1061 博覧 Bac Lam community hall
Đình Bác Lãm
sông Nhuệnhà Trầnq.Hà ĐôngĐình Bác Lãm 博 覧 có từ thế kỷ XVII. Thờ 2 thành hoàng: ông Tạ, ông Bạch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: WQP9+2G, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: 90 Tổ 7 Phú Lãm, hoặc Đối Diện Đường Vào KĐT Thanh Hà - Đường Cienco 5.
Lược sử
Đình Bác Lãm xưa kia gọi là đình Quan Thôn, hai con phố nhỏ giao nhau ở phía trước đình hiện mang hai tên đó. Khuôn viên đình nằm ở đầu thôn Bác Lãm, thuộc xã Bác Lãm, tổng Thắng Lãm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ. Ngày nay di tích thuộc tổ dân phố Bác Lãm, phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Trong hậu cung còn lưu một cuốn thần phả có từ thời Lê Trung Hưng. Theo phả, đình thờ nhị vị thành hoàng gồm ông Tạ và ông Bạch là hai vị tướng thời Trần có công đánh đuổi giặc Nguyên-Mông sang xâm lược nước ta. Khi đó nhân dân Bác Lãm đã đóng góp tiền của, lương thảo và cử nhiều người trai trẻ nhập ngũ đi theo đạo quân của hai ông.
- Cổng đình Bác Lãm ©NCCông 2022
Đình Bác Lãm có từ thời Lê Trung Hưng, ban đầu chỉ làm bằng tranh tre nứa lá với quy mô nhỏ. Năm Vĩnh Trị 2 (1677) đình được xây kiên cố và mở rộng. Năm Cảnh Hưng 28 (1767), đình được trùng tu, tôn tạo. Đến thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh 6 (1798), đình được sửa chữa, tôn tạo và định hình như ta thấy bây giờ.
Kiến trúc
Trải qua bao biến cố lịch sử, đình bị mất một phần diện tích sân và vườn nhưng vẫn giữ được dáng vẻ của kiến trúc cũ. Mặt đình nhìn về phía đông nam, cổng xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán, hai bên có cửa phụ 2 tầng 8 mái đắp ngói ống giả. Sau cổng là sân nhỏ với vài cây lớn, hai bên sân có lối ra phố Đình Bác Lãm và phố Đình Quan Thôn.
- Sân đình Bác Lãm ©NCCông 2022
Toà đại bái xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai với bề dọc sâu, bề ngang gồm 5 gian, tại 2 chái có cửa đi xuống hành lang. Kết cấu khung theo kiểu “đình đao song liệt”, mái lợp ngói mũi hài, bờ xô có hình cá chép, ở giữa đắp hình hổ phù đội mặt trăng. Các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng” và “chồng rường đóng đố búp măng”.
Gian giữa đại bái nối qua một ống muống ngắn xuống gian giữa hậu cung thành hình “chữ Công”. Trang trí bên trong tập trung trên các bức cốn đều được chạm, đục kiểu bong kênh với những hoa văn rất sinh động. Một kẻ suốt chạy dài nối cột cái với cột quân, thân kẻ được chạm hoa văn với phong cách nghệ thuật thời Lê - Nguyễn.
- Chạm gỗ ở đình Bác Lãm ©NCCông 2022
Đáng lo là những mảng trang trí mỹ thuật trên gỗ đang bị xuống cấp nặng nề không biết có phục chế được hay không.
Di sản
Ngoài cuốn thần phả được Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám Bách thần Nguyễn Hiền phụng sao năm 1737, đình hiện bảo lưu được hai cỗ long ngai bài vị thời Lê và các bia đá cổ, trong đó đáng chú ý là tấm bia dựng năm Cảnh Thịnh 6 (1798) thời Tây Sơn mà vẫn còn nguyên vẹn qua triều Nguyễn.
Hàng năm cứ đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch gọi là ngày Đại kỳ phước, chính quyền và nhân dân Phú Lương lại mở hội đình Bác Lãm với những nghi thức truyền thống để tưởng nhớ tới công lao của hai đức thành hoàng làng.
- Hội đình Bác Lãm
Năm 1986, đình Bác Lãm được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Bác Lãm: số 47 Bác Lãm, phường Phú Lương.
- Chùa Nhân Trạch: số 261 đường Phú Lương, phường Phú Lương.
- Đền Vẽ: P. Đền Vẽ, Bác Lãm, phường Phú Lương.
- Đình Nhân Trạch: đường Phú Cường, phường Phú Lương.
- Đình Văn Nội: số 65 đường Văn Nội, phường Phú Lương.
- Lăng mộ tướng Chu Bá: ngõ 21 Văn Nội, phường Phú Lương.
1061 dinh Bac Lam ©NCCông 2011-2024