1024 Tay Ho community hall

Đình Tây Hồ

thời Tiền Lýquận Tây Hồthuỷ thần

Đình Tây Hồ có từ lâu đời. Thờ 5 vị thành hoàng: Bảo Trung, Minh Khiết, Uy Linh Lang đại vương, Phương Nương và Liễu Hạnh công chúa. Xếp hạng: Di tích thành phố (2007). Vị trí: số 24 ngách 31, ngõ 46 Xuân Diệu, phường Quảng An, 3R6G+JH, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 5,4 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: Số 48-50 Âu Cơ (xe 31, 41, 55a, 55b, 58, 143, 146, E09)

Lược sử

Đình Tây Hồ toạ lạc tại số 24 ngách 31, ngõ 46 Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Trước đây, phường Quảng An vốn nổi tiếng về vườn hoa cây cảnh suốt thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Làng Tây Hồ được coi là một trong những nơi linh thiêng bậc nhất của thủ đô với những di tích lịch sử văn hóa như: đền Kim Ngưu, phủ Tây Hồ, chùa Phổ Linh,… Dân gian còn lưu truyền giai thoại Nguyễn Trãi giao duyên bằng thơ với cô nàng bán chiếu Nguyễn Thị Lộ, rồi Phùng Khắc Khoan từng kết bạn thơ với công chúa Liễu Hạnh...

Trong cung cấm của đình làng Tây Hồ thờ 5 vị thần là: Bảo Trung, Minh Khiết, Uy Linh Lang đại vương, Phương Nương và Liễu Hạnh công chúa. [1]

Kiến trúc

Đình Tây Hồ nằm trên mảnh đất cao ráo giữa làng, mặt quay về hướng Tây, có tường bao quanh khuôn viên, diện tích 1.363 m2. Nghi môn gồm 2 trụ biểu to cao, thân trụ hình vuông đắp câu đối. Mặt trước đình xây kín, để 3 cửa rộng ở giữa và 2 cửa nhỏ hai bên. Đại bái 5 gian rộng, tường hồi bít đốc, thềm cao 3 bậc. Hai bên hồi xây tường nối ra hai cổng nhỏ thông ra phía sau vườn. Bờ nóc chạy thẳng, chính giữa đắp hình lưỡng long chầu nhật. Bộ khung bằng gỗ có 2 bộ vì kèo kiểu thượng rường, 1 bộ vì kèo suốt, 1 bộ vì giá chiêng.

Trước hậu cung và sau đại bái là một phương đình kiểu 2 tầng 8 mái, lợp ngói ri. Chính giữa nóc đắp một bầu rượu, hai bờ nóc ngậm 2 dải mây mềm mại. Cả 8 đao đều đắp rồng lá. Các cột đỡ bộ khung đều bằng gạch, phần chân xây vuông, phần trên xây tròn. Hậu cung 3 gian ngang, cửa bức bàn, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri, chính giữa bờ nóc đắp mặt lửa, hai đầu bờ nóc đắp hai tiện rút. Nền nhà cao hơn nền đại bái. Bộ khung làm kiểu vì kèo quá giang, bào trơn đóng bén. Tại chính điện đặt 3 long ngai thờ ba vị đại vương trên bệ gạch cao nhất.

Di sản

Trong đình còn bảo lưu 4 tấm bia đá (3 tấm trong đó là bia 2 mặt thời Lê), một cuốn thần tích bằng chữ Hán và 25 đạo sắc phong, trong đó có 16 đạo thời Lê, 6 đạo thời Tây Sơn, và 3 đạo thời Nguyễn. Sắc sớm nhất ghi năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740). Lại có 3 cỗ kiệu gỗ và 11 bộ long ngai bài vị đều sơn son thiếp vàng.

Tại Quyết định số 639/QĐ-UBND ngày 13/02/2007, đình Tây Hồ được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật.

Di tích lân cận

©NCCong 2013-2021, Tay Ho community hall

[1Theo thần tích, vào thời xưa ở đạo Sơn Nam, phủ Khoái Châu, trang Đồng Lạc có gia đình lương y Nguyễn Chương, vợ là Bùi Thị Xuyến làm nghề nông tang. Hai người sống hòa thuận chuyên làm điều thiện, hàng ngày cầu trời khấn phật ban cho mình những người con hiếu thảo để giúp đỡ khi tuổi già. Một ngày hè nóng nực bà Xuyến ra sông tắm gội bỗng thấy trên bờ có ba quả trứng rắn: một quả màu xanh, hai quả màu vàng rất đẹp, bèn đem về nhà. Ông Chương cho là điều kỳ lạ nên đặt ở đầu giường, ba ngày sau trứng tự nhiên vỡ thấm vào người làm bà cảm động và mang thai. Ngày 28 tháng 6 năm Mậu Dần thì đầy tháng, sinh ra hai bé trai và một bé gái, đều có dung mạo khác thường. Được ba tháng thì không may bà bị bệnh rồi mất vào ngày 10 tháng 9.

Ông Chương tìm được hai bà Phạm Thị Thanh và Trần Thị Tích người châu Xuyên Bảo, huyện Từ Liêm để về chăm sóc các con. Khi ba đứa trẻ lên 12 tuổi bắt đầu đi học thì hai bà xin về quê cũ. Đến tuổi 18 cả ba đều học rất giỏi, lúc này mới được cha đặt tên. Cậu cả tên là Bảo, cậu hai tên Mỹ, cô ba tên Phương. Không may, ông Chương bị bệnh rồi mất vào ngày 21 tháng 11. Ba anh em đến huyện Từ Liêm tìm mới biết hai mẹ nuôi đã qua đời. Sau đó họ được một nhà hào phú trong trang là Lê Công Trí nuôi dưỡng. Hai cậu tiếp tục học còn cô em nuôi tằm dệt lụa. Một hôm cô ra bãi trồng dâu thì hóa về Thủy quốc.

