118 Temple of Medecine
Y Miếu Thăng Long
q.Đống ĐaLê Hữu TrácTuệ TĩnhY Miếu có từ giữa thế kỷ XVIII. Thờ: các vị Tổ nghề Y. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1981). Vị trí: số 12 phố Y Miếu, 2RGQ+VV, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 600m (hướng 11h). Trạm bus lân cận: Đoạn giữa phố Nguyễn Khuyến, hoặc đầu các phố Lê Duẩn và Nguyễn Thái Học.
Lược sử
Sau khi lên ngôi, vua Lê Hiển Tông (1740—1786) đã cho kiến lập Y Miếu để thờ tiên thánh và các vị danh y lớn. Vào năm Canh Ngọ (1750), Xuyên Hầu và Ngoạn Quận công đã tiến hành xây dựng công trình đầu tiên trên một thửa đất thuộc huyện Quảng Đức ở phía tây hoàng thành, nhưng Y Miếu lúc đó còn rất sơ sài.
Đến năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773), có viên Chưởng Viện Thái Y đứng ra trông coi việc xây dựng và mở rộng Y Miếu với quy mô lớn hơn. Việc này được ghi lại trên tấm bia của Viện Thái Y, dựng vào năm Giáp Ngọ (1774) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35, hiện còn lưu tại chùa Phổ Giác ở phố Ngô Sĩ Liên ngay gần miếu. Theo đó, vua ra lệnh cho Viện Thái Y chọn đất và lĩnh tiền để xây Y Miếu. Công việc đã có sự lần lữa rồi bị bỏ lơi đi một thời gian. Mãi sau có Trịnh Đình Ngoạn hăng hái đứng ra đôn đốc. Ông vốn sinh trong một gia đình nhiều đời làm thuốc ở xã Định Công, huyện Thanh Trì; lớn lên tinh thông y lý kinh sử và làm đến chức Chưởng Viện Thái Y.
- Lối vào Y Miếu từ phố Nguyễn Như Đổ qua chợ
Nhận thấy khoảnh đất công giáp phía tây Phượng Thành, bên trái Văn Miếu, lại có dòng nước bao quanh, cách biệt nơi bụi bặm ồn ào, Trịnh Hầu đã mạnh dạn tâu trình, liền được Chúa Trịnh khen ngợi chuẩn y và cấp 10 mẫu ruộng để dùng vào việc đèn hương. Quốc Thánh Mẫu (mẹ Chúa) còn ban thêm cho hai hốt bạc. Noi theo thịnh tình của Thánh Mẫu, nhiều vị trong nội cung đều góp bạc, góp tiền để giúp vào việc xây dựng Y Miếu. Vậy nên chỉ "vài tháng đã xong, thẳng thắn, bay bướm, cung tường lộng lẫy, dãy dọc toà ngang, cột rường đồ sộ...".
Thời kỳ đầu, dân vẫn quen gọi Y Miếu là Viện Thái Y, mãi rồi mới gọi là Y Miếu Thăng Long. Sang thời Nguyễn, Y Miếu Thăng Long nằm trong tổng Hữu Nghiêm, sau đổi thành tổng Yên Hoà, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Năm 1834, Y Miếu Thăng Long được trùng tu lớn, mở rộng thêm nhiều. Từ năm 1942 thì Y Miếu Thăng Long thuộc về địa phận nội thành Hà Nội.
- Cổng Y Miếu Thăng Long. Ảnh ©NCCong 2015
Trong những năm Pháp chiếm đóng Hà Nội, Y Miếu Thăng Long không được tu bổ, mà còn bị lấn chiếm nhiều. Theo dòng lịch sử, Y Miếu cũng chứng kiến biết bao cuộc dâu bể hợp tan, nhưng có điều lạ là chưa bao giờ bị đổ nát trực tiếp bởi chiến tranh. Hồi 1972, khi không quân Mỹ đánh Hà Nội thì phố Khâm Thiên bị san phẳng và khu vực quanh Y Miếu cũng trúng bom. Nhưng không hiểu sao chỉ duy Y Miếu chẳng bị sứt mẻ mảnh vữa nào.
Sau 1954, Y Miếu từng được trùng tu và làm trụ sở của Hội Đông y VN với tổng thể kiến trúc trong diện tích 747m2 so với 3.600m2 trước đây. Nhưng cùng số phận như chùa Quang Minh ngay bên cạnh, Y Miếu tiếp tục bị lấn chiếm, chỉ còn lại 140m2 và phải chung sân, chung cổng với dân thường. Gần đây Y Miếu được sửa sang nhưng lối vào vẫn bị che khuất bởi khu chợ Ngô Sĩ Liên.
- Tiền tế Y Miếu Thăng Long. Ảnh ©NCCong 2015
Năm 1981, Y Miếu Thăng Long được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia
Kiến trúc
Cổng Y Miếu xây đơn giản, mở ra con phố cùng tên và hẹp như một con ngõ. Miếu được xây gần như hình vuông, gồm hai lớp nhà ba gian kiểu tường hồi bít đốc, quay về hướng đông nam. Nhà được làm hai tầng mái để tạo sự thông thoáng, mái trên tạo các đầu đao cong mềm mại; chính giữa bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt trời. Bên ngoài là tiền tế, bên trong là hậu cung với khám thờ Tuệ Tĩnh thiền sư và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Các gian bên thờ Thần Nông và những danh Nho.
- Chính điện Y Miếu Thăng Long. Ảnh ©NCCong 2015
Di sản
Trong Y Miếu có các hoành phi, câu đối ca ngợi sự nghiệp cao đẹp của hai vị Tổ cùng những giá trị sâu sắc của nền Y học cổ truyền. Hiện vật có giá trị nhất của di tích là một khám gỗ lớn, kín toàn gian, đặt ở vị trí trang trọng và cao nhất giữa hậu đường. Khám sơn son thếp vàng, chạm khắc tỉ mỉ các hình rồng, cúc, trúc, hoa lá cách điệu… mang nét nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XIX.
Hàng năm lễ hội được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, trong dịp đó Y Miếu Thăng Long là nơi tụ hội, giao lưu của những người làm công tác Đông y dược trong toàn quốc.
- Hậu cung Y Miếu Thăng Long. Ảnh ©NCCong 2015
Di tích lân cận
- Chùa Bà Nành: số 27 phố Văn Miếu.
- Chùa Bà Ngô: số 128 phố Nguyễn Khuyến.
- Chùa Phổ Giác: số 80 phố Ngô Sĩ Liên.
- Chùa Quang Minh: số 8 phố Y Miếu.
- Chùa Thiên Phúc: số 94 phố Hai Bà Trưng.
- Chùa Tiên Tích: số 110 phố Lê Duẩn.
- Đình, đền Lương Sử: ngõ Lương Sử A.
- Văn Miếu: số 58 phố Quốc Tử Giám.
118 Y Mieu ©NCCông 2012-2015