1054 Uy Linh Lang

Uy Linh Lang

Uy Linh Langq.Tây Hồ

Trong những đình đền ở vùng Tây Hồ còn lưu các ngọc phả với sự tích khác nhau về một vị thần được tôn xưng là Uy Linh Lang Đại Vương. Sách cũ cho biết nước ta có tới 72 nơi xa gần cùng thờ Ngài và đều mở hội vào ngày 10 tháng Hai âm lịch. Có thuyết cho rằng Ngài đã giáng sinh nhiều lần trong lịch sử.

Ngọc phả ở đình Tây Hồ

Xưa Âu Cơ lấy Lạc Long Quân đẻ một bọc trứng nở ra trăm con trai, người nào cũng thông minh khỏe mạnh, văn võ toàn tài. Sau đó chia 50 người theo mẹ Tiên lên núi, 50 người theo cha Rồng xuống biển. Khi nào có sự việc xảy ra thì báo cho nhau biết để cùng cứu giúp. Đại vương là giống Rồng, trưởng là Xích Giáp, hiệu là Uy Linh Lang cùng với 6 vị khác được phong là Bạch Giáp, Hoàng Giáp, Thanh Giáp, Chu Giáp, Tử Giáp.

Cung cấm đình Tây Hồ

Ngọc phả ở đình Hồ Khẩu

Đến đời Hùng Vương thứ 18, Ngài lại đầu thai làm Cống Lễ và Cá Lễ, con Lạc hầu Lê Quốc Tín và bà Thục Nương, người phường Hồ Khẩu. Hai anh em được vua phong là Tả Hữu chưởng quan giúp vua dẹp giặc. Sau họ hóa về Thủy quốc, nhà vua nhớ công ơn ban cho sắc phong, lập đền thờ nay là đền Vệ Quốc và đền Dực Thánh thuộc phường Bưởi.

Ngọc phả ở đình Tứ Liên

Đến thời Lý Nam Đế (544-548), Ngài đầu thai thành ba anh em Bảo Trung, Minh Khiết và Phương Nương để giúp vua chống giặc ngoại xâm và lập nên châu Xuyên Bảo gồm các làng: Nội Châu, Ngoại Châu, Vạn Châu, Xuyên Châu, về sau thuộc phường Tứ Liên và đều có đình để phụng thờ.

Ngọc phả ở đình Thủ Lệ

Thời Lý, Ngài đầu thai thành Thái tử Hoàng Lang con vua Lý Thái Tông (李太宗tức Lý Phật Mã, 1000 – 1054) giúp vua đánh giặc Chiêm Thành. Năm Đinh Tỵ (1077) Thái tử lại giúp vua Lý Thánh Tông (李聖宗, 1023 – 1072) đánh bại quân Tống tại sông Phả Lại và sông Cầu.

Ngày 12 tháng 2 âm lịch, Thái tử không bệnh mà hóa, có thuyết lại nói Ngài bị bệnh đậu mùa rồi hóa thành con rắn khổng lồ lặn xuống hồ Tây. Vua Lý Thái Tông biết tin vô cùng thương tiếc, phong là Linh Lang đại vương và cho lập đền thờ ở làng Thủ Lệ.

Ngọc phả ở đình Nhật Tân

Thời Trần, Ngài đầu thai thành Hoàng tử thứ 7 con vua Trần Nhân Tông (tức Trần Khâm 陳昑, 1258 – 1308) để giúp vua đánh giặc Chiêm Thành và giặc Nguyên. Sau khi khải hoàn, Hoàng tử không nhận tước thưởng lui về tu thiền ở chùa Vân Hồ. Triều đình luận công ban thưởng, phong là Dâm Đàm Đại Vương được thờ ở đình An Trí, đình Nhật Tân và nhiều nơi khác...

Ngọc phả ở đình Yên Phụ

Uy Linh Lang là con của hoàng hậu Minh Đức và vua Trần Thánh Tông (tức Trần Hoảng 陳晃, 1240 - 1290). Năm 18 tuổi, chàng ham mê Phật giáo, xin phép vua cha cho xuất gia nhưng không được chấp thuận, bèn giả làm dân thường trốn đi tìm thầy học đạo. Khi giặc Nguyên tràn sang, chàng lập một đội binh chống giặc, xưng là “Thiên tử quân”, ghi công ở các trận Bình Than, Vạn Kiếp, Mạn Trù, Đông Kết… Sau chiến thắng, ngài hoá và được tôn phong là Đại vương.

