tại vùng trung tâm Hà Nội ngày nay. Cùng với sông Hồng, nó tạo thành một đường bao tự nhiên của kinh đô Thăng Long xưa, các di tích văn hoá dân gian và dấu vết toà thành thời Lý-Trần minh chứng rõ điều đó.
Dòng Tô Lịch đến cuối thời Lê vẫn là một đường thuỷ nối sông Hồng với sông Nhuệ trước khi cửa sông bị cạn dần do cát bồi. Sách “Đại Nam nhất thống chí” được soạn vào thời Nguyễn có cho biết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở đầu phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm bây giờ) rồi chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu (nay là xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) chảy vào sông Nhuệ.
- Cửa đền Vệ Quốc ©NCCong 2014
Sau khi bị lấp một đoạn dài hơn 7 km từ bến cũ sông Hồng (cạnh đền Sơn Hải) kéo đến Thuỵ Khuê, dòng chính sông Tô Lịch còn lại gần 20 km và có tên khác nữa là sông Kim Giang. Nó đi từ làng Bưởi (quận Tây Hồ bây giờ) rồi chảy qua 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì để hoà vào sông Nhuệ.
Lược sử
Trước thế kỷ XII, thuyền có thể đi lại dễ dàng trên sông Tô và vào ra sông Hồng qua hai cửa. Cửa thứ nhất là Thiên Phù, nhưng đoạn sông từ bến Nhật Tân cho đến làng Bưởi bị cạn hẳn vào giữa thời Lý. Cửa thứ hai là Hương Bài tức Giang Khẩu, sau đổi tên là Hà Khẩu, gần đầu cầu Chương Dương bây giờ.
Hai cửa sông cùng nhiều hồ ao đã biến mất hoàn toàn vào đầu thế kỷ XX. Cửa Hà Khẩu bị Pháp lấp vào cuối thế kỷ XIX để xây khu phố mới và mở rộng đô thị Hà Nội. Từ đó, Tô Lịch trở thành một kênh nước thải.
- Cổng đền Bạch Mã ©NCCong 2015
Quay ngược về thời Bắc thuộc, các sách Lương thư, Trần thư của Trung Quốc đã chép rằng năm 545 Lý Nam đế (tức Lý Bí) cho đắp dựng một toà thành bên dòng sông, được gọi là “Tô Lịch giang thành” (Thành sông Tô). Còn theo sách Việt Điện U Linh thì Tô Lịch là tên một vị hiền tài quê Thăng Long, có nhiều công đức giúp dân làng nơi ông sinh trưởng nên khi mất được dựng đền thờ và tôn kính là “Tô Lịch giang thần” (thần sông Tô).
Vào thế kỷ VIII và thứ IX, dọc bờ nam sông Tô thuộc vùng đất nội thành Thăng Long có thành Giao Châu còn gọi là Đại La Thành, cửa mở ra phía sông Hồng gọi là Đông La Môn. Lại có Tử Thành tức thành Con. Đến năm 858, Tử Thành được mở rộng, bên ngoài hào vây quanh thành được rào bằng tre, trúc nên gọi là thành Lặc Trúc. Trải qua những biến cố lịch sử, sông Tô Lịch từng mang nhiều tên khác như Lai Tô, Hương Bài, Địa Bảo, Kim Giang.
Hiện nay vẫn còn dấu vết lịch sử văn hoá đậm đặc ở ven hai bờ sông Tô, trong đó có khoảng 100 di tích quốc gia.
- Cổng đền Đồng Cổ ©NCCong 2019
Đoạn đầu sông
Dưới thời nhà Lý, ở phía tây bắc La Thành ven tường thành đất có ngôi chợ Hồng Tân, tức chợ Bưởi hiện nay. Sông Tô Lịch chảy qua đây, giao lưu với sông Thiên Phù ở ngã ba gần chợ. Bến Hồng Tân xưa sầm uất, đông vui người mua kẻ bán, thuyền bè xuôi ngược chở nông sản ở các vùng quê ngoại thành Thăng Long và nguyên vật liệu từ miền ngược như gỗ, nứa, tre, song, mây... cùng các đặc sản khác về đây. Thương lái mua, bán hoặc trao đổi hàng hoá với phố xá kinh kỳ được thuyền buồm, thuyền thoi từ bến Nứa (Long Biên) chở đến.
Nhánh sông Tô Lịch còn lại ngày nay coi như bắt nguồn từ làng Thuỵ Chương (đầu phố Ngọc Hà) chảy về hướng tây qua đền Voi Phục Thuỵ Khuê đến Chợ Bưởi thì quặt xuống phía nam. Theo dọc phố Thuỵ Khuê xưa kia có 3 làng nghề làm giấy dó cổ truyền là: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thái (Bưởi). Làng nào cũng có đình riêng và cổng làng xây theo kiểu khác nhau. Trên phố này toạ lạc ngôi đền Vệ Quốc, được lập từ thời Lý, ghi niên hiệu Thiên Thuận (năm 1128). Đền thờ hai anh em Cống Lễ và Cá Lễ, hai nhân vật truyền thuyết có công đánh giặc, giữ nước và trị thủy giúp dân.
