106 Quoc Tu Giam street
Phố Quốc Tử Giám
Phố Quốc Tử Giám dài 450m, từ cuối phố Ngô Sĩ Liên đi qua cuối phố Văn Miếu đến phố Tôn Đức Thắng và nối vào phố Cát Linh. Nay thuộc: phường Văn Miếu, Q. Đống Đa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 2km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: cổng Văn Miếu (xe 38), đầu các phố Tôn Đức Thắng (02, 23, 25, 41, 49), Cát Linh (23, 25, 49)
Lược sử
Phố Quốc Tử Giám đi từ ngã ba cuối phố Ngô Sĩ Liên (Hàng Đũa) giáp với ngõ Lương Sử C, rồi qua ngã ba cuối phố Văn Miếu (Hàng Cơm) trước khi nối vào phố Cát Linh tại ngã tư phố Tôn Đức Thắng (Hàng Bột). Mặt phố phía bắc có hai di tích lớn là chùa Phổ Giác (tức chùa Tàu Tượng hay Tàu Voi, có từ thế kỷ XVIII) và Văn Miếu–Quốc Tử Giám (thành lậ̣p năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông 李 仁 宗, 1066–1128).
Mặt phố phía nam có hồ Minh Đường tức hồ Văn, còn gọi hồ Giám vì nằm ở trước cổng Quốc Tử Giám, giữa hồ là gò Kim Châu, phía đông hồ là di tích trong ngõ Lương Sử A thờ Phạm Cự Lạng 范 巨 倆 còn gọi Phạm Cự Lượng 范 巨 量 (944–986), danh tướng của Đinh Tiên Hoàng. Ngài còn có công đưa Lê Hoàn lên ngôi vua và đóng góp lớn trong các cuộc phá Tống, bình Chiêm. Vua Lý Thái Tông (1028–1054) đã ban sắc phong cho Phạm Cự Lạng làm "Hoằng Thánh Đại Vương", thờ tại đền Ngự Sử, nay là Lương Sử.
- Sân đền Lương Sử ©NCCong 2019
Nguyên đây là phần đất ở phía nam hoàng thành Thăng Long cũ, trên địa phận của ba thôn Ngự Sử, Thanh Ngô, Minh Triết, thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Đến giữa thế kỷ XIX, thôn Ngự Sử hợp nhất với thôn Lương Sừ thành thôn Lương Sử, và tổng Hữu Nghiêm đổi tên là tổng An Hòa.
Từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, xung quanh khu vực này có khá nhiều trường học bởi vì Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, còn Quốc Tử Giám là trường học lớn và nổi tiếng nhất thời đó, nơi thường xuyên tổ chức các buổi bình văn cho học trò đến nghe. Dân các tỉnh về học khá đông nên tại các làng xung quanh như Ngự Sử, Lương Sừ, Tả Biên Giám, Cổ Thành đều có nhà trọ.
Những năm triều đình mở khoa thi, sĩ tử đến trọ càng đông hơn. Bên cạnh những trò tự nấu nướng là đám trò ăn cơm hàng. Vì dân làng Tương Mai đến Tả Biên Giám thuê nhà mở cả dãy quán nên dân Thăng Long gọi đó là phố Hàng Cơm (nay ở đoạn cuối phố Văn Miếu). Trong một số bản đồ và ảnh tư liệu về khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào khoảng đầu thế kỷ XX, ta thấy người Pháp ghi chú phố này thuộc địa phận của "route de Sinh Tu". Quả vậy, "đường Sinh Từ" đó gãy khúc và gồm 3 phố Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Quốc Tử Giám bây giờ.
- Văn Miếu Môn. Photo ©NCCong 2016
Phố này cuối thời Pháp thuộc vẫn chỉ đánh số là "voie 238" tức "đường 238". Năm 1945, thị trưởng Trần Văn Lai đã đổi tên là phố Quốc Tử Giám. Ngày nay, phố chạy qua địa phận 3 phường Văn Chương, Văn Miếu, Quốc Tử Giám, thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội. Mỗi dịp tết các ông đồ tân thời lại dựng lều bán chữ ở đây.
Di tích lân cận
- Bích Câu đạo quán: số 14 phố Cát Linh.
- Chùa Bà Nành (Tiên Phúc Tự): số 27 phố Văn Miếu.
- Chùa Bà Ngô (Ngọc Hồ Tự): số 128 phố Nguyễn Khuyến.
- Chùa Phổ Giác: số 80 phố Ngô Sĩ Liên.
- Chùa Quang Minh: số 8 phố Y Miếu.
- Đền Sòng Sơn: số 35 phố Tôn Đức Thắng.
- Đình, đền Lương Sử: số 47 ngõ Lương Sử A, phố Quốc Tử Giám.
- Đình Văn Hương: số 107 ngõ Văn Hương, phố Tôn Đức Thắng.
- Văn Miếu: số 58 phố Quốc Tử Giám.
- Y Miếu: số 12 phố Y Miếu.
©NCCông 2014-2019, Quoc Tu Giam street