61 Dong Nhan temple

Đền Đồng Nhân

quận Hai Bà Trưngsông Hồngthời Hai Bà Trưng

Đền Đồng Nhân có từ thời Lý. Thờ: Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2020). Vị trí: 2V64+P7G, P. Đồng Nhân, Q. Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 2,6 km (hướng 4h). Trạm bus lân cận: BĐX Nguyễn Công Trứ (xe 23, 30), Phố Huế (08, 31, 35, 38, 52), Lò Đúc (04, 18, 36, 42, 44)

Nếu du khách từ đường Nguyễn Công Trứ rẽ vào phố Đỗ Ngọc Du hoặc từ đường Lò Đúc rẽ vào phố Thọ Lão sẽ thấy con phố và hồ Hương Viên. Đền Đồng Nhân nằm ở bờ tây hồ này, ngay giữa trung tâm của một khuôn viên rộng rãi và đẹp đẽ. Bên tả đền là đình thờ thành hoàng làng Đồng Nhân và bên hữu là ngôi chùa thờ Phật, tên chữ Viên Minh Tự.

Lược sử

Tư liệu lịch sử cho biết: vào đời Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ ba (1142) có pho tượng đá nổi trên dòng Nhị Hà, tỏa sáng cả một đoạn sông, thuyền bè không dám đến gần. Vua Anh Tông biết chuyện, sai người ra đón rước nhưng không được. Theo ý của các bô lão, người ta lấy vải đỏ buộc vào tượng, làm lễ rồi rước vào. Đó là một pho thượng cao lớn, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay chỉ lên trời, một chân quỳ, một chân ngả ra.

Đền Đồng Nhân. Photo NCCong ©2015

Sau đó, vua cho dựng đền thờ Hai Bà Trưng ở ngay khu đất bãi sông của làng Đồng Nhân. Đến năm Gia Long thứ 18 (1819), do đất bị xói lở nên dân làng phải dời ngôi đền tới khu Cựu Võ Sở của triều Lê ở thôn Hương Viên, nhưng vẫn giữ tên đền cũ. Làng Đồng Nhân khi đó thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông; từ 17-7-1914 chính thức sáp nhập vào địa phận TP Hà Nội.

Nơi đây đã trở thành ngôi đền thờ Hai Bà Trưng linh thiêng bậc nhất ở đô thành. Ngày 4-4-1926 tại sân đền, đông đảo nhân dân Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, thể hiện tinh thần đoàn kết chống thực dân ngay giữa thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp.

Đền Đồng Nhân đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia ngay đợt đầu tiên vào năm 1962.

Đình Đồng Nhân. Ảnh NCCong ©2017

Kiến trúc

Đền Đồng Nhân như ta thấy bây giờ được xây theo kiểu "nội Công ngoại Quốc" trong một khuôn viên 4000m2 có tường bao ngoài. Trước mặt đền có một nguyệt hồ khá lớn, xung quanh cây cối xum xuê. Từ phố Hương Viên chạy vòng quanh hồ, du khách đi vào khoảnh sân rộng của cụm di tích đình-đền-chùa qua cổng nghi môn với bốn cột trụ gạch, bên trái là tấm bia lớn cưỡi lưng rùa dưới bóng cổ thụ, bên phải là một phương đình kiểu hai tầng tám mái có đôi rồng chầu phía sau bàn đá và cột cờ.

Nhà tiền tế 7 gian có hàng hiên hơi thấp nhưng mái rất rộng, từ sân trước lên hiên gạch có thềm rồng, các bậc ở giữa mới được thay bằng một bức phù điêu bằng đá chạm cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi dẫn đoàn nữ binh đánh đuổi lũ giặc Hán. Tiền tế nối với hậu cung bằng tòa thiêu hương xây 2 tầng 8 mái. Một hành lang rất dài từ gian bên của tiền tế đi dọc cạnh thượng điện và dẫn thẳng đến sân sau, nơi có các cửa ngách mở thông sang chùa Viên Minh qua bức tường hồi.

