1038 Van Quan pagoda

Chùa Văn Quán (Linh Quang Tự)

q.Hà Đôngsông NhuệLê trung hưng

Chùa Văn Quán có từ cuối thời Lê. Tên chữ: 靈光寺 Linh Quang Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: XQFP+J7, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 10km (hướng 8h). Trạm bus: Đối Diện Chung Cư New Skyline – Nguyễn Khuyến, hoặc Đối Diện Trung Tâm Văn Hoá Thông Tin.

Lược sử

Thời Nguyễn, Văn Quán là một làng thuộc tổng Thanh Oai Thượng, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1945, Văn Quán cùng với các thôn Mộ Lao, Cầu Đơ, Hà Trì được sáp nhập vào thị xã Hà Đông. Năm 1965, Văn Quán sáp nhập với 3 thôn Mộ Lao, Yên Phúc và Xa La để thành lập xã Văn Yên thuộc thị xã Hà Đông.

Ngày 23-6-1994, Chính phủ ban hành Nghị định 52-CP, giải thể xã Văn Yên để thành lập hai phường Văn Mỗ và Phúc La. Ngày 1-3-2008, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2008/NĐ-CP, chia phường Văn Mỗ thành hai phường Văn Quán và Mộ Lao. Ngày nay Văn Quán đã thành một khu đô thị. Di tích lịch sử - văn hoá còn sót lại gồm có đình và chùa làng.

Tam quan chùa Văn Quán. Photo ©NCCong 2023

Phường Văn Quán thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Phường có mã hành chính 09542, diện tích 1,40 km², dân số năm 2022 là 23.570 người, mật độ dân số đạt 16.835 người/km². Địa giới hành chính phường về phía đông giáp huyện Thanh Trì và quận Thanh Xuân. Phía tây giáp các phường Nguyễn Trãi và Yết Kiêu. Phía nam giáp phường Phúc La. Phía bắc giáp phường Mộ Lao và quận Nam Từ Liêm.

Kiến trúc

Chùa Văn Quán có từ cuối thời Lê, tên chữ là Linh Quang Tự. Chùa vốn nằm ven sông Nhuệ, đến cuối thế kỷ XIX mới chuyển về vị trí hiện nay ở bên cạnh đình làng. Chùa quay về phía đông bắc. Tam quan xây hai tầng, tầng dưới gồm ba cửa, phía trên cửa giữa là gác chuông. Du khách bước qua cổng vào một sân nhỏ trước khu chùa chính, bên tay trái có nhà bia và vườn tháp mộ của các vị sư trụ trì đã mất. Phía sau vườn tháp là sân hậu và khu phụ ăn thông sang cổng ngách ở bên hữu chùa.

Chùa Văn Quán. Photo ©NCCong 2023

Toà tiền đường 5 gian tường hồi bít đốc tay ngai, xây kiểu 2 tầng 4 mái với cổ diêm để lấy sáng và thông khí. Hậu cung 3 gian kết nối với gian giữa tiền đường thành hình “chữ Đinh”. Kết cấu các bộ vì được làm theo kiểu chồng rường trốn cột, toàn bộ sức nặng dựa trên 3 hàng chân cột gỗ lim.

Di vật

Các pho tượng được xếp đặt vị trí theo thông lệ của Phật giáo Bắc tông, phần lớn tạc bằng gỗ mít và mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời cuối Lê, đầu Nguyễn. Kích thước các tượng tròn ở tư thế ngồi dao động trong khoảng 85-90cm, không kể toà sen. Các tượng tròn ở tư thế đứng cao khoảng 132-137cm.

Phật điện chùa Văn Quán. Photo ©NCCong 2023

Bên trong chùa bài trí các bức cửa võng, hoành phi, câu đối và hương án sơn son thếp vàng rực rỡ. Trang trí bằng chạm khắc gỗ khá đơn giản, chủ yếu là hình hoa văn kiểu hoa lá cách điệu tập trung ở các kẻ hiên. Ngoài ra nhà chùa còn lưu giữ được một số bi ký và tư liệu Hán Nôm.

Năm 1993, chùa Văn Quán được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

(1038 chua Van Quan ©NCCông 2015-2023)