1084 Dich Long caves & pagoda

Động và chùa Địch Lộng

Ninh Bìnhsông ĐáyLý Quốc Sư

Chùa Địch Lộng có từ lâu đời và định hình năm 1740. Tên chữ: Cổ Am Tự. Thờ hậu: Lý quốc sư Nguyễn Minh Không. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 9W97+4M7, Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 79 km (hướng 6 h).

Lược sử

Du khách đi từ cầu Gián Khuất theo bờ nam sông Đáy về hướng tây chưa tới 1 km sẽ thấy động Địch Lộng. Trên tấm bia đá dựng tại đây có khắc một bài ký khá dài được tú tài Phạm Tựu soạn vào năm Tự Đức 7 (1855). Văn bia cho biết năm Canh Thân đời vua Lê Hiển Tông (1740) đã lập chùa thờ Phật trong động, tên là Cổ Am Tự. Nhiều bậc vua chúa thời trước đã từng đến chùa tham quan và ban công đức.

Triều vua Cảnh Hưng ban 3 pho kim tướng và 100 chuỗi tiền xanh. Năm Gia Long 2 (1803) vua ban 1 pho Hộ pháp Long thiên, 3 pho Tam thế Phật và 50 lạng bạc để mua ruộng thờ. Năm Minh Mạng 2 (1822) vua tuần du ra Bắc có thăm chùa và tặng cho 5 chữ "Nam thiên đệ tam động". Năm sau vua ban 1 pho tượng đồng và 50 lạng bạc để đúc chuông và mua 5 mẫu ruộng thờ.

Phủ Đức Ông chùa Địch Lộng

Năm Thiệu Trị 2 (1842) vua ban 100 quan tiền để đúc 1 pho tượng đồng và mua thêm 5 sào ruông thờ. Năm Tự Đức 5 (1853) vua cũng ban 100 quan tiền, nhà chùa mua thêm được 1 mẫu ruông thờ. Năm sau thì xây lại chùa, làm bậc đá và mở rộng quy mô. Chùa hiện nay được định hình sau đợt xây lại năm 2006 và gồm các hạng mục: tam quan, tiền đường, hậu cung, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách.

Năm 1990, động và chùa Địch Lộng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Sau cổng tam quan là một ngôi đình 5 gian được xây dựng từ thời Nguyễn để tưởng niệm Lý triều Quốc Sư Nguyễn Minh Không.

Tiền đường chùa Địch Lộng

Phía sau đình là ngôi chùa Hạ 3 gian, ở gian bên phải có đặt long ngai và các đồ thờ đều làm bằng đá như: đài, mâm tơ, bát hương… Du khách men theo sườn núi leo gần 100 bậc đá là tới cửa động. Trước cửa động có giếng ngọc chứa nước từ nhũ đá chảy xuống. Bên phải giếng là lối đến động Nham Sơn thờ Phật tức là chùa Cổ Am. Trên cửa động đề 6 chữ Hán: “Nham Sơn động, Cổ Am Tự”.

Sau động thờ Phật là hang Tối, trên vách hang và trần hang toàn là các thạch nhũ thiên tạo. Đi hết hang Tối sẽ đến hang Sáng. Cửa lên trời gọi là cửa động con, ánh sáng rọi vào qua lỗ hổng lộ thiên nên có tên hang Sáng.

Trong chùa Thượng

Tại cửa hang có lối lên trời và lối xuống âm phủ đối diện nhau. Lối xuống âm phủ có những thạch nhũ mang hình dáng lạ kỳ. Do cửa hang Sáng thắt lại ở trên lỗ lộ thiên và thông với hai hang kia nên mỗi khi có gió thổi mạnh thì phát ra âm thanh vi vu réo rắt như tiếng sáo.

Di sản

Ngoài tấm bia Tự Đức đã nói ở trên, trong động thờ Phật có treo một quả chuông lớn nặng khoảng 1 tấn, được đúc vào thời Nguyễn. Năm Khải Định 5 (1920), nhà chùa có dựng một bia đá ghi lại việc cho đúc các pho tượng Cửu Long, Quan Âm và Hộ pháp Long thiên, tu sửa 2 tháp Tổ, 12 gian nhà cùng việc trang trí và đặt các đồ tế khí.

Đình đá chùa Địch Lộng

Hàng năm cứ đến ngày 6,7 tháng 3 âm lịch, nhân dân xã Gia Thanh lại tổ chức lễ hội chùa Địch Lộng, cầu cho quốc thái dân an.

Di tích lân cận

(1084 chua Dich Long ©NCCông 2024)