Chùa Viên Minh bên tả đền Đồng Nhân. Ảnh NCCong ©2015

Nhà nước và UBND Hà Nội đã đầu tư nhiều cho cụm di tích này. Cuối thế kỷ XX hồ Hương Viên được xây kè đá và con đường bao quanh hồ đã trải nhựa, trở thành phố xá. Năm 2001, một nhà trai đường 5 gian bằng gỗ tốt cũng được xây dựng ở phía sau hậu cung trên nền khá cao, có cửa nhìn ra khu vực sân sau. Ngôi đền và chùa Viên Minh hiện đang được trùng tu, dự kiến hoàn thành cuối năm 2015.

Di vật

Tại sảnh tiền tế có bày tượng hai con voi thờ bằng gỗ sơn đen châu đầu vào gian giữa, ngà của voi là ngà thật. Giáp tường hồi lại có bia đá và các văn bản giới thiệu di tích. Trong tòa thiêu hương đặt ngai thờ và một bức khảm thể hiện hình Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc.

Tượng voi đền Đồng Nhân. Ảnh ©2015 NCCong

Ở hậu cung có tượng vua chị Trưng Trắc mặc áo vàng, vua em Trưng Nhị mặc áo đỏ cùng 6 nữ tướng dàn hai bên, trong đó bao gồm tượng các vị Lê Chân, Hòa Hoàng, Thiên Nga, Nguyễn Đào Nương, Phùng Thị Chính. Hiện trong đền vẫn còn giữ được khá nhiều các đồ tế khí sơn son thếp vàng như bát bửu, lộ bộ, các bức hoành phi, câu đối có niên đại thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nội dung ca ngợi công đức Hai Bà Trưng.

Trên sân rộng trước bái đường có tấm bia Trưng Vương sự tích bi ký, văn do tiến sĩ Vũ Tông Phan, một nhà giáo nổi tiếng của Hà Nội soạn năm 1840. Bia khắc chữ một mặt, khổ 105 x 153cm. Toàn văn gồm 13 dòng chữ Hán dài 400 chữ, nội dung ca ngợi Hai Bà là bậc "Nam bang tiết liệt", “hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Hợp Phố và 65 thành ở lĩnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, uy danh lừng khắp Lĩnh Nam, tiếng tăm khắp cả Hoa Hạ. Mưu trí như Mã Viện mà bị thua trận, thanh thế quân ta đã làm cho người Hán phải mất ăn mất ngủ mấy năm”.

Bia đá trước đền Đồng Nhân. Ảnh ©2015 NCCong

Phong tục

Trước đây, đền Hai Bà Trưng được cấp 36 mẫu ruộng tự điền. Dân sở tại được miễn tạp dịch để chuyên lo việc thờ cúng. Làng Đồng Nhân có 20 họ, mỗi họ cử người làm nhà trong khu đất quanh đền. Thế là từ đó, người Đồng Nhân có mặt ở cả ngoài bãi lẫn trong làng, bên đền cũ và đền mới. Làng Hương Viên cũng có thêm tục đẹp tôn trọng phụ nữ. Bàn việc hội hè tế lễ phải có phụ nữ mới xong; chia 36 mẫu ruộng cho các hộ canh tác cũng có sự bàn bạc chung giữa các lão ông, lão bà.

Đến bây giờ, người Đồng Nhân vẫn giữ được tục kết chạ. Đồng Nhân kết nghĩa với làng Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), làng Hạ Lôi (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) và làng Hát Môn (Sơn Tây), bởi 4 làng cùng thờ Hai Bà Trưng: Hạ Lôi là quê hương, Hát Môn là nơi tụ nghĩa. Vào ngày 5 tháng 2 hàng năm, 100 nam nữ Phụng Công vượt sông sang đền dự lễ rước nước, dự tế lễ đến ngày mùng 7 mới về. Sau đó, đến ngày 9 tháng 4, Phụng Công mở hội, Đồng Nhân cũng cử người sang dự.

