231 Me Linh temple of Sisters Trung

Đền Mê Linh

thời Hai Bà Trưnghuyện Mê Linhsông Hồng

Đền Mê Linh còn gọi đền Hạ Lôi, có từ thế kỷ XII. Thờ: Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2014). Vị trí: 5P4M+8X, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, H. Mê Linh, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 25 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: Đền Mê Linh (xe 35)

Lược sử

Thời đó nước ta bị xâm lược và Bắc thuộc đã 2 thế kỷ. Chính sách hà khắc của nhà Đông Hán bắt buộc Thi Sách tính kế nổi dậy. Việc thái thú Tô Định ngày mồng 10 tháng 11 âm lịch (năm 39) bắt giết ông đã làm người Việt tức nước vỡ bờ. Theo truyền thuyết thì Hai Bà Trưng và các cộng sự đã khởi sự ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, sách Tàu lại ghi là vào “mùa xuân, tháng 2, niên hiệu Kiến Vũ thứ 16”, tức khoảng tháng 2 năm 40 dương lịch.

Trưng Trắc trước khi ra quân đã lập Đàn thề ở cửa sông Hát Môn. Về sau, lời nguyền của Bà được đúc thành 4 câu thơ: Một xin rửa sạch thù nhà / Hai xin lấy lại nghiệp xưa họ Hùng / Ba xin thỏa tấm lòng chồng / Bốn xin trọn vẹn sở công lênh này.

Tam quan ngoại đền Mê Linh. Ảnh ©NCCong 2022

Cuộc khởi nghĩa nhận được sự ủng hộ của các Lạc tướng và cư dân Âu Lạc cũ. Từ Hát Môn, Hai Bà dẫn quân phá Đô uý trị của giặc ở Hạ Lôi, rồi xuống chiếm thành Cổ Loa, vượt sông Hoàng, sông Đuống, xuôi sông Dâu đánh trị sở Luy Lâu. Tô Định sợ không dám chống cự mà lẻn trốn về Nam Hải. Nghĩa quân từ Giao Chỉ bèn tiến vào Cửu Chân, Nhật Nam rồi quay lên bắc đánh Uất Lâm, Hợp Phố… chỉ trong vòng 2 tháng đã hạ được 65 huyện thành, giải phóng toàn bộ Lĩnh Nam, giành lại độc lập. Trưng Trắc lên ngôi Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh và miễn thuế liền 2 năm.[3]

Mùa hè năm 42, vua Hán Quang Vũ phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, đem 2 vạn quân sang đánh nước ta. Hai Bà đã thắng trận đầu; sau thì mắc mưu địch ở Lãng Bạc, bị rơi vào vây hãm và thiệt hại nặng, phải lui về Cấm Khê. Ngày 6 tháng 3 Quý Mão (năm 43), Hai Bà gieo mình xuống sông Hát Môn để khỏi sa vào tay giặc. Các tướng còn lại vẫn anh dũng chống cự đến người cuối cùng. Sự nghiệp Hai Bà Trưng vang dội cả Trung Quốc và được Phạm Diệp chép trong sách Hậu Hán Thư (thế kỷ V).

Sân voi và đá thề ở đền Mê Linh. Ảnh ©NCCong 2022

Gần 2000 năm đã trôi qua nhưng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà vẫn khắc sâu trong lòng mỗi người dân nước Việt. Ở Mê Linh, Hát Môn, Đồng Nhân cũng như nhiều nơi trong cả nước đều có đền thờ, hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội trang trọng để tưởng nhớ công đức của Hai Bà và các tướng lĩnh.

Năm 1980, ngôi đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh đã được xếp hạng Di tích quốc gia và năm 2014 nâng thành Di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, tại đây nhân dân mở hội tế Hai Bà Trưng từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Ngày mồng 6 là chính hội.

