1050 Xuân Quan community hall

Đình Xuân Quan

Thục Phánsông HồngHưng Yên

Đình Xuân Quan có từ thời Lê trung hưng. Tên chữ: “Nam Việt Linh từ”, “Long Hưng Điện”. Thờ thành hoàng: Triệu Vũ Đế. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2007). Vị trí: thôn Xuân Quan, XW56+57Q, Văn Giang, Hưng Yên, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: Điện Lạnh Quý Thơm Đường Phà Xuân Quan (xe 47b).

Lược sử

Làng Sươn là tên Nôm của làng Xuân Quan, xưa thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tương truyền, xưa kia làng nằm ngay trên bờ sông Cái, vua nước Nam Việt là Triệu Đà vi hành qua đây thấy địa thế đẹp bèn cho lập một hành cung tên là Long Hưng Điện, chính là ở vị trí đình làng hiện nay. Sau khi mất, Triệu Đà được dân thờ làm thành hoàng làng.

Theo tư liệu, ban đầu ở đây đã có ngôi đền tên chữ là “Nam Việt Linh từ”, bên trong hậu cung thờ tượng Triệu Đà. Đến đời vua Lý Anh Tông, đền được đổi tên là Long Hưng Điện. Về sau đền được tôn tạo mở rộng thành đình, gọi theo địa danh là đình Xuân Quan. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo rồi xuống cấp nặng nề, hiện nay trong khu di tích vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc của thế kỷ XVII-XVIII dưới thời Lê trung hưng.

Tượng vợ chồng Triệu Vũ Đế ở đền Đồng Xâm

Nhân vật

Triệu Đà sinh vào khoảng năm 239 trước Công nguyên. Năm 20 tuổi, ông theo chủ tướng Nhâm Ngao dẫn quân Tần đánh chiếm vùng Lĩnh Nam, lập ra quận Nam Hải. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng chết, Lưu Bang khởi dựng nhà Hán. Nghe lời trăn trối của Nhâm Ngao, Triệu Đà lên thay chủ tướng, xưng Triệu Vũ Đế, lập nên nước Nam Việt và đóng đô ở Phiên Ngung (nay là TP Quảng Châu), không hàng phục nhà Hán.

Vua Hán cho đập phá mả tổ họ Triệu ở Chân Định (Hà Bắc, Trung Quốc). Triệu Đà giết các Trưởng lại người Hoa Hạ, liên kết với người phương Nam để chống lại nhà Hán. Đền Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) thờ một bà vợ Việt của ông. mặc dù chiếm được nước Âu Lạc của Thục Phán nhưng sau khi Triệu Đà mất, triều đình Nam Việt bị nhà Hán gây chia rẽ và suy yếu, cuối cùng mất nước vào năm 111 TCN. Đến thế kỷ XV, khi Lê Lợi ban bố “Bình Ngô Đại Cáo” có ghi nhận nhà Triệu là triều đại đầu tiên của văn hiến Đại Việt...

Tam quan đình Xuân Quan. Photo ©NCCong 2023

Khai quật lăng mộ của vua quan Nam Việt, các nhà khảo cổ học thường thấy có đồ tuỳ táng thuộc văn hoá Đông Sơn như: trống đồng, thạp đồng, rìu chiến và nỏ.... . Ngược lại, tại miền núi phía bắc và dọc ven biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam, bộ tuỳ táng Đông Sơn cũng có thêm những yếu tố mang phong cách phương Bắc như một số đồ đựng dùng trong lễ nghi, ăn uống và đồ gỗ sơn then. Tuy nhiên, những minh văn chữ Hán được khắc rất xấu và mắc nhiều lỗi chính tả trên cả những đồ ngự dụng.

