1099 Tour 2024 september 15th

Từ tháp Hoà Phong đến Bảo tàng Lịch sử

Tháp Hòa Phong

Nằm ở ven bờ Đông Nam hồ Gươm, đó là di tích duy nhất còn sót lại của chùa Báo Ân bị Pháp san bằng từ năm 1888. Chùa được xây vào khoảng năm 1842, gồm 180 gian, mặt trước quay ra sông Hồng. Tháp cao 3 tầng, tầng một có 4 cửa vòm, tầng hai có tô một chữ Phạn lớn. Trên 4 vòm ghi tên từng cửa: Báo Ân môn, Báo Nghĩa môn, Báo Đức môn, Báo Phúc môn. Tầng thứ ba, ở 2 mặt đông-tây có ghi 3 chữ "Hòa Phong tháp" nhưng ở 2 mặt bắc-nam lại ghi là "Báo Thiên tháp".

Tháp Hoà Phong. Ảnh ©NCCong 2016

Bưu điện Hà Nội

Bưu điện Hà Nội bao gồm 3 tòa nhà mở ra các phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch và Đinh Lễ. Trong việc thiết kế và thi công ngay từ đầu đã có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc tân cổ điển của phương Tây với kinh nghiệm của Việt Nam để phù hợp khí hậu bản địa nóng ẩm.

Tòa nhà đầu tiên do KTS Adolphe Bussy thiết kế nằm ở góc phố Lê Thạch - Đinh Tiên Hoàng bây giờ. Nó cao 3 tầng và được xây dựng từ năm 1893 đến 1899, sau đó người Pháp còn cải tạo mở rộng 3 lần.

Năm 1894, KTS Henri Vildieu chủ trì thiết kế trụ sở trung tâm của Sở Bưu điện Hà Nội nằm bên cạnh tòa nhà đầu tiên với mặt chính nhìn ra hồ Gươm ở hướng Tây. Việc thi công hoàn thành vào năm 1901 tại vị trí chùa Báo Ân cũ đã bị phá từ năm 1888, chỉ còn lại tháp Hoà Phong.

Toà nhà Bưu điện trung tâm, chụp năm 1900

Người Pháp cũng cho xây con đường quanh hồ từ năm 1891 đến 1893. Năm 1902, khi Hà Nội trở thành Thủ phủ của Liên bang Đông Dương, họ đã chọn trụ sở Bưu điện Hà Nội làm cột mốc số 0 khi tính chiều dài từ Hà Nội đến Viêng Chăn (Lào) và Phnôm Pênh (Campuchia).

Về sau, một toà nhà mới đã được xây thêm theo phong cách kiến trúc Art Deco. Ban đầu, đó là trụ sở của Phòng Thương Mại và Nông nghiệp Hà Nội, thiết kế bởi KTS Felix Godard (1886 - ?) và Henri Cerutti–Maori (1899 - 1972). Tòa nhà này được nhà thầu Robert Joseph thi công từ 1939 đến năm 1940 tại vị trí bây giờ là Toà nhà Bưu điện Quốc tế ở góc phố Đinh Lễ - Đinh Tiên Hoàng.

Kể từ đầu thế kỷ XX, tòa nhà giáp phố Lê Thạch đã qua 3 lần mở rộng và có nhiều thay đổi so với thiết kế ban đầu. Trong lần mở rộng vào năm 1910, một toà nhà 3 tầng đã được xây thêm và nối với toà nhà cũ, do nhà thầu Pées & Chazeau thực hiện cùng với việc sửa sang một số chi tiết.

Toà nhà Bưu điện Quốc tế (Art Deco)

Đến năm 1918 lại có thêm Phòng bưu phẩm thuộc tòa nhà mới đó, nó được thiết kế bởi Sở Nhà cửa Dân sự và do nhà thầu Tran Ngoc Dien thi công. Năm 1921, tòa nhà tiếp tục được nhà thầu Aviat thực hiện cải tạo và sửa sang.

