1058 Thanh Xuyen pagoda
Chùa Thanh Xuyên (Tân Phúc tự)
nhà Lýsông Nhuệh.Phú XuyênChùa Thanh Xuyên là ngôi chùa của làng Đồng Vàng, tương truyền có từ thời Lý. Tên chữ: 新福寺 Tân Phúc Tự. Vị trí: QR7J+PXG, Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 36km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Gần Mốc Km9+600 - TL 429.
Lược sử
Du khách từ trung tâm Hà Nội đi thẳng về phía nam theo đường Quốc lộ 1A, tới ga Tía nhớ rẽ phải vào đường tỉnh lộ TL 429. Qua cầu Đông Quan thì rẽ trái vào phố Bông rồi đi hết địa phận xã Tri Trung sang đầu địa phận xã Hoàng Long sẽ nhìn thấy chùa Thanh Xuyên ở bên trái.
Đó là ngôi chùa của làng Đồng Vàng, tương truyền có từ thời Lý. Căn cứ vào nội dung tấm bia đá được dựng tại đây vào đời vua Trần Thánh Tông, chùa có tên chữ là “Tân Phúc Tự”. Chùa toạ lạc trên một gò đất cao, mặt quay về phía tây nam. Phía đông bắc chùa có ngôi đền Thượng và xa hơn là dòng sông Nhuệ. Phía nam chùa có ao đình hình chữ nhật và giếng to hình tròn của cả làng.
Năm 1994, chùa Thanh Xuyên được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Ngôi chùa mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn và có bố cục mặt bằng theo kiểu “nội Công ngoài Quốc”. Các hạng mục chính bao gồm: tam quan, sân, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, ngoài ra còn có vườn tháp và các công trình phụ trợ ở phía sau.
Nghi môn được xây kiểu tam quan kiêm gác chuông, cổng mở ra đường làng ở phía tây bắc. Sau cổng là sân tiền đường, hai bên có các cổ thụ toả bóng mát. Toà tiền đường rộng 5 gian 2 chái, bốn mái chảy dựa trên khung gỗ với 4 hàng chân cột, các bộ vì làm kiểu: “Thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền, bẩy hiên". Toà thiêu hương nối giữa tiền đường và thượng điện, các bộ vì làm kiểu vì kèo quá giang đơn giản. Toà thượng điện gồm 3 gian, mái lợp ngói ri, các bộ vì làm kiểu “Thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền".
Di vật
Trên tam bảo hiện còn 15 pho tượng có niên đại thời Lê, một số có niên đại thời Nguyễn. Đáng chú ý hơn cả là tấm bia đá có niên đại thời Trần, niên hiệu Thiệu Long 12 (1270), đời vua Trần Thánh Tông. Tấm bia dẹt, chia làm 3 khoang, các hoa văn trang trí xung quanh riềm bia là hoa cúc dây, dưới đế có hoa văn hình sóng nước - một đề tài quen thuộc của thời Trần.
Trong chùa có lưu một bản thần tích nói về ông Nghiêm Đạt đã đem tâm đức và tiền của cùng với nhân dân xây dựng ngôi chùa dưới triều Lý. Ngoài ra còn có 3 đạo sắc của triều Nguyễn, phong cho ông Nghiêm Đạt do có công lớn đó.
Chùa còn giữ được tấm bia đề “Học điền bi ký” có niên đại đầu thời Nguyễn, dựng vào năm Gia Long 10 (1811). Nội dung tấm bia ghi về việc dành ra các suất để thưởng cho những ai trong làng đỗ đạt cao. Trong đó có đoạn: “Ấp ta vốn thuộc đất văn hiến, phong tục dân thuần phúc, giáo hoá rộng khắp... Ấp ta không nhỏ, làng xóm đẹp đẽ, phong tục, kẻ sĩ hết thảy thành tài, điều đó tất là do việc học vậy...”.
Bên cạnh những hiện vật bằng đá, gỗ và giấy, chùa bảo lưu được một hệ thống di vật bằng chất liệu đồng có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Tiêu biểu là quả chuông đồng có tên “Tân Phúc tự chung”, cũng mang niên đại thời Nguyễn, đúc vào năm Gia Long 15 (1816).
Di tích lân cận
- Đình Châu Mai: RR37+865, Liên Châu, Thanh Oai.
- Đình Cống Xuyên: RV36+W73, Nghiêm Xuyên, Thường Tín.
- Đình Nghiêm Xá: RV42+VRF, Nghiêm Xuyên, Thường Tín.
- Đình Phượng Vũ: QVX2+FX4, Phượng Dực, Phú Xuyên.
- Đình Tri Chỉ: QRMH+RR3, Tri Trung, Phú Xuyên.
- Đình Văn Trai: QRHW+4XX, Văn Hoàng, Phú Xuyên.
(1058 chua Thanh Xuyen ©NCCông 2019-2024)