Kiến trúc

Du khách đi theo đường DT378 đến đê Xuân Quan rẽ xuống bãi sông Hồng sẽ thấy hồ bán nguyệt ở trước di tích nghi môn đình gồm 2 cột trụ lớn và tượng đôi voi chiến nay chìm sâu hơn 1 m dướí mặt đất. Mặt đình quay về phía tây nam. Sau nghi môn là khuôn viên khoảng 13.000 m2 với giếng tròn to ở bên tay trái, ở giữa là lối đi giữa hai hàng cau theo trục thần đạo dẫn đến tam quan. Hai bên tả hữu tam quan lại có gác chuông, gác trống kiểu vọng lâu 3 tầng với cửa vòm ở dưới mở ra ngoài.

Gác trống đình Xuân Quan. Photo ©NCCong 2023

Tam quan xây kiểu 2 tầng 8 mái, trên bờ nóc có đắp hình lưỡng long trào nhật, mái lợp ngói mũi hài, ngang cổ diềm đề 3 chữ Hán to “Long Hưng Điện”, trong 2 gian đầu hồi đặt 2 pho tượng lính túc vệ đứng thẳng. Bên ngoài còn có 2 cửa phụ nhỏ mái lợp ngói ống giả, dẫn vào 2 sân dài chạy dọc qua trước mặt 2 dãy giải vũ 9 gian. Trong sân đại bái, mỗi bên có 2 cột trụ với 2 bức tường nhỏ đắp nổi hình long mã và phượng hoàng dán mảnh sứ.

Đình gồm 3 toà nhà 2 tầng 8 mái xếp song song thành hình “chữ Tam” và giật cấp cao dần, mỗi toà chia 3 gian 2 dĩ đầu hồi bít đốc. Đại bái được làm kiểu thông phong, hai đầu hồi bít đốc, mặt dưới và sau để trống. Các bộ vì được kết cấu kiểu chồng rường đấu sen, các con rường, đầu bẩy đều chạm đề tài hoa lá cách điệu. Gian giữa đại bái đặt ban thờ Công đồng, hương án làm bằng gỗ có chạm khắc hình tứ linh, tứ quý.

Hạ cung có gian giữa phía hè hiên được dựng nhô về phía trước tạo thành một gian kiểu tứ trụ với 2 tầng 8 mái. Hai bên hồi hiên cũng đặt tượng túc vệ, ngăn cách giữa hè hiên và bên trong là hệ thống cửa bức bàn, mỗi cánh cửa được chạm khắc một chủ đề như : phượng cưỡi mây, long mã cuốn mây… theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Đại bái đình Xuân Quan. Photo ©NCCông 2023

Kết cấu các bộ vì hạ cung kiểu giá chiêng đơn giản, bào trơn đóng bén. Gian giữa đặt bàn thờ với long ngai bài vị cao 210 cm, dài 73 cm, sâu 70 cm; phần trán có hình quả cầu lửa, bên trong chạm 6 con rồng nằm cuộn tròn; phần thân trang trí tứ linh. Trên thân bài vị khắc bài văn bằng chữ Hán ca ngợi công đức Triệu Vũ Đế.

Trên bàn thờ còn bài trí chóe, đôi chân nến và bát hương men ngọc có đường kính 30 cm; cao 32 cm được trang trí hoa văn sơn thủy. 2 bên bàn thờ đặt 2 tượng thái giám cao 176 cm. Hai bên dĩ hạ cung đặt bàn thờ; bên trái thờ con, cháu của Triệu Đà; bên phải thờ hoàng hậu và 2 công chúa.

Tiếp nối với tòa hạ cung là ba gian thượng cung với kết cấu kiến trúc các vì kèo kiểu trụ trốn, bào trơn đóng bén. Các mảng chạm khắc ở đây tập trung chủ yếu ở mặt trước cửa ra vào với các đề tài như: hoa lá cách điệu, lưỡng long trào nguyệt, đao lửa, phượng ngậm hoa sen… Trong đình hiện bảo lưu được rất nhiều bức hoành phi và câu đối cổ.

Chạm gỗ phía trên bài vị Triệu Vũ Đế ở đình Xuân Quan. Photo ©NCCong 2023

Năm 2007, đình Xuân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2023, Xuân Quan community hall