328 Gie Thuong community hall

Đình Giẽ Thượng

huyền thoạihuyện Phú Xuyênsông Nhuệ

Đình Giẽ Thượng có từ cuối thế kỷ XVII. Thờ: thuỷ thần Quảng Bác đại vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: MVVV+8Q, xã Phú Yên, Phú Xuyên, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 41 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Đd Đình Giẽ Hạ - ĐT428 (xe 101A, 101B).

Giới thiệu

Đình Giẽ Thượng được xây vào cuối thế kỷ XVII, bên trong thờ đức Quảng Bác Uyên Dung đại vương, còn gọi là thánh Ba Sa, hay thủy thần Tam Giang. Theo truyền thuyết, ngài là con trai thứ 2 trong số 5 người con [1] của Hùng Huy Vương (tức vua Hùng thứ 8), có công giúp vua đánh giặc Thục, bảo vệ dân và giữ nước. Các triều đại phong kiến đã ban 241 mỹ tự và 19 đạo sắc phong ngài làm thành hoàng của Giẽ Thượng cùng 71 ngôi làng khác.

Đình được gọi theo tên làng Giẽ Thượng. Làng này cùng làng Giẽ Hạ liền kề rất nổi tiếng về nghề làm giày da, thời Lê cả hai thuộc thôn Thịnh Phúc, thời Nguyễn mới tách ra, nay thuộc xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Hội làng được tổ chức hàng năm vào đầu mùa hạ. Cứ 5 năm một lần 6 thôn (Thượng, Hạ, Thần, Bùng, Cầu và Thủy Phú) của tổng Thịnh Đức cũ cùng thờ ngài Quảng Bác đại vương lại chung nhau làm đại lễ.

Đình Giẽ Thượng. Photo NCCong ©2016

Trong đình có nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ từ thời Lê Trung Hưng, đặc trưng cho nghệ thuật tinh tế và độc đáo của các ngôi đình làng thuộc vùng đất phía Nam kinh thành Thăng Long.

Năm 1996, đình Giẽ Thượng được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đình Giẽ Thượng nằm trên một khu đất cao ráo, tiền đường nhìn qua sông Châu Giang về di chỉ người cổ Châu Can ở phía nam [2]. Lưng đình hiện nay áp vào vệ đường Hoàng Quốc Việt, cách Cầu Giẽ trên quốc lộ QL1A chừng 2km. Cổng đình mới xây lại theo kiểu nghi môn, câu đối đắp trên trụ biểu được viết bằng chữ Quốc ngữ, hai bên cổng có tượng voi quỳ. Sau cổng có một cây sữa cao to che mát sân ngoài ở bên cạnh đầu hồi ngôi đình.

Chạm khắc ở đình Giẽ Thượng. Photo NCCong ©2016

Theo lối đi từ sân ngoài sang tay phải vào sân trong ta sẽ thấy trước tòa đại bái có hòn non bộ, tượng nghê và bình phong. Trước bình phong có một ao to, bên trái là cổ thụ um tùm tỏa bóng xuống mặt nước. Tòa đại bái gồm 3 gian lớn, xây kiểu 2 tầng chồng diêm, mái lợp ngói ta, tường hồi bít đốc. Ngoài hiên không thấy có cặp tượng Hộ pháp như thường lệ. Đại bái kết nối với trung cung và hậu cung theo hình “chữ Công”.

Di vật

Trong đại bái và trung cung của đình Giẽ Thượng có một số hoành phi và câu đối cổ. Gian giữa hậu cung là nơi đặt khám thờ chứa long ngai và bài vị của Thành hoàng. Tại chính điện và hai gian tả hữu vẫn giữ được những mảng chạm khắc gỗ điêu luyện với những hoạt cảnh đời thường xen lẫn các đề tài tiên nữ, voi, nghê, rồng, mây lửa v.v., trông cực kỳ sinh động. Trên cao có treo bức trần gỗ trang trí rất đẹp, giống như ở đình làng Giẽ Hạ. Ngoài ra còn có một lư hương cổ tạc bằng đá liền khối khá tinh xảo đặt trên hương án.

Màn đình Giẽ Thượng. Photo NCCong ©2016

Di tích lân cận

[1] Năm anh em được thờ tại các đình đền ven sông Đáy và Châu Giang gồm: Quảng Xung Linh Tế đại vương (xã Hữu Vĩnh, H. Ứng Hoà), Quảng Bác Uyên Dung đại vương (xã Phú Yên, H. Phú Xuyên), Quảng Xuyên Linh Quang đại vương (xã Trung Tú, H. Ứng Hoà), Quảng Tế Linh Ứng đại vương (xã Bãi Nhiễm, H. Duy Tiên), Quảng Hóa Cư Sĩ đại vương (xã Vĩnh Tuy, H. Thanh Trì).

Văn hoá Đông Sơn: người cổ Châu Can

[2] Năm 1989, khi đào ao sau đình thôn Bùng, nhân dân phát hiện được 7 ngôi mộ cổ nhưng chỉ 1 mộ nguyên vẹn. Thi hài còn lại cũng nhiều ít khác nhau. Hiện vật tùy táng phong phú (rìu đồng, chậu đồng, giáo đồng, vại sánh, đĩa gỗ, thước gỗ...) thuộc văn hóa Đông Sơn, cách nay trên 2500 năm. Bên kia sông Châu Giang, nằm trên thửa ruộng Ao Hồn trong lòng con mương chảy ra phía quốc lộ QL1A là một di chỉ khảo cổ học (hiện thuộc xã Châu Can, huyện Phú Xuyên) gồm 8 ngôi mộ có niên đại khoảng cuối thế kỷ III - đầu TK II trước CN, với những chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng quen gọi là "mộ thuyền".
328 Gie Thuong community hall ©NCCông 2016