Từ năm 1923 đến 1927 Sở Bưu điện Hà Nội đã cho xây một khu phụ trợ trên thửa đất rộng 8.720 m2, giáp 4 phố: Hùng Vương, Lê Trực, Trần Phú và Nguyễn Thái Học bây giờ. Công trình gồm một kho xưởng được bao quanh bởi bốn dãy nhà hai tầng, với cổng chính mở ra phố Trần Phú.

Trong hai năm 1936–1937 một nhà để ắc quy đã được nhà thầu Lê Văn Can thực hiện bên cạnh tòa nhà giáp phố Lê Thạch. Năm 1939 bùng nổ chiến tranh thế giới thứ 2, một căn hầm chỉ huy và trung tâm báo động phòng không đã được xây đựng tại chỗ vườn hoa Lý Thái Tổ bây giờ.

Toà nhà Bưu điện trung tâm mới

Sau Hiệp định Paris, từ năm 1973 đến 1976, công trình cũ của tòa bưu điện trung tâm đã bị phá dỡ và xây lại thành một tòa nhà 5 tầng với cột đồng hồ lắp trên đỉnh như ta thấy bây giờ.

Phố Lê Thạch

Phố được thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên Lê Thạch từ mùa hè năm 1945, trước đó người Pháp gọi là Avenue Chavassieux. Phố rộng 8 m, dài 234 m, không có nhà dân, phía tây giáp phố Đinh Tiên Hoàng, phía đông giáp vườn hoa Con Cóc, phía bắc giáp vườn hoa Chí Linh và tượng đài vua Lý Thái Tổ.

Trên phố có cổng phụ của trụ sở Bưu điện Hà Nội và cổng hậu của Nhà khách Chính phủ. Nhà khách Chính phủ có cổng chính mở ra vườn hoa Con Cóc, đó là Bắc bộ phủ hay phủ Thống sứ cũ, nơi mà ngày 19-8-1945 lực lượng vũ trang Việt Minh và nhân dân Hà Nội đã tiến vào giành chính quyền.

Tượng đài vua Lý Thái Tổ

Phố Lê Thạch nằm trên đất thôn Hạ Hà, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ của thời Lê. Tới giữa thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn sáp nhập thôn này với thôn Hậu Bi thành thôn Hà Thanh, tổng Đông Thọ.

Đến thời Pháp thuộc, khu phố được xây dựng theo mô hình đô thị Tây phương với các trụ sở đồ sộ ở xung quanh, đến nay còn để lại nguyên vẹn phần lớn kiến trúc cũ tại các toà nhà như Bưu điện Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Sở Ngoại vụ Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, v.v..

Phố mang tên vị anh hùng trẻ tuổi Lê Thạch, người sinh ra và lớn lên tại vùng Lam Sơn (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Cha của ngài là Lê Học, anh ruột của Lê Lợi. Năm 1418, Lê Lợi đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống nhà Minh, Lê Thạch thường làm tiên phong, đã từng thắng viên tướng giặc là Mã Kỳ khi tên này tấn công Nga Lạc (nay thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).

Nhà Bát giác

Cuối năm 1421, khi Lê Lợi đang đánh nhau với giặc ở sách Ba Lẫm (nay là vùng Chiềng Lẫm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) thì tù trưởng Ai Lao là Mãn Sát đem binh đến, nói dối là cứu viện nhưng kỳ thực lại đánh lén nghĩa quân. Lê Lợi cử Lê Thạch ra chống cự lại Mãn Sát. Trong khi giao chiến, ngài bị thương nặng và hy sinh, về sau được nhân dân nhiều nơi tôn thờ như một vị thần.

Nhà khách Chính phủ

Tòa nhà 12 Ngô Quyền được xây dựng lại năm 1918 dưới thời thuộc Pháp theo bản vẽ của kiến trúc sư Adolphe Bussy và trên phần đất của chùa Báo Ân, di tích còn sót lại của chùa là tháp Hòa Phong ven bờ hồ Hoàn Kiếm. Ban đầu đây vốn là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Le Palais du Résident Supérieur du Tonkin) được thiết kế năm 1898 bởi KTS Auguste Henri Vildieu.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, Dinh Thống sứ được đổi tên thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ của Chính phủ Trần Trọng Kim. Trong ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội 19-8-1945, lực lượng Việt Minh cùng nhân dân đã đến bao vây và chiếm giữ tòa nhà này.

