10 Potatoes street
Phố Hàng Khoai
q.Hoàn KiếmPhố Hàng Khoai dài 350m, đi từ đường Trần Nhật Duật đến phố Hàng Lược qua các ngã tư Nguyễn Thiệp — Nguyễn Thiện Thuật, Hàng Giấy — Đồng Xuân. Nay thuộc phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 2 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: Điểm trung chuyển Long Biên, 50 Hàng Cót, 22c Hàng Lược.
Lược sử
Phố Hàng Khoai xưa kia là nơi tập trung bán khoai, sắn của nông dân mấy tổng lân cận canh tác trên đất bãi sông Hồng; do đó chính quyền thời Pháp thuộc đặt tên là Rue des tubercules (dịch nghĩa đen: "Phố Hàng Củ"). Tên phố Hàng Khoai được thị trưởng Trần Văn Lai đổi lại chính thức từ năm 1945, sau khi phát-xít Nhật đảo chính thực dân Pháp tại Đông Dương.
Đoạn giữa phố áp vào mặt phía bắc của khu chợ nổi tiếng nhất nội thành. Ngôi chợ này có các cửa chính ở phố Đồng Xuân với hai bên là hai tượng đài kỷ niệm các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô ngăn chặn quân Pháp tái xâm lược đầu năm 1947. Dọc theo phố Hàng Khoai có các lối khác để vào chợ và những nhà gửi xe dành cho khách hàng, ban ngày lúc nào cũng đông như kiến. Hàng hóa các loại hàng ngày được vận chuyển đến đây liên tục để đem vào bày bán trong chợ Đồng Xuân và chợ Bắc Qua.
- Hàng Khoai - Đồng Xuân ©NCCong 2020
Một quang cảnh đặc biệt nên xem là chợ rau họp trên phố Hàng Khoai vào lúc nửa đêm. Tối tối, hàng đoàn xe thồ, ô tô chở rau tươi, hoa quả và các loại củ từ những vùng chuyên canh lân cận đến tập kết tại phố này. Tờ mờ sáng, chủ các quầy rau, quả ở khu vực nội thành và các chợ khác lại đến đây mua buôn để về bán lẻ cho người tiêu dùng. Khoảng 7—8 giờ sáng thì chợ tan, đường phố lại được dọn dẹp sạch sẽ như chưa hề có gì xảy ra.
Đối diện mặt bắc chợ Đồng Xuân là dãy dài các cửa hiệu với đủ các loại hàng hóa tiêu dùng và tiểu thủ công nghiệp. Gần đây, một số hộ ở phố này còn kinh doanh thêm các mặt hàng cao cấp… và bắt đầu xây các tòa nhà sang trọng hơn. Chợ Đồng Xuân bốc cháy đêm 14 tháng 7 năm 1994. Các gian hàng và kho hàng bị thiêu rụi, đến ngày 19 tháng 7 mới dập tắt được hoàn toàn ngọn lửa. Biết bao gia đình lâm vào nợ nần, thậm chí mất hết tài sản; trái lại có nhiều người từ nơi khác đến và trở thành chủ nhân mới ở đây. Chợ đã được xây lại nhưng ngày nay không còn giữ được nhiều đặc trưng như xưa nữa.
- Cổng chùa Quán Huyền Thiên ©2011 NCCong
Di tích trên phố
Phố Hàng Khoai được xây dựng trên đất của thôn Huyền Thiên, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Ở số nhà 54 hiện nay vẫn còn ngôi chùa nhìn sang, gọi là chùa Quán Huyền Thiên vì thực ra lúc đầu nơi đây vốn là một chốn tu hành của các đạo sĩ Lão giáo và họ thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Ngày nay pho tượng thần trong chùa và 4 chữ Hán 玄天古觀 (Huyền Thiên cổ quán) đắp nổi trên tam quan vẫn còn nguyên.
Trần Nguyên Đán (1326—1390), ông ngoại của Nguyễn Trãi, đã từng đến thăm quán Huyền Thiên và có bài thơ đề vịnh di tích này. Rồi Lão giáo suy vong, đạo sĩ bỏ đi hết, các sư sãi đến lập chùa thay thế quán. Từ đó có tên chùa Quán Huyền Thiên, bên trong thờ cả Thần lẫn Phật, sau lại thờ thêm các Mẫu. Tại đây còn có một tấm bia cổ dựng vào năm 1668.
- Xưa có xe điện chạy qua trước đình và chợ Đồng Xuân
Tại góc đông bắc ngã phố Hàng Khoai - Hàng Giấy xưa kia có ngôi đình Đồng Xuân, về sau bị phá huỷ. Đường ray xe điện chạy qua phố Đồng Xuân cũng bị bóc mất.
Ảnh toàn cảnh
- Ngã ba Hàng Khoai—Hàng Lược. Panorama ©NCCong 2015
- Ngã tư Hàng Khoai—Trần Nhật Duật. Panorama ©NCCong 2014
- Phố Hàng Khoai. Panorama ©NCCong 2012
Di tích lân cận
- Cầu Long Biên: đường lên cầu ở góc phố Hàng Khoai—Trần Nhật Duật.
- Chợ Đồng Xuân: số 3 phố Đồng Xuân.
- Chùa Cầu Đông: số 38B phố Hàng Đường.
- Chùa Vĩnh Trù: số 59 phố Hàng Lược.
- Đền Cổ Lương: ngõ 28 Nguyễn Văn Siêu.
- Đình Đức Môn: số 38A phố Hàng Đường.
- Đông Bộ Đầu—Bến xe Long Biên: mặt bắc ngã phố Yên Phụ—Hàng Đậu.
- Mosquée Al Noor: số 12 phố Hàng Lược.
10 Hang Khoai ©NCCong 2011-2015