Bảo Trung, Minh Khiết, Phương Nương

Xưa kia ở đạo Sơn Nam, phủ Khoái Châu, trang Đồng Lạc có gia đình lương y Nguyễn Chương, vợ là Bùi Thị Xuyến làm nghề nông tang. Hai người sống hòa thuận chuyên làm điều thiện, hàng ngày cầu trời khấn phật ban cho mình những người con hiếu thảo để giúp đỡ khi tuổi già. Một ngày hè nóng nực bà Xuyến ra sông tắm gội bỗng thấy trên bờ có ba quả trứng rắn: một quả màu xanh, hai quả màu vàng rất đẹp, bèn đem về nhà. Ông Chương cho là điều kỳ lạ nên đặt ở đầu giường, ba ngày sau trứng tự nhiên vỡ thấm vào người làm bà cảm động và mang thai. Ngày 28 tháng 6 năm Mậu Dần thì đầy tháng, sinh ra hai bé trai và một bé gái, đều có dung mạo khác thường. Được ba tháng thì không may bà bị bệnh rồi mất vào ngày 10 tháng 9.

Ông Chương tìm được hai bà Phạm Thị Thanh và Trần Thị Tích người châu Xuyên Bảo, huyện Từ Liêm để về chăm sóc các con. Khi ba đứa trẻ lên 12 tuổi bắt đầu đi học thì hai bà xin về quê cũ. Đến tuổi 18 cả ba đều học rất giỏi, lúc này mới được cha đặt tên. Cậu cả tên là Bảo, cậu hai tên Mỹ, cô ba tên Phương. Không may, ông Chương bị bệnh rồi mất vào ngày 21 tháng 11. Ba anh em đến huyện Từ Liêm tìm mới biết hai mẹ nuôi đã qua đời. Sau đó họ được một nhà hào phú trong trang là Lê Công Trí nuôi dưỡng. Hai cậu tiếp tục học còn cô em nuôi tằm dệt lụa. Một hôm cô ra bãi trồng dâu thì hóa về Thủy quốc.

Khi giặc Tống sang xâm lược, thuyền quân Việt đến gần mộ Cô tự nhiên không tiến lên được, vua Lê Đại Hành bèn làm lễ cầu xin được báo mông linh ứng. Nhà vua thắng giặc liền ban sắc dựng miếu thờ Cô. Rồi giặc Chiêm Thành đem quân đánh nước ta, hai người anh đến triều đình xin giúp nước. Nhà vua thấy họ khôi ngô, tuấn tú, võ nghệ cao cường thì mừng rỡ thu nhận làm tướng.

Hai Ông phụng mệnh vua dẫn ba vạn tinh binh tiến về Tây Hồ. Ông Bảo lấy 30 người ở bản trang làm gia thần, Ông Mỹ lấy 80 người làm tuỳ tướng. Hai ông chia làm hai đạo thùy bộ cùng hành quân thần tốc, đại phá giặc ở bên sông. Quân ta thắng trận, hai ông về nghỉ ở đồn binh, nửa đêm mưa gió nổi lên, sấm chớp ầm ầm. Bỗng có đám mây từ trên trời giáng xuống đồn như dải lụa vàng sau đó hai ông cùng hóa vào ngày 12 tháng 10. Khi trời quang mây tạnh, dân nơi ấy thấy mối đùn lên thành lăng mộ, tục gọi là Đổng Lăng Vua.

Nhà vua biết tin vô cùng thương tiếc bậc công thần có công lao to lớn đối với đất nước, bèn truyền cho nhân dân bản trang lập miếu thờ, ban tặng tiền cho nhân dân cúng tế vào dịp xuân thu, miễn phu phen trong ba năm. Vua phong người anh là Bảo Trung thượng đẳng phúc thần đại vương, người em là Minh Khiết thượng đẳng phúc thần đại vương.

1054 Uy Linh Lang ©NCCông 2013-2021

THAM KHẢO

  1. Việt diện u linh tập – Thần tích Uy đô Linh Lang