372 Van Quan village monuments

Đình, đền và chùa Văn Quán (Thanh Oai)

huyện Thanh OaiĐỗ Cảnh Thạcsông Đáy

Đình, đền, chùa Văn Quán có từ thời Hậu Lê. Đền, đình thờ Lão Tử và sứ quân Đỗ Cảnh Thạc. Lễ hội đền Giời: mùng 9 tháng Giêng âl. Xếp hạng: Di tích thành phố. Vị trí đình Văn Quán: RQWH+XV, xã Đỗ Động, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 28km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: UBND huyện Thanh Oai trên QL21B (xe 91, 103)

Địa lý

Du khách từ mạn Hồ Gươm đi về phía Hà Đông qua Ngã Tư Sở, đến gần cầu sông Nhuệ thì đổi sang xe bus 103. Xe chạy theo đường Xa La - Mỹ Hưng và rẽ phải vào đường ĐT427B trước khi sang quốc lộ QL21B để đến thị trấn Kim Bài. (Cũng có thể đi từ bến xe Yên Nghĩa hoặc ngã ba Ba La bằng xe bus 91 hoặc 75 để đến Kim Bài). Du khách xuống xe ở điểm dừng đối diện trụ sở UBND huyện, rồi rẽ trái đi tiếp khoảng 1km qua trường THPT Thanh Oai A sẽ thấy khu di tích đình, đền và chùa Văn Quán.

Văn Quán vốn là một trong 4 thôn của xã Đỗ Động, dưới thời Nguyễn thuộc tổng Động Cứu, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa. Xã Đỗ Động có diện tích 6,36 km², dân số năm 1999 là 4.766 người, mật độ đạt 749 người/km², gồm 4 thôn cổ: Cự Thần, Động Giã, Trình Xá, Văn Quán. Hiện nay sau khi nhập vào thành phố Hà Nội và do vị trí ở sát thị trấn Kim Bài nên mấy thôn này đều tăng nhân khẩu và bị đô thị hóa dần dần.

Cổng đình Văn Quán. Photo ©NCCong 2017

Kiến trúc

Hai bên tam quan đình Văn Quán là mấy dãy nhà trống để họp chợ. Sau tam quan có một giếng tròn rất lớn và nằm ngay cạnh giếng là toà phương đình của ngôi chùa làng, tên chữ Khánh Long Tự. Đình và chùa cùng quay mặt về phía tây nam. Bên phía sân trước đình, trên thành giếng có bức bình phong đắp cuốn thư với phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Sư trụ trì chùa nói trong hậu cung đình có thờ Lão Tử và sứ quân Đỗ Cảnh Thạc.

Đại đình rộng 3 gian 2 dĩ, cửa bức bàn, kết nối với hành lang, trung cung và hậu cung thành hình chữ "Công". Khi tác giả theo cụ thủ từ vào đình thì thấy trong trung cung có đặt một pho tượng Hồ chủ tịch. Trong đình có nhiều di vật quý và các mảng chạm khắc đẹp. Bên tả là khu vườn với cây muỗm cổ thụ to cao (về sau bị hỏng) và một cái ao hình vuông hầu như đã cạn nước.

Đình làng Văn Quán. Photo ©NCCong 2017

Bên cạnh tấm bia của khu di tích Văn Quán nằm ven đường làng có một ngõ ngắn ở giữa nhà văn hóa và phương đình để dẫn khách đi vào chùa.

Cuối ngõ này, bên hông toà tiền đường có cổng của khu chùa trong mới được trùng tu và mở rộng. Xung quanh tượng đài Quan Âm bồ tát là các toà nhà khác, phía sau còn có vườn nhỏ và khá nhiều cây cảnh.

Phương đình chùa Văn Quán. Photo ©NCCong 2017

Đến nay chưa có tư liệu tin cậy để khẳng định chùa Khánh Long Tự được lập chính xác năm nào. Chỉ biết đợt trùng tu chùa lần cuối cùng là vào năm Quý Tỵ 2013 và hoàn thành năm Kỷ Hợi 2019. Tòa phương đình khá thấp, chỉ gồm 4 mái lợp ngói ta và dựa trên 16 cột gỗ lim, bên trong treo một quả chuông đồng to mới được đúc năm Giáp Ngọ 2014.

Tòa tiền đường rộng 5 gian, cửa bức bàn, kết nối với hậu cung thành hình “chữ Đinh”. Phía sau tam bảo là tòa hậu đường và hai dãy nhà bên, làm nơi thờ Tổ và thờ Mẫu. Tất cả đều xây tường hồi bít đốc và có hàng hiên với cột đá chạm câu đối. Trong vườn có nhiều cây và một ao nhỏ. Trong giai đoạn 2017-2018 chùa lại mở rộng và đặt tượng ở cánh bên hữu sân hậu đường, phía sau nhà văn hóa thôn.

Chùa Văn Quán. Photo ©NCCong 2017

Giữa chùa và đình có một rẻo đất nổi lên như chiếc mai rùa, được gọi là gò Kim Tinh. Trên đó nghe nói từng có một ngôi đền nhỏ gọi là đền Giời, là nơi thờ tự và tu luyện của các đạo sĩ. Đình, đền, chùa nằm sát nhau và dùng chung các lối đi, như vậy có thể nghĩ trong khu di tích xưa kia đã có sự hỗn dung văn hóa của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo.

Di sản

Khu di tích chiếm một khoảnh đất rộng thuộc xóm Chùa Mới, tọa lạc ven con đường ô tô từ UBND huyện Thanh Oai đi về phía đông nam. Dưới gốc cổ thụ có tấm bia mới dựng, đề chữ "ĐÌNH ĐỀN CHÙA VĂN QUÁN - DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐÃ ĐƯỢC XẾP HẠNG". Hàng năm, dân làng vẫn tổ chức lễ hội đền Giời vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch.

Trong đình Văn Quán. Photo ©NCCong 2019

Mặt tiền của cả 3 di tích đều quay về phía tây nam và cùng các cổ thụ tạo nên một không gian khá đẹp ở vùng thôn quê ngoại thành Hà Nội. Nhìn chung, chùa Khánh Long bị sửa lại khá nhiều và ngôi đền Giời thì hầu như không còn gì đáng kể. Có lẽ chỉ có đình Văn Quán với giếng làng và cổng tam quan lưu giữ được dáng vẻ của kiến trúc truyền thống. Tuy nhiên bên trong đình và chùa cũng còn may mắn là có nhiều câu đối, hoành phi, đại tự và đồ tế khí cổ.

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2021, Van Quan village monuments