Kiến trúc

Tương truyền dưới triều Lý Anh Tông (1138-1175) có lần hạn hán to. Nhờ Hai Bà báo mộng nên vua làm lễ cầu đảo được mưa cho dân cày cấy, bèn truyền lập đền thờ ngay trên mảnh đất Hai Bà sinh ra và lớn lên. Thời Hậu Lê có quan Thượng Láng trên đường về kinh, qua đền không xuống voi, Hai Bà liền hiển linh bắt voi phủ phục. Sau đó vị quan đã cho sửa đền và xoay hướng tây bắc. Vì thế mà trong đền còn có một số đồ thờ làm từ thế kỷ XVII.

Tam quan nội đền Mê Linh. Ảnh ©NCCong 2022

Đời vua Tự Đức, ông Nguyễn An Liên người Hạ Lôi làm phủ uý An Lãng. Thấy dân tình không yên, ông bèn cùng bô lão xoay trả hướng đền như cũ và phá bỏ dãy nhà bên để mở rộng sân. Cuối năm đó (Tân Tỵ 1881) có bão to làm đổ tam quan. Ông Bích người làng Hạ Lôi, do ủng hộ chiếu Cần Vương được Tôn Thất Thuyết mời vào kinh đô Huế. Khi trở ra ông lấy mẫu Ngọ Môn để xây lại tam quan và còn trùng tu cả tòa tiền tế. Năm 1934, tri phủ An Lãng giao chánh tổng đứng ra đốc xuất trùng tu trung điện, cho nên kiến trúc có thay đổi.

Đền Mê Linh được xây theo kiểu "nội đinh, ngoại thất", bên trong có trung điện và hậu cung, phía trước là tiền tế, cổng tam quan bên ngoài nhìn về phía tây nam. Trong giai đoạn 2002-2005 đã tu bổ, tôn tạo 3 toà đền chính; sơn son thếp bạc các cấu kiện gỗ của 3 toà và tu bổ toàn bộ nội thất; dịch chuyển nhà tả mạc, hữu mạc để nới rộng không gian; cải tạo hồ bán nguyệt và sân trước tiền tế; xây dựng đền thờ cha mẹ của Hai Bà và đền thờ Thi Sách; đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà, v.v… Trong giai đoạn 2005-2010 đã xây dựng các công trình phục vụ du khách và hệ thống đường giao thông liên quan.

Đền thờ Hai Bà Trưng. Ảnh ©NCCong 2015

Di sản

Trong đền hiện lưu giữ được một số tác phẩm điêu khắc có giá trị nhiều mặt như đôi rồng đá ở thềm trung điện... Các bức cửa võng, khám thờ cùng các bộ kiệu rước đều được trang trí bằng chạm khắc trên gỗ rất đẹp và mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Những đề tài thường thấy là: long chầu nguyệt, phượng càn thư, hổ phù, long phượng tòng vân, cúc sen hoá rồng, hoa chanh, cúc dây….

Di tích lân cận

Ban thờ các nữ tướng của Hai Bà Trưng. Ảnh ©NCCong 2022

CHÚ THÍCH
[1] Cổ Lôi tức Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thuộc TP Hà Nội bây giờ.
[2] Hiện vẫn còn Miếu Mèn thờ bà Man Thiện. Làng Nam Nguyễn xưa ở địa phận tổng Cam Giá, trấn Sơn Tây; nay thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Man Thiện còn là tên của một con đường chạy qua 2 phường Hiệp Phú và Tăng Nhơn Phú A, tại Quận 9, TP HCM.
[3] Thế kỷ XIX, “Đại Nam quốc sử diễn ca” viết:
“Bà Trưng quê ở Châu Phong / Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên / Chị em nặng một lời nguyền / Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân / Ngàn tây nổi áng phong trần / Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên / Hồng quần nhẹ bước chinh yên / Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành / Đô kỳ đóng cõi Mê Linh / Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta / Ba thu gánh vác sơn hà / Một là báo phục, hai là bá vương”.
©NCCông 2015, Me Linh temple of Sisters Trung