405 Tho Am village hall

Đình Thọ Am

sông Tô Lịchhuyện Thanh TrìĐoàn ThượngNguyễn Phục

Đình Thọ Am có từ đầu thế kỷ XVII. Thờ 2 thành hoàng Đoàn Thượng và tiến sĩ Nguyễn Phục. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: Đ. Giếng Đình, thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, WV96+GVQ, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 13 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: Đối Diện Làng Tương Chúc - Ngũ Hiệp (xe 08a, 08act)

Lược sử

Thôn Thọ Am tên nôm là làng Om, nằm ven sông Tô Lịch và ở phía nam con đường rẽ từ quốc lộ QL1A từ cầu Ngọc Hồi đi về phía đông qua đền Đại Lộ ra đê sông Hồng. Dân làng xưa kia có nghề bện dây thừng. Từ khi có đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi qua đầu làng thì vùng này bị đô thị hóa mạnh mẽ.

Căn cứ vào các sắc phong có thể đoán định đình, đền làng Thọ Am có từ đầu thế kỷ XVII. Đình thờ hai vị nhân thần là tướng quân Đoàn Thượng [1] và tiến sĩ Nguyễn Phục [2]. Cạnh đình là ngôi đền nhỏ thờ bà mẹ ngài Nguyễn Phục vốn là người làng Thọ Am.

Trong cung cấm của đình làng hiện còn lưu giữ 37 đạo sắc phong do vua chúa từ đời Dương Hòa, Phúc Thái, v.v. cho đến các triều đại sau ban tặng. Ngày 22-4-1992 đình, đền Thọ Am đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là [cụm] di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Ao đình Thọ Am. Ảnh: NCCong ©2018

Kiến trúc

Đình Thọ Am nhìn về hướng nam qua bức bình phong đắp cuốn thư ra hồ sen nhỏ hình vuông. Trong sân rộng có 5 cây muỗm cổ thụ rất to. Hai bên là nhà văn hóa thôn ở bên hữu và bức tường dài ngăn cách con đường làng ở bên tả. Kiến trúc đại đình kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai với hai trụ biểu.

Tòa tiền tế gồm 5 gian 2 dĩ, cửa bức bàn, trên tường phía trong ở hai đầu hiên có tượng phù điêu hai vị hộ pháp đứng nhìn nhau qua hàng hiên. Trên bờ nóc chỉ có đắp hổ phù cũng như ở đầu hồi. Đại đình kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ, gian giữa đặt một hương án lớn ở bên dưới bức hoành phi. Tường trong cung cầm có gắn vài tấm bia.

Đình mang dáng vẻ kiến trúc thời Nguyễn sau những lần trùng tu và mở rộng năm Thiệu Trị 3 (1843), Tự Đức 13 (1860: làm thêm tả hữu mạc), Đồng Khánh 1 (1886) và cuối thế kỷ XX. Những mảng kiến trúc gỗ ở cửa chính, khung nhà, ván nong và các đầu bẩy được chạm khắc với các hình hoa văn cây cỏ, mây lửa và rồng cách điệu.

Sân đình Thọ Am. Ảnh: NCCong ©2018

Lễ hội

Tại vùng Đông Mỹ và Ninh Sở này, các làng Thọ Am, Nội Am, Tương Trúc, Tự Khoát, Đông Phù, Đại Lộ, Sở Hạ hàng năm đều tổ chức lễ hội cùng trong khoảng từ mùng 7 đến 10 tháng Hai âm lịch.

Lễ hội đình làng Thọ Am hàng năm được tổ chức long trọng từ mùng 7 đến mùng 9. Suốt 3 ngày liền, ngoài tế lễ, nhân dân còn tham gia vui chơi và biểu diễn văn nghệ tại đây với các trò như: thi vật, đấu cờ người, chọi gà, bắt vịt nước, thả chim bồ câu, hát chèo, quan họ...[3]

Di tích lân cận

Khám thờ trong đình Thọ Am. Photo ©NCCong 2020

[1] Đoàn Thượng 段 尚 (1181-1228) là vị tướng đời vua Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Ngài làm hào trưởng và chủ soái của sứ quân họ Đoàn ở xã Hồng Thị (Trường Tần, Hải Dương), từng chống lại nhà Trần và cũng không thần phục khi Trần Thủ Độ mang tiền bạc, chức tước ra dụ dỗ. Ngài giữ đất Hồng Châu (Thường Tín), xây thành đắp luỹ chống lại quân Trần, năm 1228 bị thương rồi mất tại làng An Nhân. Ngài được dân lập miếu thờ ở nhiều nơi, về sau các triều Lê, Nguyễn ban sắc phong là Đông Hải đại vương.
[2] Nguyễn Phục gốc xã Hoài Lâm (Gia Phúc, Hải Dương) nhưng mẹ là người Thọ Am. Ông đỗ tiến sĩ rồi làm quan trong triều Lê sơ. Năm 1470, được Lê Thánh Tông phong làm Đốc lương trong chiến dịch tiến đánh Chiêm Thành. Đoàn thuyền lương khi đến cửa Tùng phải neo lại tránh bão nên việc tiếp viện chậm trễ. Theo quân lệnh, ông bị xử trảm tại bãi Nam vịnh Sơn Trà. Về sau được vua minh oan, ban sắc phong cho thờ ở các đình Thọ Am, Siêu Quần...
[3] Buổi sáng mùng 7 các bô lão khai hội bằng rước nước về để làm lễ mộc dục và mở cửa đình; buổi chiều thì đội nam tiến hành lễ tế Thánh. Mùng 8 là chính hội, buổi sáng các đội múa rồng và ban nhạc dẫn đoàn rước kiệu và sắc từ đình lên miếu Thọ Am để làm lễ tế thành hoàng. Sau đó, kiệu và long ngai hai vị phúc thần lại được rước từ miếu về đình, nơi diễn ra lễ tế cộng đồng. Đến tối, đội nữ làm lễ dâng hương trong đình. Mùng 9 có lễ rước long ngai tướng quân Đoàn Thượng trở về miếu Thọ Am và đội nam làm lễ tế yên vị. Tiếp đó là lễ tế hạ hội và thụ lộc.

©NCCong 2014-2018, Tho Am village hall