Phủ Khâm sai Bắc Kỳ ngày 19-8-1945

Từ trước ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về làm việc tại đây cùng Chính phủ lâm thời. Trong thời gian đó cho đến đầu năm 1947 khi quân Pháp tái chiếm Hà Nội, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ Phủ (Palais du Tonkin).

Mở đầu Toàn quốc Kháng chiến, ngày 20-12-1946 tại đây đã nổ ra một trận đánh giữa một đại đội Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc Bộ Phủ và quân Pháp có xe tăng hỗ trợ. Đây là trận đánh ác liệt nhất và kéo dài nhất trong những ngày đầu của Chiến tranh Đông Dương. Sau 6 đợt tấn công bị đẩy lui, làm thương vong 122 lính lê dương, thiệt hại 4 xe tăng và thiết giáp, 3 xe vận tải, lực lượng Pháp đã chiếm được tòa nhà. Số binh sĩ Vệ quốc đoàn tử trận là 45 người.

Sau khi lực lượng Kháng chiến trở về tiếp quản thủ đô Hà Nội ngày 10-10-1954, Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ do Bộ Ngoại giao quản lý. Đây là một trong những nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện lễ tân của Chính phủ, có xây thêm một khách sạn tại phía vườn sau và mở cổng ra vào ở số 2 phố Lê Thạch.

Vườn sau Nhà khách Chính phủ ©NCCong 2013

Bên trong toà nhà vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật của Hồ Chí Minh khi Chủ tịch ở và làm việc tại đây. Năm 2005, Di tích Bắc Bộ phủ được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia và được gắn biển Di tích Lịch sử Cách mạng.

Ngân hàng Nhà nước VN

Tiền thân là trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Hà Nội có thiết kế ban đầu do KTS Félix Dumail hoàn thành năm 1928 theo phong cách Tân Cổ điển để có được sự hoà hợp với phong cách kiến trúc các toà nhà nằm hai phía của trục quy hoạch này như Toà Thị chính, Kho bạc, Bưu điện, Phủ Thống sứ. Tuy nhiên đến khi xây dựng vào đầu những năm 1930 thì công trình đã được KTS Georges Trouvé thiết kế lại theo phong cách Art Deco điển hình.

Cấu trúc toà nhà gồm 3 tầng: Tầng trệt xây tường rất dày, cửa sổ mở nhỏ là nơi bố trí các kho tiền, kim loại quý và các phòng phục vụ. Tầng một là không gian giao dịch thông tầng ở khu trung tâm với những vòm bê tông cốt thép lắp kính trên mái. Tầng hai gồm các phòng làm việc bố trí ở ba phía bao lấy khối trung tâm. Cấu trúc nêu trên cho thấy công trình được thiết kế theo mô hình chủ đạo của các ngân hàng Pháp thời bấy giờ.

Ngân hàng Đông Dương, chi nhánh Hà Nội, 49 Lý Thái Tổ

Ngôn ngữ kiến trúc chủ đạo của công trình là khối hộp hình học đơn giản với những ô cửa mạch lạc theo chiều đứng. Chính sảnh là một khối hình bán trụ được trang trí bằng các mảng tường hoa có tác dụng lấy ánh sáng tự nhiên, phía trên là các khối hình tròn có bán kính nhỏ dần, thực chất để che một mái vòm có các lỗ kính lấy sáng được tổ chức theo hình tròn và hình tia rất thú vị. Toàn bộ hệ thống cửa sổ kính được bố trí lùi lại so với mặt tường ngoài để tránh ánh nắng chói chang vùng nhiệt đới, bên ngoài cửa kính có bố trí một hệ thống cửa cuốn gỗ di rộng để che nắng khi cần thiết nhưng khi cuốn lên thì ánh sáng tràn vào nhà qua các tấm kính lớn kết hợp với ánh sáng từ các vòm trần tạo ra một không gian giao dịch ngập tràn ánh sáng tự nhiên.

