1047 Thuan My temple

Đền Dâu (đền Thuận Mỹ)

huyền sửq.Hoàn Kiếmtín ngưỡng

Đền Dâu có từ thời Lê trung hưng. Tên chữ: Thuận Mỹ Linh Từ. Thờ: Thánh Mẫu Âu Cơ và công chúa Tiên Dung. Xếp hạng: di tích quốc gia (1998). Vị trí: 64 phố Hàng Quạt, 2RMX+3H Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,5 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: 56 Hàng Cân, hoặc 115 Phùng Hưng, hoặc 28 Đường Thành.

Lược sử

Đền Thuận Mỹ hiện mang biển số 64 phố Hàng Quạt, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Địa danh Thuận Mỹ được nhiều sách nói đến từ giữa thế kỷ XIX như: “Bắc thành dư địa chí lục”, “Phương đình dư địa chí”, “Hoài Đức phủ toàn đồ”, "Hà Nội địa bạ"... Phố Hàng Quạt nguyên thuộc thôn Thuận Mỹ, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ. Tương truyền nơi đây xưa kia có bãi trồng dâu rất lớn nên cư dân còn gọi đền Thuận Mỹ là “đền Dâu”.

Căn cứ vào bài vị có hàng chữ: “Khai thiện công đức thủy tổ” hiện vẫn đặt trong đền, nơi đây thờ những vị thần thời Hùng Vương đã có công dựng nước ta. Vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII, có những người dân từ thôn Ước Lễ, huyện Thanh Oai đến xây đền. Ban đầu, đền lợp lá gồi, xung quanh che ván gỗ có chạm khắc trang trí. Khi đó diện tích còn hẹp và chỉ có 2 cung.

Đền Dâu. Photo ©NCCong 2013

Kiến trúc

Đến thời Pháp thuộc, ngôi đền Dâu được dựng lại và định hình cho đến ngày nay. Cổng tam quan xây nhiều tầng mái giả theo phong cách kiến trúc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trán đắp đại tự khảm bằng mảnh sành màu hoa lam. Trên bờ nóc và ngoài cổng có các hình trang trí chim muông và hoa lá khác nhau. Bên kia hè phố là Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, vốn là trụ sở của Hội Trí Tri trong những năm 1892 – 1938.

Đền chính có các cột xây gạch trát vữa, vì kèo bằng gỗ, mái lợp ngói chiếu. Toà tiền đường gồm 3 gian: gian giữa rộng khoảng 24 m2, mỗi gian bên khoảng 16 m2. Tại chánh điện bố trí các sập gỗ, bày tượng và các đồ thờ. Hai gian bên kê sập gỗ cao 0,6 m để làm nơi tiếp khách. Tiếp sau tiền đường là nhà cầu sâu 2,5 m. Hậu cung rộng 4,6 m, sâu 4 m, có cửa giữa 4 cánh và hai cánh nhỏ hai bên, phần bên trong xây làm 3 tầng bệ thờ.

Di sản

Những bệ thờ được xếp thành hai tầng, theo lớp. Trên tầng cao nhất là lớp tượng đất cao 1,2m, đầu đội mũ cánh chuồn, có sơn son thiếp vàng, tạc các vị thần có công mở nước và bảo vệ nhân dân thời huyền sử. Trong hậu cung có khám thờ Thánh Mẫu Âu Cơ và Tiên Dung công chúa.

Nhà đền hiện bảo lưu được 4 tấm bia công đức khắc bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Những bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thiếp vàng một cách công phu. Đồ đồng và đồ sứ ở đây khá phong phú: những đỉnh đồng được chạm khắc tinh xảo. Đồ sứ to đẹp gồm có lọ lục bình, chóe, thống, bát hương, còn phần lớn là gốm men trắng hoa lam vào thời Nguyễn. Có những lọ lục bình cao gần 1m đặt tại các gian tiền đường và trung đường.


Còn có cả đồ thờ bằng sơn mài (như các sập) trang trí hình cá vàng, rồng, phượng và bằng giấy (như hoa giấy, lọng giấy, thanh xà…) được kết hợp nhiều màu sắc rực rỡ. Lại có đồ thờ bằng vải (như lọng vải, cờ phướn… thêu các con rồng, phượng, hoa sen, hoa cúc) rất tinh tế với nhiều sắc chỉ màu bài trí trong tiền đường và hậu cung.

Truyền thống cổ của dân tộc Việt được đền Thuận Mỹ gìn giữ từ lâu đời thông qua việc thờ cúng các vị nữ thần như Thánh Mẫu Âu Cơ và Tiên Dung công chúa. Về sau này còn thờ thêm các Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Hàng năm nhân dân và chính quyền phường sở tại trang trọng tổ chức lễ hội đền. Nơi đây hiện trở thành một trong những điểm thu hút đông khách du lịch xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Di tích lân cận

1047 den Dau ©NCCông 2014-2021