1089 Si Nhiep temple and tomb
Đền, lăng Sĩ Nhiếp
Kinh Bắcsông ĐuốngSĩ NhiếpĐền, lăng Sĩ Nhiếp có từ thế kỷ XVII. Thờ: Sĩ Nhiếp 士燮. Lễ hội: từ 5 đến 7 tháng Giêng âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1964). Vị trí: thôn Tam Á, 23M7+6R xã Gia Đồng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 30km (hướng 3h). Trạm bus lân cận: Điểm Đỗ Xe Buýt Lệ Chi.
Lược sử
Thôn Tam Á vốn là một xã thuộc tổng Tam Á, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Đình thôn xưa kia thờ thành hoàng làng là Sĩ Nhiếp. Từ khi không còn đình, hàng năm mọi nghi lễ thờ cúng ông đều diễn ra tại ngôi đền nằm cạnh đường QL17 trong một khuôn viên nhiều cổ thụ, cách chùa Dâu gần 3km về phía đông.
Sĩ Nhiếp 士燮 sinh năm 137 tự là Ngạn Uy. Khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, tổ tiên ông là người đất Vấn Dương nước Lỗ đi lánh nạn ở Quảng Tín, quận Thương Ngô. Cha Sĩ Nhiếp thuộc đời di cư thứ 6, tên là Sĩ Tứ, khi làm Thái thú quận Nhật Nam đã cho con về du học ở kinh đô nhà Đông Hán.
Sĩ Nhiếp đỗ Hiếu liêm, được bổ Thượng thư lang, vì việc công bị miễn chức, rồi về chịu tang cha. Sau đỗ Mậu tài, được bổ làm Huyện lệnh Vu Dương, tiếp theo đổi làm Thái thú quận Giao Chỉ, phong tước Long Độ Đình Hầu, đóng trị sở ở Liên Lâu tức Luy Lâu, nơi có ngôi chùa Dâu cổ nhất nước Nam.
Sĩ Nhiếp khéo léo cai trị đất Giao Chỉ yên ổn từ khi làm thái thú vào năm 187 cuối thời Đông Hán cho đến khi ông mất vào năm 226 đầu thời Tam Quốc. Ông có công truyền thụ chữ Hán nên sau này được suy tôn là “Nam giao học tổ”, một trong những người mở đường cho Nho giáo vào Việt Nam.
Kiến trúc
Tương truyền đền là nơi Sĩ Nhiếp đã mở trường học đầu tiên, sát bên hữu đền là lăng ông. Ngôi đền định hình sau đợt đại tu vào thời Nguyễn, bố cục theo hình chữ “Đinh” gồm 5 gian tiền tế kết nối với 3 gian hậu cung. Các bộ vì làm kiểu giá chiêng chồng rường, kẻ chuyền. Hai bên sân tiền tế có 2 dãy hành lang 9 gian.
Cổng đền xây kiểu ngũ môn 2 tầng 8 mái, nay còn 3 cửa, cửa giữa đắp đại tự “Nam giao học tổ“ ở mặt trước và “Hữu công nho giáo” ở mặt sau, các thân trụ cũng đắp câu đối chữ Hán. Trong hậu cung có tượng Sĩ Nhiếp bằng đồng, phía ngoài là 10 tượng quan văn, võ đứng chầu, mỗi bên 5 pho cao 160cm đều bằng đất.
Di sản
Trong đền hiện có tấm bia đá “Sĩ Vương miếu bi ký tinh mệnh” từ thế kỷ XVII; bia “Lệnh luận bi” dựng năm 1801; bia “Lệnh chỉ bi ký” dựng năm 1763 và một bản thần tích chữ Hán sao lại năm 1763. Mộ ông quay hướng tây bắc, tường hoa bao quanh, lại có một ban thờ nhỏ ở phía trong và một con cừu đá ở trước mộ giống hệt con cừu ở chân tháp Hòa Phong, chùa Dâu.
Ngoài việc thờ phụng bốn mùa, hăng năm nhân dân địa phương còn tổ chức lễ hội đền trong 3 ngày từ mồng 5 đến 7 tháng Giêng. Năm 1964, đền và lăng Sĩ Nhiếp được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Bút Tháp: 326C+9VG, xã Đình Tổ, Thuận Thành.
- Chùa Dàn (Xuân Quan): 22XH+4QW, xã Trí Quả, Thuận Thành.
- Chùa Dâu: 22PV+62, xã Thanh Khương, Thuận Thành.
- Chùa Mẫu Tứ Pháp: 22JM+63, xã Hà Mãn, Thuận Thành.
- Chùa Phi Tướng: 22PQ+XJH, xã Khương Tự, Thuận Thành.
- Lăng Kinh Dương Vương: t32FX+2FH, Đại Đồng Thành, Thuận Thành.
1089 - den, lang Si Nhiep ©NCCong 2014-2024