Dù thiết kế theo phong cách Art Deco điển hình, kiến trúc sư G. Trouvé cũng mang một phần thần thái của kiến trúc nhiệt đới Việt Nam vào toà nhà khi xử lý bộ mái đua rất rộng, phía dưới là một loạt các hoạ tiết trang trí mô phỏng các hoạ tiết Việt cổ. Hệ thống tường hoa trang trí và che nắng ở chính sảnh cũng như hệ thống cửa cuốn che nắng là một biểu hiện sáng tạo của tác giả khi đặt một công trình Art Deco vào điều kiện khí hậu nhiệt đới của Hà Nội. Với tỷ lệ hình khối hài hoà, phong cách xử lý mặt đứng mạch lạc, không gian nội thất tràn đầy ánh sáng, lại được xây dựng ở một vị trí đắc địa, Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương có thể được coi là công trình Art Deco hoàn hảo nhất ở Hà Nội.

Hotel Metropole Hanoi vào đầu thế kỷ XXI

Hotel Metropole Hà Nội

Khách sạn Metropole Hà Nội được mở cửa lần đầu vào những năm đầu của thế kỷ XX bởi hai nhà đầu tư độc lập người Pháp. Trải qua thử thách của thời gian, khách sạn luôn được coi là một trong những biểu tượng mang tính lịch sử của Hà Nội.

Kể từ năm 1901, Khách sạn Metropole Hà Nội đã nổi tiếng là nơi gặp gỡ quen thuộc của khách thương gia cũng như khách du lịch. Nơi đây từng có vinh dự được đón tiếp các nhà soạn kịch và diễn viên gạo cội, các đại sứ và nguyên thủ quốc gia v.v. đến từ khắp mọi vùng trên thế giới.

Ngày 1-7-2009, Metropole Hà Nội trở thành Hotel Sofitel Legend đầu tiên trên thế giới. Khách sạn hiện nay có 364 phòng, trong đó có 32 phòng căn hộ. Khách sạn được chia làm 2 khu - Khu Metropole cổ và Khu Opera mới. Tất cả các phòng trừ hạng Premium đều có thêm một giường phụ và phục vụ tối đa được 3 khách.

Bên trong Metropole Hà Nội

Tầng một của khách sạn có nhà hàng ẩm thực Pháp "Le Beaulieu", ẩm thực Hà Nội tại "Spices Garden", 3 quầy bar, 5 phòng chức năng, khu thương mại, khu bể bơi... Trong khách sạn còn có di tích một khu hầm trú bom, được phát hiện lại khi trùng tu tòa nhà vào năm 2012.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hình thành trên cơ sở Bảo tàng Louis Finot thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp [EFEO: École Française d’Extrême Orient]. Ban đầu, nơi đây trưng bày những đồ cổ thu thập từ các nước Đông Nam Á.

Ngày 3-9-1958, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chính thức khánh thành không lâu sau khi chính quyền Việt Nam DCCH tiếp quản tòa nhà số 1 Tràng Tiền. Tại đây đang lưu giữ nhiều hiện vật quý như trống đồng Đông Sơn, gốm Bát Tràng, tượng Champa, bia đá cổ, chạm khắc gỗ, cọc Bạch Đằng,...

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ©NCCong 2022

Bảo tàng Louis Finot do các KTS C.Batteur và E.Hébrard thiết kế năm 1925 có thể coi là một đại diện lớn của phong cách “Kiến trúc Đông Dương”, cố gắng kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa. Công trình được khởi công năm 1926 và đi vào hoạt động từ năm 1932 trên khu đất phía sau Nhà hát Lớn, chạy dọc theo bờ đê sông Hồng.

Mặt bằng bảo tàng được kiến tạo theo yêu cầu của không gian kiến trúc trưng bày nên được cấu tạo dựa trên những không gian khẩu độ lớn. Khối sảnh hình bát giác có kích thước mỗi cạnh lớn đến 11m. Không gian trưng bày chính nằm ngay sau đại sảnh có hình chữ nhật kéo dài theo hình thức xuyên phòng có sự chuyển tiếp được tổ chức khéo léo. Ngoài ra còn có các không gian trưng bày chuyên đề nằm ở hai phía của đại sảnh tạo thành một tổng thể thông thoáng.

