1031 Gia Hoi pagodon

Am Gia Hội (đền Thọ Phúc Lộc)

Tiền Lýq.Tây Hồhuyền sử

Am Gia Hội còn gọi đền Thọ Phúc Lộc, ít nhất có từ thời Trần. Tên chữ: Gia Hội Am. Thờ 3 nữ thần: Vạn Thọ công chúa, Vạn Phúc đệ nhất công chúa, Vạn Lộc đệ nhị công chúa. Xếp hạng: Di tích thành phố (2008). Vị trí: 219 phố Trích Sài, 3R46+2J Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 7km (hướng 11h). Trạm bus lân cận: 196 Lạc Long Quân (xe 13, 25, 33, 55a, 55b, 90)

Lược sử

Am Gia Hội tức đền Thọ Phúc Lộc, còn gọi đền Ba Bà, nằm cạnh đình Trích Sài, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Theo tư liệu lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, xưa có hai nàng con gái vua Lý Bí, quê ở Long Hưng, Thái Bình, tổ là Lý Hành. Chị tên Phúc, em tên Lộc, sinh ra đã đẹp đẽ khác thường. Lớn lên hai công chúa thích đi thuyền ngắm cảnh biển cả, sông dài.

Nhà vua ra lệnh cấm đi chơi, hai nàng buồn rầu nói: “Chúng con nguyện cưỡi gió, đạp sóng, chém cá kình trên biển cả, cứu vớt dân sinh trong nạn nước, nạn lửa. Tấm thân sắt đá, khí tiết bách tùng này há lại bắt chước người đời cúi đầu khom lưng làm tỳ thiếp, cam tâm phục dịch nội sự hay sao?”. Vua và hoàng hậu ngạc nhiên, rồi chiều theo ý nguyện.

Hồ Tây nổi sóng. Ảnh ©2023 NCCong

Một hôm hai nàng đi thuyền đến chân núi Mài lên bờ thăm hỏi thì được nghe kể chuyện con cáo chín đuôi thường hại người ở vùng rừng ven Hồ Tây. Chị em liền đổi hướng sang tìm bậc kỳ tài giúp trừ hồ tinh. Đến cầu Khôi Lâm trên sông Như Nguyệt, họ gặp một nữ đạo sĩ lạ, bèn mời vào cung. Trước nhà vua và triều thần, bà gọi gió, làm mưa, sấm vang dữ dội. Nhà vua kính phục bèn phong cho bà là “Vạn Thọ công chúa.”

Bà dẫn hai chị em săn lùng nhưng hồ tinh lẩn tránh. Bà xin đắp đàn cầu đảo có 8 tòa tháp rồi đứng trên đàn niệm chú. Giông gió, sấm sét nổi lên ầm ầm. Cây rừng bị nhổ hết, đồi núi quang đãng mà yêu quái vẫn bặt tăm. Chợt có đám mây đỏ rực bay lên rồi không còn trông thấy bà nữa. Từ đó hồ tinh cũng biến mất hẳn và dân gian gọi Hồ Tây là đầm Xác Cáo. Vua bèn cho lập miếu thờ bà, tôn như hoá thân của Kim Mẫu và phong là “Trấn Tĩnh Bà Vương”.

Cổng am Gia Hội. Ảnh ©2023 NCCong

Hai chị em Vạn Phúc, Vạn Lộc sau đó còn giúp cha dẹp giặc phương nam, giữ biên cương yên ổn. Bỗng nhiên vua qua đời, hai nàng kêu khóc thảm thiết rồi hóa tại nơi tu trì. Dân rước vào miếu Vạn Thọ để phối thờ, từ đó có tên đền Thọ Phúc Lộc và đền Ba Bà. Năm Trùng Hưng 4 thời Trần (1288), các vị đều được phong Thượng đẳng phúc thần. Các triều về sau còn gia phong mỹ tự.

Ngày 23 tháng 5 năm 2008 tại Quyết định số 2005/QĐ-UBND, am Gia Hội được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật.

Kiến trúc và di sản

Cổng đền Thọ Phúc Lộc xây kiểu tam quan, ba cửa vòm nhìn qua đường Trích Sài ra Hồ Tây ở phía đông bắc. Toà tiền tế gồm 3 gian kết nối với hậu cung theo hình “chữ Đinh”. Trên điện thờ các tượng Phật, ở dưới là tượng ba công chúa. Trong đền treo biển đề 4 chữ Hán “Mẫu nghi thiên hạ”, hai bên có câu đối ca ngợi: “Từ am phát tích chung tú địa / Linh thiêng giáng ứng tại phủ đường”.

Sân am Gia Hội. Ảnh ©2023 NCCong

Hiện ở trong chùa Thiên Niên gần đền Thọ Phúc Lộc còn tấm bia đá “Hoàn Long Trích Sài Thiên Niên Tự Bi Ký” dựng năm 1901 có ghi sự tích ba vị diệt hồ tinh. Các tư liệu khác như sách “Tây Hồ chí” và “Tam vị công chúa linh phả” cũng chép chuyện này khá giống nhau. Ngoài am Gia Hội, ba vị còn được thờ ở làng Trà, xã Cổ Loa, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội.

Di tích lân cận

1031 Gia Hoi pagodon ©NCCông 2016-2023