1027 An Phu community hall
Đình An Phú Vạn Long
s.Tô Lịchq.Cầu GiấyNguyễn BôngĐình An Phú có từ cuối thời Lê. Thờ 2 thành hoàng: Đô Thiên Quảng Đức Nguyễn Bông và tiến sĩ Trần Toàn, tổ nghề làm kẹo mạch nha. Lễ hội: 12 tháng Hai âl. Xếp hạng: Di tích thành phố (2007). Vị trí: ngõ 5 Hoàng Quốc Việt, 2RV3+VQ, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 5,5 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: 18 Hoàng Quốc Việt (xe 13, 14, 33, 45, 96, 144), Đối Diện 528 Đường Bưởi Dưới (xe 09a, 09act, 25, 55a, 55b, 90, 146)
Lược sử
Hai thôn An Phú, Vạn Long nằm liền kề ở phía tây ngã ba sông Tô Lịch - Thiên Phù. Trước khi cát sông Hồng lấp mất cửa sông Thiên Phù thì đất đai vùng này rất màu mỡ. Nhân dân có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, cho nên tên Nôm của thôn Vạn Long là làng Dâu. Hàng năm, làng Dâu cùng các làng thuộc Kẻ Bưởi làm lễ giỗ tổ nghề dệt vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch. Thời Nguyễn nơi đây thuộc tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông; nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Đình An Phú có từ cuối thời Lê, thờ vị thành hoàng chung của hai thôn An Phú và Vạn Long là Nguyễn Bông, một thái giám liên quan đến thâm cung bí sử của triều vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Ngoài ra trong đình còn phụng thờ tiến sĩ Trần Toàn là quan triều liệt đại phu đã có công dạy dân hai thôn nghề làm kẹo mạch nha.
- Cổng đình An Phú. Ảnh NCCong ©2023
Theo cuốn thần tích còn lưu tại đình và các sách sử cũ thì lai lịch và công tích của ngài Nguyễn Bông như sau: “...Năm Quý Mão vua Lý Thánh Tông chưa có con nối dõi đã đặc mệnh cho chi hầu nội Nguyễn Bông theo bà Nguyên phi Ỷ Lan về chùa Thánh Chúa ở trang Dịch Vọng, Từ Liêm để lễ cầu đảo. Sau đó Ỷ Lan sinh được hoàng tử Càn Đức, nhà vua vui mừng khôn xiết bèn lệnh cho Nguyễn Bông mang vàng bạc, lễ vật về lễ tạ chư Phật ở chùa Thánh Chúa. Trên đường đi qua địa phận hai thôn Vạn Long và Yên Phú thuộc xã Nghĩa Đô gọi là xứ Mả Giang bỗng nhiên thác hóa. Biết tin nhà vua liền phong phúc thần và cho phép nhân dân hai thôn lập miếu thờ tự và phụng thờ mãi mãi..”.
Kiến trúc
Đình An Phú hiện nay là kết quả của lần đại tu đầu thập kỷ 2020. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán, 3 cửa sắt mở ra con ngõ 5 Hoàng Quốc Việt ở phía đông. Sau cổng là một sân chơi khá rộng thường dùng cho hoạt động thể thao. Đình nhìn về phía nam ra ao Cầu, nay diện tích chỉ còn một nửa vì làng đã hoàn toàn đô thị hoá.
- Sân đình An Phú. Ảnh NCCong ©2023
Toà đại bái 5 gian xây tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ri. Khung đỡ mái gồm 6 bộ vì kèo làm kiểu “giá chiêng”. Toà trung tế 3 gian 2 chái, 4 mái lợp ngói ri, giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật, hai đầu kìm đắp hình văn triện hóa rồng. Bộ khung đỡ mái làm kiểu vì “kèo cầu quá giang”. Tòa hậu cung 3 gian xây tường hồi bít đốc, nền nhà lát gạch vuông, mái lợp ngói ri, các bộ vì có kết cấu kiểu “kèo quá giang”.
Di sản
Trong đình đang bảo lưu một bản thần tích và 8 đạo sắc phong của các vua nhà Nguyễn. Lại có các đồ tế khí, kiệu bát cống, long ngai, bài vị, sập thờ, hương án, hoành phi, câu đối, bát bửu, chiêng, trống, v.v… Chính quyền và nhân dân địa phương hằng năm tổ chức lễ hội đình làng để mừng xuân mới vào ngày 12 tháng 2 âm lịch tại đình này và tại chùa thôn Vạn Long (tức chùa Dâu nằm ở ngay gần đó, tên chữ là Phúc Ân Tự, tương truyền có từ thời Trần).
- Trong đình An Phú. Ảnh NCCong ©2023
Năm 2007 đình An Phú được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật của thành phố Hà Nội.
Di tích lân cận
- Chùa Dâu: số 6 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô.
- Chùa Mật Dụng: số 444 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đền Đồng Cổ: số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đền Quán Đôi: số 178 Nguyễn Đình Hoàn, phường Nghĩa Đô.
- Đình An Thái: số 596 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đình Bái Ân: số 42 Ngõ 175 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô.
©NCCông 2015-2019, An Phu community hall