Bia đàn Nam Giao, Bảo tàng LSQG. ©NCCong 2018

Phía dưới tầng trưng bày là một tầng trệt cao 2,5m, nơi tổ chức các phòng phục chế, lưu trữ, kho và bộ phận hành chính. Tầng này cũng mang ý nghĩa của một tầng cách ẩm làm cho không gian trưng bày phía trên luôn khô ráo trong điều kiện độ ẩm cao ở Hà Nội.

Hình khối mặt đứng công trình được nhấn mạnh bởi hệ thống mái che khối sảnh hình bát giác nhô cao phía trên công trình. Đây là một hệ ba lớp mái bao gồm mái trên có độ dốc lớn và được ngăn cách với các mái dưới bởi hệ thống cửa lấy sáng và một hệ con-sơn liên tục, phía dưới là hai lớp mái có độ dốc nhỏ hơn. Mặc dù hình khối theo kiểu bát giác mang nhiều nét của kiến trúc Trung Hoa cổ, nhưng nhìn toàn bộ khối mái này lại gợi cho chúng ta hình ảnh của tháp chuông chùa Keo (Thái Bình) do cách xử lý khéo léo của các tác giả theo kiểu hệ mái ba lớp với các con-sơn liên tục chồng lên nhau.

Sảnh lớn Bảo tàng LSQG. ©NCCong 2018

Bảo tàng là một công trình văn hoá lớn lúc bấy giờ nên khối sảnh bát giác mang nhiều tính hình thức của Chủ nghĩa Biểu hiện là điều dễ hiểu và tạo được ấn tượng tốt.

Toàn bộ hệ mái cho các khu trưng bày được cấu tạo theo kiểu mái chồng diêm hai lớp thường thấy ở các công trình tôn giáo truyền thống của Việt Nam. Khe hở giữa hai lớp mái đóng vai trò thoát gió trong hệ thống thông gió tự nhiên của công trình. Lớp mái phía dưới đua rộng ra khỏi hệ thống tường ngoài, có tác dụng che nắng và chống mưa hắt cho hệ thống cửa mở rộng phía dưới, đồng thời tạo bóng đổ trên mặt đứng làm tăng vẻ duyên dáng cho toà nhà. Phần mái đua được đỡ bởi hàng cột kép kết hợp với hệ con-sơn cách điệu cùng các hoạ tiết trên lan can tạo ra một dáng vẻ Á Đông rõ rệt.

Vườn tượng Champa Bảo tàng LSQG. ©NCCong 2018

Các giải pháp thông gió tự nhiên được các tác giả lưu ý đặc biệt bằng cách tổ chức một hệ thống cửa sổ mở rộng trên các tầng nhà, kết hợp với các cửa thoát gió trên mái khiến cho khối không khí trong nhà luôn được lưu thông theo cả phương ngang lẫn phương đứng. Không gian sảnh và các khu trưng bày cũng luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên nhờ các cửa sổ rộng kết hợp với các cửa kính hãm trên cao, đặc biệt là các cửa kính bát giác trên khối sảnh vừa mang ý nghĩa trang trí vừa đưa vào ánh sáng rực rỡ cho khu đại sảnh.

Các hoạ tiết trang trí nội - ngoại thất công trình đều xuất phát từ các motif Á Đông cổ truyền nhưng được cách điệu và biến hoá ở các vị trí khác nhau, tạo ra sự đa dạng trong phương cách trang trí nhưng vẫn hoà nhập với hình thái kiến trúc chung. Cây cỏ, sân vườn cũng được các tác giả lưu ý một cách thấu đáo. Hệ thống cây xanh từ vườn hoa phía trước được kéo vào sâu trong sân bảo tàng làm cho công trình dường như mọc lên từ khối cây cỏ nhiệt đới.

