1016 Cong Vi community hall

Đình Cống Vị

sông Tô Lịchq.Ba ĐìnhHoàng Phúc Trung

Đình Cống Vị có từ năm 1729. Thờ: thành hoàng Hoàng Phúc Trung. Lễ hội: 23 tháng Ba âl. Xếp hạng: Di tích thành phố (1999). Vị trí: Ngõ 518 Cống Vị, 2RP5+V8J, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 4,5km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Đối diện UBND Phường Cống Vị (xe 146), Dốc Tập Lái - 202 Đường Bưởi Trên (09A, 09ACT, 55A, 55B, 68)

Lược sử

Đình thờ ngài Hoàng Phúc Trung, người có công di dân đến định cư và khai phá vùng đất phía tây nam hoàng thành Thăng Long. Theo thần phả, ngài vốn quê làng Lệ Mật (nay thuộc xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), vào cung làm thái giám năm 16 tuổi. Một lần cô con gái vua Lý Thái Tông lên thuyền dạo chơi trên sông, không may bị ngã xuống xoáy nước, ngài đã dũng cảm vớt được xác công chúa.

Nhà vua thưởng nhiều vàng lụa và ban chức tước, song ngài chỉ xin được đem dân nghèo từ trang Lệ Mật về cày cấy ở phía tây nam hoàng thành, về sau lập nên 13 trại gọi là Thập tam trại. Ngài mất năm Kỷ Hợi (1059) đời vua Lý Thánh Tông, được dân Lệ Mật và Thập tam trại lập đền thờ.

Cổng đình Cống Vị. Photo NCCong ©2023

Đình khởi dựng vào năm Vĩnh Khánh nguyên niên (1729) thời Lê trung hưng, hiện nay nằm tại ngõ 518 Đội Cấn, thuộc phường Cống Vị, quận Ba Đình. Năm 1999 đình Cống Vị được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật.

Kiến trúc và di vật

Trải qua lần đại tu vào đầu thế kỷ XXI, hiện nay dáng vẻ đình chủ yếu mang phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ, bit cửa giữa thành bình phong, phía trước có cây xanh rủ bóng che mát. Du khách ra vào bằng hai cửa bên có phù điêu hộ pháp Thiện, Ác đứng gác. Toà đại đình 3 gian 2 dĩ, mái lợp ngói ri, trên bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Nội thất trang trí chạm khắc tứ linh, tứ quý trên các bức cốn. Gian giữa treo bức hoành phi Đại vương tôn thần, ở dưới là bức đại tự “Thượng đẳng tối linh” rồi đến bức y môn sơn son thếp vàng, cũng chạm hình lưỡng long chầu nguyệt.

Tiền tế đình Cống Vị. Photo NCCong ©2023

Toà hậu cung và trung đường đều 3 gian nối với đại đình theo hình “chữ Đinh”. Tại trung đường đặt long ngai bài vị thành hoàng. Phía trên là bức đại tự “Thánh cung vạn tuế”, hai bên có đôi câu đối ca ngợi sự nghiệp của ngài:
Tối tú, tối linh, thánh đức nguy nguy phù quốc thái
Nãi văn nãi võ, thần công đãi đãi hộ dân khang

(Tuyệt đẹp, tuyệt thiêng, đức thánh nguy nga phù nước vững
Vừa văn, vừa võ, công thần vời vợi giúp dân yên)

Tại hậu cung, trong khám thờ ở giữa đặt tượng ngài Hoàng Phúc Trung cao 1,3m, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo long bào có bố tử, tay cầm bút. Hai bên thấp hơn đặt các khám thờ ban tả và ban hữu. Trước kia có 7 đạo sắc phong nhưng sau thất lạc dần. Hiện còn lưu giữ được các hoành phi, câu đối và quả chuông có khắc dòng chữ cho biết do Hội các cụ đại lão thôn Cống Vị cung tiến năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740).

Trong đình Cống Vị. Photo NCCong ©2023

Lễ hội

Lễ hội đình làng hàng năm mở vào ngày 23 tháng Ba âm lịch kỷ niệm ngày di dân lập ấp. Ngoài ra còn có lễ kỷ niệm ngày sinh thành hoàng 13 tháng Giêng và lễ kỷ niệm ngày hoá 13 tháng Giêng. Xưa có tục lệ dân 13 trại rước kiệu về đình Vĩnh Phúc (đình Hàng Tổng) để tế lễ, rồi lại rước về đình Cống Vị. Ngày nay, lễ hội vẫn giữ được truyền thống giao lưu với dân làng Lệ Mật.

Di tích lân cận

1016 Cong Vi community hall ©NCCông 2016-2023