Khi giặc Tống sang xâm lược, thuyền quân Việt đến gần mộ Cô tự nhiên không tiến lên được, vua Lê Đại Hành bèn làm lễ cầu xin được báo mông linh ứng. Nhà vua thắng giặc liền ban sắc dựng miếu thờ Cô. Rồi giặc Chiêm Thành đem quân đánh nước ta, hai người anh đến triều đình xin giúp nước. Nhà vua thấy họ khôi ngô, tuấn tú, võ nghệ cao cường thì mừng rỡ thu nhận làm tướng.

Hai Ông phụng mệnh vua dẫn ba vạn tinh binh tiến về Tây Hồ. Ông Bảo lấy 30 người ở bản trang làm gia thần, Ông Mỹ lấy 80 người làm tuỳ tướng. Hai ông chia làm hai đạo thùy bộ cùng hành quân thần tốc, đại phá giặc ở bên sông. Quân ta thắng trận, hai ông về nghỉ ở đồn binh, nửa đêm mưa gió nổi lên, sấm chớp ầm ầm. Bỗng có đám mây từ trên trời giáng xuống đồn như dải lụa vàng sau đó hai ông cùng hóa vào ngày 12 tháng 10. Khi trời quang mây tạnh, dân nơi ấy thấy mối đùn lên thành lăng mộ, tục gọi là Đổng Lăng Vua.

Nhà vua biết tin vô cùng thương tiếc bậc công thần có công lao to lớn đối với đất nước, bèn truyền cho nhân dân bản trang lập miếu thờ, ban tặng tiền cho nhân dân cúng tế vào dịp xuân thu, miễn phu phen trong ba năm. Vua phong người anh là Bảo Trung thượng đẳng phúc thần đại vương, người em là Minh Khiết thượng đẳng phúc thần đại vương.

Sách “Tây Hồ chí” chép mục cổ tích “Lạc thị thất miên” như sau: “Bảy cây gạo trên góc bờ hồ phía tây, nay tại phía ngoài đê thuộc địa giới làng Nhật Chiêu. Bà phi của Diệu Đế là Lạc phu nhân khi sinh Uy Linh Lang thấy một bọc có bảy quả trứng lấy làm lạ bèn bỏ lại đó. Sau hóa thành bảy con rồng bay lên trời. Phu nhân nghe biết sai trồng bảy cây gạo để ghi dấu. Sắc phong Vương tước gia tặng hai chữ Uy Linh và lập miếu thờ. Miếu này nay là đình Tây Hồ…”

Thần tích trong đình ghi rõ: Xưa Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra 100 con trai, người nào cũng thông minh khỏe mạnh, văn võ toàn tài. Sau đó chia 50 người theo mẹ Tiên lên núi, 50 người theo cha Rồng xuống biển. Khi nào có sự việc xảy ra thì báo cho nhau biết để cùng cứu giúp. Đại vương là giống Rồng, trưởng là Xích Giáp, hiệu là Uy Linh Lang cùng với 6 vị khác được phong là Bạch Giáp, Hoàng Giáp, Thanh Giáp, Chu Giáp, Tử Giáp...

Đình Tây Hồ xưa kia là đền thờ Uy Linh Lang, đến đời Hùng Vương thứ 18, Ngài lại đầu thai làm Cống Lễ và Cá Lễ, con Lạc hầu Lê Quốc Tín và bà Thục Nương, người phường Hồ Khẩu. Hai anh em được vua phong là Tả Hữu chưởng quan giúp vua dẹp giặc. Sau họ hóa về Thủy quốc, nhà vua nhớ công ơn ban cho sắc phong, lập đền thờ nay là đền Vệ Quốc và đền Dực Thánh thuộc phường Bưởi. Đến thời Lý Nam Đế, Ngài nhân hóa thành Bảo Trung, Minh Khiết và Phương Nương để giúp vua chống giặc ngoại xâm và lập nên châu Xuyên Bảo gồm các làng: Nội Châu, Ngoại Châu, Vạn Châu, Xuyên Châu, về sau thuộc phường Tứ Liên và đều có đình để phụng thờ.

Thời Lý, Ngài nhân hóa thành Thái tử Hoàng Lang con vua Lý Thái Tông (Lý Phật Mã, 1028 – 1054) giúp vua đánh giặc Chiêm Thành. Năm Đinh Tỵ (1077) Thái tử lại giúp vua Lý Thánh Tông đánh bại quân Tống tại sông Phả Lại và sông Cầu.

Ngày 12 tháng 2 âm lịch, Thái tử không bệnh mà hóa, có thuyết lại nói Thái Tử bị bệnh đậu mùa rồi hóa thành con rắn khổng lồ lặn xuống hồ Tây. Nhà vua biết tin vô cùng thương tiếc phong là Linh Lang đại vương cho lập đền thờ ở Voi Phục.

Thời Trần, Ngài nhân hóa thành Hoàng tử thứ 7 con vua Trần Nhân Tông để giúp vua đánh giặc Chiêm Thành và giặc Nguyên. Sau khi khải hoàn, Hoàng tử không nhận tước thưởng lui về tu thiền ở chùa Vân Hồ. Triều đình luận công ban thưởng, phong là Dâm Đàm Đại Vương được thờ ở đình Tây Hồ và các đình Nhật Tân, Yên Phụ, Yên Trì.