Cổng trường THPT Trần Phú

Trường THPT Hoàn Kiếm

Năm 1902 chính quyền Pháp đã thành lập Collège Paul Bert dành cho con cháu giới thượng lưu Đông Dương, địa điểm ở Boulevard Rollandes nay là số 8 phố Hai Bà Trưng. Năm 1919, nơi đó trở thành Petit Lycée với các lớp tương đương trung học cơ sở, còn Grand Lycée có trụ sở mới xây tại Avenue de la République (số 2A phố Hoàng Văn Thụ bây giờ) thì dành cho các lớp tương đương trung học phổ thông. Năm 1923, Grand Lycée đổi tên thành Lycée Albert Sarraut, đến năm 1954 lại chuyển hết về trụ sở cũ.

Ngày 1-11-1960, chính quyền Hà Nội tiếp quản và thay đổi tổ chức cũng như tên gọi Lycée Albert Sarraut thành hai trường khác nhau. Cùng chung trụ sở tại phố Hai Bà Trưng nhưng vào các buổi sáng đây là trường Phổ thông Trung học Hoàn Kiếm, còn vào các buổi chiều thì là trường PTTH Trần Phú. Đến tháng 2-2009 đổi tên thành trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm.

Trường THPT Trần Phú
Trường do kiến trúc sư C.G. Lichtenfelder thiết kế, được xây dựng năm 1907 với kiến trúc địa phương của vùng Paris và miền Bắc nước Pháp. Toà nhà lớn hình chữ U gồm hai tầng, với hai cánh mở rộng về phía trước. Phía sau có các nhà xưởng vây quanh sân chơi rộng rãi. Chính giữa tầng trệt có hành lang nhà cầu với mái lợp ngói để đón khách từ cổng trường dẫn vào đại sảnh.

Toà nhà lớn được cấu trúc theo kiểu hai hành lang phía trước và phía sau, mỗi hành lang rộng 2 m. Hệ thống cửa sổ gồm cửa kính bên trong và cửa chớp bên ngoài. Ô chữ nhật to ở dưới, ô nhỏ ở trên có dạng cuốn vòm với bán kính cong nhỏ dần theo phương đứng. Dãy cửa thông gió ở tầng 3 được trang trí bằng gạch hoa kết hợp với hàng con-sơn bằng gỗ đỡ lấy bờ mái ngói.

Phòng học ở cuối hành lang, nơi tòa nhà nhô ra phía trước, tạo thành hai cánh chữ U. Cầu thang cuốn dẫn lên tầng 3, thực chất chỉ là tầng chống nóng cho khu vực trung tâm. Tất cả hệ cầu thang và sàn phòng học đều bằng gỗ lim.

Nhà in IDEO, 24 Tràng Tiền

Nhà in Viễn Đông IDEO

Năm 1907, nhà in IDEO bắt đầu được xây dựng, ban đầu đó chỉ là một xưởng in một tầng trên phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền), đến những năm 1920 một toà nhà 6 tầng được xây dựng ở vị trí phía ngoài xưởng in giáp mặt phố, tới lúc này công năng của một nhà máy in mới hoàn chỉnh. Tầng 1 là xưởng đặt máy móc và kho giấy với mặt bằng được trải rộng về phía sau toà nhà, các tầng trên bố trí các phân xưởng phù trợ như sắp chữ, sửa bản in và bộ phận hành chính. Toà nhà chính của nhà in IDEO là một tác phẩm kiến trúc hiện đại đầy ấn tượng với thời bấy giờ.

Nhà bố cục kiểu đăng đối với khối giữa 6 tầng, hai bên là 2 khối nhà 5 tầng. Tầng 1 gồm sảnh chính, lối tiếp cận cho xe ra vào, toàn bộ không gian còn lại mở rộng và tạo ra một không gian liên tục với khu xưởng phía sau toà nhà. Cửa kính chiếm diện tích chủ đạo trên mặt đứng, được phân vị theo phương ngang ở khối trung tâm và theo phương đứng ở hai khối phụ. Tuy nhiên có thể vì đây là công trình công cộng đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội nên những giải pháp thích ứng khí hậu nhiệt đới chưa được chú trọng đầy đủ. Với chiều cao 6 tầng, toà nhà IDEO được coi là công trình kiến trúc cao nhất Hà Nội thời Pháp thuộc, kỷ lục này còn được giữ tới tận thập kỷ 1990 khi khách sạn Hà Nội cao 11 tầng đi vào hoạt động.