1020 Van Phuc Community Hall
Đình Vạn Phúc (Ba Đình)
nhà LýLinh Langq.Ba ĐìnhĐình Vạn Phúc còn gọi đình Tổng, tên cũ là đình Vạn Bảo, tương truyền có từ thế kỷ XII. Thờ: Linh Lang đại vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: ngõ 194 Đội Cấn, 2RMF+4, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,7 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: 195 B Đội Cấn (xe 09a, 09act), 240 Kim Mã (22a, 32, 34, CNG03)
Lược sử
Đình làng Vạn Phúc tương truyền có từ cuối thế kỷ XI. Trong đình thờ Linh Lang đại vương làm Thượng Đẳng Phúc Thần. Theo ngọc phả, ngài tên thật là Hoằng Chân, con thứ tư của vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054 – 1072), mẹ là cung phi, quê gốc ở thôn Đồng Đoàn, xã Bồng Lai, huyện Đan Phượng, trấn Sơn Tây. Hoàng tử đã tham gia đánh giặc Tống xâm lược và hy sinh anh dũng tại sông Như Nguyệt vào ngày 10 tháng Hai năm Đinh Tỵ (1077). Hiện Bắc Bộ có 269 nơi thờ ngài, ngôi đền chính ở trại Thủ Lệ được tôn là Tây trấn Thăng Long.
Vạn Phúc vốn có tên Vạn Bảo thuộc khu Thập tam trại và từng là một trong những nơi đóng quân của hoàng tử Hoằng Chân. Trại xưa kia đất rộng và gồm 4 xóm với 4 giáp: giáp Thượng, giáp Hạ, giáp Trung, giáp Nam. Nơi đây từng có đầm Cây Khế và hồ Trước Cửa, cả hai đã bị san lấp gần hết trong thế kỷ XX. Ngoài đình ra, gần đó còn có di tích đền Miếu Trắng và chùa Bát Tháp.
- Cổng đình Vạn Phúc. Photo ©NCCông 2023
Kiến trúc
Đình toạ lạc trong ngõ 194 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ với hai cổng phụ và tượng đôi voi phục. Sau cổng là sân rộng và hai dãy tả hữu mạc đã đổ nát. Tổng diện tích khuôn viên lên tới trên 15.000 m² sau khi thu hồi phần đất từng bị một số hộ dân lấn chiếm.
Đại đình có hàng hiên trên nền cao 5 bậc, nhìn ra đường làng ở phía tây. Toà tiền tế và toà trung tế rộng 7 gian xếp song song thành hình “chữ Nhị”, được dựng vào tháng Hai âm lịch năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Tất cả đều xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri tựa trên 6 hàng chân cột lim to, bên hông có cửa ngách mở ra vườn. Ống muống 3 gian dọc được tu bổ vào tháng Mười âm lịch năm Thành Thái thứ 16 (1904), nối với gian giữa trung tế và toà thượng điện 3 gian thành hình “chữ Công”.
- Sân đình Vạn Phúc. Photo ©NCCông 2023
Năm 1986, đình Vạn Phúc đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di sản
Trong đình Vạn Phúc hiện còn những mảng chạm khắc gỗ có giá trị nghệ thuật cao cùng nhiều cổ vật quý giá như: các sắc phong, cỗ kiệu có thể tháo gấp, cửa võng sơn son thếp vàng, những bức đại tự, câu đối lòng máng dóng trúc. Lại có 4 tấm bia lớn mang niên đại 2 thế kỷ XVIII – XIX, ghi nhận công đức của nhân dân khu Thập Tam Trại và làng Vạn Phúc đã góp sức lực xây dựng ngôi đình Hàng Tổng.
Tại đình này hàng năm chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội kỷ niệm Linh Lang đại vương vào 3 dịp theo âm lịch: a/ 9 tháng Hai là ngày giỗ (chính hội), b/ 2 tháng Chín là ngày Đại yến khao quân, c/ ngày 13 tháng Chạp là sinh nhật của ngài. Trong đình còn bảo lưu được một chiếc trống lớn, tương truyền mỗi khi đánh thì toàn dân “Thập tam trại” đều nghe thấy tiếng trống.
- Trong đình Vạn Phúc. Photo ©NCCông 2023
Lễ hội đình Vạn Phúc là một hoạt động văn hóa thu hút được nhiều khách thập phương tới dự, đặc biệt với sự có mặt của đại diện khu di tích Đền Đô – Bắc Ninh (quê nội) và làng Lệ Mật (quê ngoại) của Hoàng tử Hoàng Chân. Trong dịp này có các màn biểu diễn đặc sắc của Đội tế Nam quan Kim Mã thượng, Đội tế Nam quan Vạn Phúc, Đội dâng hương Vạn Phúc, và Đội dâng hương Cống Vị.
Di tích lân cận
- Chùa Bát Tháp (Vạn Bảo): ngõ 209 Đội Cấn.
- Chùa Kim Sơn: số 73 phố Kim Mã.
- Đền Đống Nước: ngõ 173 ngách 63 Hoàng Hoa Thám.
- Đình Đại Yên: ngõ 173 Hoàng Hoa Thám.
- Đình Kim Mã: số 61 phố Kim Mã.
- Đình Ngọc Hà: ngõ 158 Ngọc Hà.
©NCCông 2015-2023, Van Phuc Community Hall