- Sông Tô Lịch thay đổi hẳn qua 2 thế kỷ XIX-XX
Bên bờ sông Tô thuộc làng Đông Xã còn có chùa Mật Dụng và đền Đồng Cổ, thờ thần núi Trống Đồng. Thời Lý - Trần, nơi đây hàng năm có mở hội thề trung hiếu với vua với nước. Ở đình làng An Thái gần chợ Bưởi có ban thờ thành hoàng Vũ Phục với sự tích hai vợ chồng người bán dầu lạc, quê ở xã Xuân Tảo, đã nguyện trẫm mình xuống sông Thiên Phù cho đất lấp cạn sóng lũ khỏi xói lở vào chân thành và cứu vua Lý khỏi bệnh đau mắt.
Đoạn giữa sông
Khúc sông Tô ở mạn tây kinh thành chảy từ Chợ Bưởi xuống phía nam qua các làng nghề với nhiều nhà thờ họ của các dòng họ khoa bảng nổi tiếng và di tích đình, đền, chùa lên quan đến những vị thần hay người dân có công với nước. Ví dụ như đền Voi Phục thờ thần Linh Lang - Trấn tây Thăng Long, hay địa danh Cầu Giấy nhắc đến nghề làm giấy xưa kia của làng Yên Hoà.
Đối diện với làng Cót là làng Láng Thượng ở bờ đông sông Tô, nơi có Chiêu Thiền Tự, tức chùa Láng thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, chùa Nền thờ cha mẹ Đạo Hạnh, v.v.. Sông Tô chảy tiếp đến quãng làng Láng Trung lại ngoặt về phía đông nam, không xa đó là di tích Pháo đài Láng.
- Sân tiền tế đình Vòng ©NCCong 2018
Pháo đài Láng do Pháp xây dựng trên 5 mẫu ruộng ở làng Láng Trung vào năm 1940. Bên trong đặt 4 khẩu pháo cao xạ 75 ly, có đài chỉ huy, hầm trú ẩn, hầm để đạn, 2 khẩu đại liên và nhiều súng trường. Sau tháng 8-1945, quân đội Việt Nam và tự vệ xã Yên Lãng đã học làm chủ kỹ thuật, chuyển pháo cao xạ thành pháo mặt đất. Đây là một trong 2 nơi nã những phát đạn đầu tiên vào các trại lính Pháp ở nội thành đêm 19-12-1946, mở màn cuộc Toàn quốc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược. Pháo đài Láng ngay sau đó đã lập chiến công bắn rơi một máy bay Pháp vào ngày 21-12-1946.
Đoạn cuối sông
Khúc sông Tô ở phía nam thành Thăng Long chảy qua Trung Hòa, Thịnh Quang, Thượng Đình... rồi đến làng khoa bảng Kim Lũ là nơi sinh ra của các danh nhân văn hoá như: Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Thế, Nguyễn Trọng Hợp, v.v..
Tiếp đó, sông Tô chảy qua xã Thanh Liệt (quận Hoàng Mai) là quê hương và nơi có đền thờ Phạm Tu tức Lý Phục Man, nổi tiếng trong cuộc khởi nghĩa Lý Bí ở thế kỷ VI. Nơi đây cũng có đền thờ Chu Văn An, một nhà giáo thời Trần đã từng dâng vua "Thất trảm sớ" xin chém đầu 7 viên quan đại thần tham nhũng. Nền trường dạy học của ngài nay là văn chỉ Chu Văn An cùng với bi ký còn lưu giữ của 30 vị khoa bảng huyện Thanh Trì.
- Tháp chùa Bằng Liệt trên sông Tô Lịch ©2023 NCCong
Hiện trạng
Từ đầu thế kỷ XX dòng sông Tô Lịch trở nên ô nhiễm nặng vì chủ yếu phải chở các loại nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ nội thành mà hầu như không qua xử lý. Cuối những năm 1990, Hà Nội bắt đầu dự án nạo vét, kè bờ, xây đường, bắc cầu, nâng cấp cảnh quan và môi trường. Dù có nhiều nỗ lực cải tạo rất tốn kém, gần đây nhiều đoạn sông đã bị xâm lấn trở lại và vẫn bẩn. Đặc biệt, do lưu lượng nước thải đã lên đến khoảng 150.000m³ mỗi ngày nên sau khi đổ vào sông Nhuệ thì toàn bộ dòng nước hạ nguồn càng bị ô nhiễm hơn.
Sông Tô Lịch ngày nay vì thiếu nước và bề ngang cũng bị thu hẹp nên thuyền nhỏ chỉ đi được trong từng đoạn ngắn. Dòng sông từ Hồ Tây chảy song song với các đường Thụy Khuê, Bưởi, Láng rồi đi qua các vùng Khương Đình, Kim Giang, Đại Kim, Thanh Châu, Huỳnh Cung, Tựu Liệt, Yên Ngưu, Văn Điển, Cổ Điển...
Từ ngã ba sông Tô thuộc vùng Thanh Liệt có một nhánh rẽ về phía đông, chảy qua cầu Văn Điển và được xử lý ở phía Yên Sở trước khi được bơm ra sông Hồng. Sông Tô ngày nay thông thuỷ với sông Nhuệ ở hai điểm. Điểm thứ nhất ở cạnh cầu Hữu Hòa phía đầu làng Tó, thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Điểm thứ hai ở cạnh đình Dương Hiền, thuộc xã Hòa Bình, huyện Thường Tín.
©NCCong 2011-2023, To Lich river