1071 Da Sy pagoda 林陽觀

Chùa Đa Sỹ (Lâm Dương Quán)

sông Nhuệđạo quánq.Hà Đông

Chùa Đa Sỹ xưa là một quán đạo Giáo có từ trước năm 1628. Tên chữ: 林陽觀 Lâm Dương Quán. Vị trí: XQ6P+JC, Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Chùa làng Đa Sỹ.

Giới thiệu

Chùa Đa Sỹ vốn là quán đạo Giáo, có tấm bia "Hưng tạo Lâm Dương quán bi" dựng năm Vĩnh Tộ 10 (1628) và cây hương đá "Lâm Dương quán thạch hương đài" dựng năm Cảnh Hưng 1 (1740) làm chứng. Còn có tấm bia "Trùng tu Lâm Dương quán bi" và quả chuông "Lâm Dương quán chung" được đúc vào năm Cảnh Thịnh 1 (1793) hiện treo trên gác tam quan. Bài minh trên chuông cho biết làng vốn tên là Đan Sỹ (nơi các đạo sỹ luyện đan), về sau có nhiều người đỗ đạt nên đổi thành Đa Sỹ.

Cạnh chùa có ngôi miếu thờ đạo sỹ Hoàng Đôn Hoà được tôn là thần y và thành hoàng làng. Miếu tọa lạc ven sông Nhuệ, nơi đây có văn chỉ khắc tên và học vị của các danh nhân làng Đa Sỹ. Lại có tấm bia ghi niên hiệu Phúc Thái 6 (1648) và các chữ “Đa Sỹ xã bi”, “Thượng hạ đại tiêu đăng” trên hai mặt. Bàn thờ chính của thành hoàng cũng được đặt tại miếu với long ngai, bài vị và bức tượng tạc thần y.

Tam quan chùa Đa Sỹ. Photo ©NCCong 2015

Kiến trúc

Chùa Đa Sỹ đã trải qua các lần sửa chữa vào năm 1628, 1680, 1724, 1740 và mang phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn định hình sau lần tôn tạo vào năm 1944. Tam quan xây 2 tầng với 3 cửa cuốn vòm nhìn về phía đông nam. Sau cổng là sân, ở giữa có nhà bia. Toà tiền đường gồm 5 gian, tường hồi bít đốc tay ngai, 4 mái chồng diêm, giữa cổ diêm đắp nổi 3 chữ Hán lớn 林陽觀 (Lâm Dương quán).

Toà tiền đường kết nối với thiêu hương và thượng điện theo hình “chữ Công”. Đầu tòa thiêu hương có bộ tượng Hộ pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác. Bên trái tiền đường đặt bộ tượng Đức Ông, bên phải đặt bộ tượng Thánh Tăng và 5 pho tượng hậu. Từ 2 gian hồi có 2 hành lang 6 gian kéo xuống nhà Tổ, điện Mẫu, v.v.. tạo nên bố cục kiểu "nội Công ngoại Quốc" trong một khuôn viên rộng.

Sân chùa Đa Sỹ. Photo ©NCCong 2015

Trên lớp cao nhất ở thượng điện bài trí bộ tượng Tam Thanh của Đạo giáo với kích thước như người thật. Tượng Ngọc Thanh ở giữa, Thái Thanh bên trái, Thượng Thanh bên phải. Hai bên hồi có tượng Quan Âm tọa sơn và Quan Âm tống tử. Lớp thứ hai đặt bộ tượng Tam thế Phật ở giữa, bên trái là tượng một nhà sư, hai bên có hai tượng hậu. Bên phải là tượng Thái Thượng Lão Quân cùng Trương Thiên Sư và Lý Thiên Sư của Đạo giáo.

Lớp thứ ba chỉ đặt tượng Phật A Di Đà. Lớp thứ tư bài trí hai pho tượng Thánh Phụ và Thánh Mẫu của Đạo giáo. Lớp thứ năm đặt tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, hai bên có Kim Đồng và Ngọc Nữ đứng hầu. Lớp thứ sáu đặt tượng Phật Di Lặc và Tuyết Sơn ngồi ngang nhau. Lớp thứ bẩy bài trí tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh) ở giữa, hai bên là Phạm Thiên và Đế Thích. Lớp thứ tám thấp nhất bài trí tượng Nam Tào và Bắc Đẩu, không có tượng Ngọc Hoàng.

Miếu Đa Sỹ. Photo ©NCCong 2015

Di vật

Chùa còn giữ được nhiều cổ vật quý như 10 tấm bia đá, 01 án gian thời Lê, 01 quả chuông thời Tây Sơn, đặc sắc nhất là những tượng của Phật giáo Bắc tông được bài trí xen lẫn với những tượng của đạo Giáo.

Bộ tượng Cửu Diệu Tinh Quân gồm 10 pho nhỏ, được bày thành hai hàng đối xứng ở tường hồi hai bên thượng điện. Bốn pho thuộc nhóm Tứ Trực Công Tào có tư thế đứng nghiêm cân đối, đầu đội mũ, chân đi giày, mặc áo thụng dài, hai tay chắp trước ngực. Còn lại 5 pho thuộc nhóm Ngũ Nhạc Tinh Quân trong tư thế động, mỗi pho có một dáng vẻ và nét mặt như người thật, tóc búi lên trên đỉnh. Pho thứ 10 để tóc ngắn, nét mặt giống như quan võ.

Bia và chuông chùa Đa Sỹ. Ảnh NCCong ©2019

Ngoài ra lại có điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu ở phía sau khu Tam bảo và tượng Sư tổ họ Nguyễn Nghiêm, tượng hậu Phật của vợ chồng huyện thừa Trịnh Đức Nhuận và Phạm Thị Diệu, v.v..

Di tích lân cận

(1071 chua Da Sy ©NCCông 2015-2024)