1080 Vien Minh pagoda

Chùa Viên Minh

q.Hai Bà Trưngsông Hồng

Chùa Viên Minh có từ năm 1819. Tên chữ: Viên Minh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2019). Vị trí: số 12 phố Hương Viên, Đồng Nhân, 2V63+WX, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,4 km (hướng 4 h). Trạm bus lân cận: 319 Phố Huế, 135 Lò Đúc, 32 Nguyễn Công Trứ.

Nếu du khách đi từ đường Nguyễn Công Trứ rẽ vào phố Đỗ Ngọc Du hoặc từ đường Lò Đúc rẽ vào phố Thọ Lão sẽ thấy hồ Hương Viên và con phố cùng tên. Đền thờ Hai Bà Trưng nằm ở bờ tây hồ này, ngay giữa một khuôn viên rộng rãi và đẹp đẽ. Bên hữu khuôn viên là đình làng Đồng Nhân và bên tả là chùa Viên Minh.

Lược sử

Chùa Viên Minh được xây dựng cùng với đền Đồng Nhân vào năm 1819. Chùa có tên chữ Viên Minh tự, tục truyền là tên gọi theo pháp hiệu của Hai Bà Trưng khi được triều đình nhà Lê tôn lên thành Phật.

Tiền đường chùa Viên Minh ©NCCong 2015

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp tái xâm lược từ năm 1946 đến 1954, chùa là cơ sở hoạt động bí mật của Việt Minh. Cán bộ hội họp và cất giấu tài liệu cách mạng tại nhà thờ Tổ và toà Tam bảo.

Năm 1962, chùa Viên Minh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Đến năm 2019, chùa [cùng đền và đình Đồng Nhân] được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Chùa cũng được UBND TP Hà Nội gắn biển Di tích cách mạng kháng chiến.

Sân sau chùa Viên Minh ©NCCong 2024

Chùa đã được trùng tu vào các năm 1890, 1912, 1930, 1940, 1950, 1982. Năm 2017, UBND quận Hai Bà Trưng đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin phép tu bổ, tôn tạo các hạng mục và đúc chuông cho chùa Viên Minh. Toàn bộ kinh phí thực hiện dự án là 21 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hoá.

Kiến trúc và di vật

Các hạng mục được hoàn thành trùng tu vào cuối thập niên 2010 là: Tam bảo, nhà Mẫu, gác chuông và nội thất. Tòa tiền đường 5 gian tường hồi bít đốc tay ngai, mặt nhìn về phía Đông qua sân trước ra hồ Hương Viên.

Thượng điện chùa Viên Minh ©NCCong 2024

Chùa chính có mặt bằng xây dựng hình chữ Công, gồm 3 tòa: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Trong sân sau có một nhà chuông kiểu phương đình 2 tầng 8 mái, cuối sân là nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật. Các bức tượng, pháp khí, đồ thờ tự mang phong cách thời Nguyễn.

Di tích lân cận

1080 chua Vien Minh ©NCCông 2011-2015