1017 Om temple

Đền Om (Ngũ Hiệp)

s.Tô LịchĐoàn ThượngNguyễn Phục

Đền Om có từ đầu thế kỷ XVII. Thờ 2 vị nhân thần là tướng Đoàn Thượng và tiến sĩ Nguyễn Phục. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 18 Ngũ Hiệp, WVC5+RR, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12,3 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: XN Thiết Bị Y Tế 130 - Ngũ Hiệp

Lược sử

Đền Om nằm ở đầu thôn Thọ Am, nay ở góc cắt của đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với sông Tô Lịch, đối diện Đài liệt sĩ Tự Khoát. Căn cứ vào các đạo sắc phong mang niên hiệu Dương Hoà và Phúc Thái của thời Lê trung hưng thì đền Om có từ khoảng đầu thế kỷ XVII, thờ tướng Đoàn Thượng và tiến sĩ Nguyễn Phục.

Nguyễn Phục gốc xã Hoài Lâm (huyện Gia Phúc, Hải Dương), mẹ là người làng Thọ Am. Ông đỗ tiến sĩ rồi làm quan triều Lê sơ. Năm 1470 vua Lê Thánh Tông đích thân dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, giao cho ông làm Đốc lương. Đoàn thuyền vận tải đến cửa Tùng gặp bão phải neo lại nên việc tiếp viện lương thảo bị chậm trễ. Theo quân lệnh, ông bị xử trảm tại bãi Nam, vịnh Sơn Trà. Về sau được minh oan và ban sắc phong thần ở các làng Thọ Am, Siêu Quần, v.v..

Đền Om: ban thờ Đoàn Thượng ©NCCong 2023

Đoàn Thượng (1181-1228) là một vị tướng trải qua hai đời vua Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Ngài sinh ở làng Thung Độ (nay thuộc xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, Hải Dương). Lớn lên làm hào trưởng, từng chống lại nhà Trần và cũng không chịu thần phục khi Trần Thủ Độ mang tiền bạc, chức tước ra dụ dỗ. Ngài đóng giữ đất Hồng Châu (huyện Thường Tín), tuyển lính, xây thành đắp luỹ chống lại quân Trần.

Năm 1228 Đoàn Thượng bị Nguyễn Nộn đánh bại rồi mất tại làng An Nhân do vết thương nặng. Ngài được dân lập đền miếu thờ phụng ở nhiều nơi, về sau được các triều Lê, Nguyễn ban sắc phong là Đông Hải đại vương.

Đền Om: nhà thờ Mẫu. ©NCCong 2023

Kiến trúc

Đền từng bị phá huỷ, đến cuối thế kỷ XX đã được sửa lại phần thờ Mẫu. Toà đại bái 5 gian nhìn qua sân ra sông Tô Lịch ở phía bắc. Toà hậu cung 4 gian dọc kết nối với gian giữa đại bái theo hình “chữ Đinh”. Bên cạnh còn có lầu Cô, lầu Cậu.

Sang thập niên 2020 lại xây riêng miếu thờ ngài Đoàn Thượng, kiến trúc cũng theo hình “chữ Đinh” giống như đền Mẫu nhưng nhỏ và thấp hơn. Cổng nội của hai toà miếu, đền và cổng chung mở ra đường đều xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán.

Nghi môn đền Om ©NCCong 2023

Lễ hội

Trước kia tại đình, đền, chùa, miếu của các làng Thọ Am, Nội Am, Tương Trúc, Tự Khoát, Đông Phù, Đại Lộ, Sở Hạ hàng năm đều tổ chức lễ hội mùa xuân vào cùng trong khoảng từ mùng 7 đến 10 tháng Hai âm lịch.

Buổi sáng mùng 7 các bô lão làng Thọ Am khai hội bằng rước nước về để làm lễ mộc dục và mở cửa đình; buổi chiều thì đội nam tiến hành lễ tế Thánh. Mùng 8 là chính hội, buổi sáng các đội múa rồng và ban nhạc dẫn đoàn rước kiệu và sắc từ đình lên đền Om để làm lễ tế thành hoàng. Sau đó, kiệu và long ngai hai vị phúc thần lại được rước từ đền về đình, nơi diễn ra lễ tế cộng đồng. Đến tối, đội nữ làm lễ dâng hương trong đình. Mùng 9 có lễ rước long ngai các Thánh trở về đền Om và đội nam làm lễ tế yên vị. Mùng 10 làm lễ tế hạ hội và thụ lộc.

Đền Om: ban thờ Mẫu. ©NCCong 2023

Ngày 22-4-1992 đền Om được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Di tích lân cận

1017 den Om ©NCCong 2014-2023