Để tỏ lòng tôn kính Hai Bà, ngày trước, từ mồng 4 tháng Hai, làng đã vào đám bằng tế nhập tịch; mồng 5 là hội rước nước. Đám rước đi từ đền ra phố Huế, lên Hàng Bài đến tận đền Bà Kiệu ở Hồ Gươm, rẽ ra Cột đồng hồ ở phố Trần Nhật Duật, rồi đưa choé xuống thuyền ra giữa sông lấy nước về nấu với trầm hương để tắm tượng. Hai lão bà trong làng, tính cách khiêm nhường, đức hạnh, được dân cử để tắm tượng, mặc áo mới cho Hai Bà trong ngày hội lớn.

Trong tiền tế đền Đồng Nhân. Ảnh ©2015 NCCong

Các cụ ông hành lễ theo nghi thức truyền thống. Việc dâng cúng trà rượu vào hậu cung theo tục xưa vẫn do các lão bà đảm nhiệm. Hội đền Hai Bà Trưng từ lâu đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt. Đặc biệt, trong hội có tế nữ quan, gợi lại giây phút thiêng liêng tại đàn thề trên sông Hát. Sau tuần tế thường có trò múa đèn. Mười vũ nữ vấn khăn, áo dài đen, thắt lưng điều, kết múi thả bên sườn, hai tay cầm hai đèn, múa lượn trước bàn thờ. Đèn là những đài nến trong hộp hình thang ngược, dán giấy mỏng vẽ hoa. Đội hình múa lúc mở, lúc chụm, đèn khi tỏa ra, khi giao nhau, đưa lên đưa xuống, lại có lúc đặt đèn lên hai đầu đòn, gánh cân bằng ở cổ vai, tay không đỡ mà đèn không rơi, lửa không lém cháy giấy. Dẫn nhịp cho đội múa là "con đĩ đánh bồng" do một nam đóng, mặc áo the quần trắng, khăn lượt, đeo trống cơm choàng qua vai bằng tấm lụa màu, sau lưng cắm cờ đuôi nheo, hai tay "bập bùng" dẫn động tác cho đội múa đèn một cách mềm mại duyên dáng.

Từ hơn 10 năm nay, hội đền Hai Bà vẫn giữ được cốt cách riêng và là lễ hội có quy mô lớn trên đất Hà Nội. Hội diễn ra từ chiều mồng 4 đến hết ngày 7 tháng Hai. Chính hội ngày 5 và ngày 6 tháng 2. Chiều mồng 4 tế yết mở cửa đền, mồng 5 tế nữ quan. Sáng mồng 6, trước sự có mặt của hàng ngàn người dự hội, có chương trình biểu diễn nghệ thuật, tái hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Tiếp sau lễ mít tinh long trọng trên sân đền có trò đấu vật, múa roi, múa sư tử. Cùng lúc, trên hồ nước có hát quan họ trên thuyền rồng. Giữ tục lệ đẹp, vào 12 giờ trưa có rước cỗ ông chủ. Sau đó là tế hội đồng của 4 xã kết chạ.

Ngai thờ đền Đồng Nhân. Ảnh ©2015 NCCong

Hàng năm ngoài dịp lễ hội, đền Đồng Nhân còn mở cửa thường xuyên cho du khách viếng thăm. Đặc biệt trong những ngày Tết, nhân dân thủ đô và khách thập phương nườm nượp đến đây tưởng niệm công đức Hai Bà Trưng, nhân thể cũng chiêm bái ở hai bên đền các ban thờ Phật, thờ Mẫu trong chùa Viên Minh và ban thờ thành hoàng trong đình làng Đồng Nhân.

Di tích lân cận

©NCCong 2011-2017, Dong Nhan temple