1105 Chau Giang river

Châu Giang

Châu GiangHà Nam

Địa lý

Sông Châu hay Châu Giang dài hơn 30 km, nằm trọn trong tỉnh Hà Nam. Đây là một phân lưu cũ của sông Hồng, nối với sông Hồng qua cửa Yên Lệnh và cửa Hữu Bị. Một đầu nối với sông Đáy qua cống Phủ Lý nên còn gọi là sông Phủ Lý. Một đầu nối với sông Nhuệ ở nhánh phía Bắc cạnh chùa Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên.

Lược sử

Cạnh sông Châu là núi Đọi, nơi vua Lê Hoàn đi cày vào mùa xuân năm 987, mở đầu lễ hội Tịch điền. Năm 1010, Lý Thái Tổ từ Hoa Lư qua sông Đáy, sông Châu, sông Hồng để về thành Đại La, sáng lập Thăng Long. Năm 1121, Lý Nhân Tông cho dựng chùa Long Đọi với tháp và bia Sùng Thiện Diên Linh, đặt ra hành cung Lý Nhân.

Thời Trần, sông Châu gọi là Thiên Mạc, nối Thăng Long với Tức Mặc; trên sông đã diễn ra các trận đánh quân Nguyên-Mông, hiện còn di tích đền Trần Thương. Năm 1470, Lê Thánh Tông đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành, từ Châu Giang vào sông Long Xuyên và dừng chân ở Cầu Không, được thần nhân báo mộng âm phù. Sau chiến thắng, nhà vua trở lại cầu này và cho làm một cuốn sách bằng đồng để ghi lại sự việc trên.

Sông Châu Giang

Dự án thuỷ lợi

Đầu thế kỷ XX, người Pháp cho đắp đê sông Hồng chặn các cửa sông Châu, nên sông bị gọi là Tắc Giang. Dọc sông đã xây 3 đập ngăn nước tại Phúc Hạ (xã Hợp Lý), Quan Trung (xã Văn Lý), Vĩnh Trụ (xã Đồng Lý), chia sông thành 4 đoạn, nối với nhau bằng các cống ngăn. Lại xây cống Phủ Lý ngăn nước sông Đáy chảy vào, chỉ mở khi cần thiết.

Từ đó sông Châu trở thành nơi chứa nước bơm từ các khu vực ngập úng về mùa mưa. Do phải nhận một phần nước thải của sông Nhuệ nên đến cuối thế kỷ XX sông Châu bị ô nhiễm nặng. Đầu thập niên 2010, chính quyền đã thực hiện dự án mở lại 2 cống Phúc Hạ và Phủ Lý dẫn nước sông Hồng về sông Đáy, nhằm phục hồi chức năng giao thông thủy và giảm mức độ ô nhiễm. Dự án tiếp theo là mở lại 2 cống Quan Trung và Vĩnh Trụ.

Ngã ba Tuần Vường

Ảnh hưởng Champa

Năm 1044, Lý Thái Tông đem quân đánh thành Phật Thệ (nay thuộc Huế), chém quốc vương Sạ Đẩu (Jaya Sinhavarman II) và bắt vương phi Mị Ê (Mamih Ea) cùng hơn 5000 tù binh Champa. Khi đoàn thuyền về đến cửa sông Châu Giang, nay gọi là ngã ba Tuần Vường, vua cho mời Mị Ê, nàng nhảy xuống sông tự tử. Đời sau, nhiều tác giả sử học và văn học đã tỏ lòng thương tiếc Mị Ê.

Hiện còn lăng mộ và đền thờ tượng Bà Chúa Chiêm ở ngoài đê làng Phúc Mãn, xã Phú Phúc. Trên cổng đền từng có đôi câu đối: “Phách tại Châu Giang hoài Phật Thệ / Hồn lưu Phúc Mãn vọng Chiêm bang”. Đình làng được xây năm Tự Đức thứ 28 (1875) và thờ Bà như một trong 3 vị thành hoàng. Các triều đại cũ đã ban cho Bà 40 đạo sắc phong với mỹ tự là “Hiệp chính Hựu thiện phu nhân”... Hội đền xưa cứ 3 năm tổ chức một lần quốc lễ từ mùng 10 đến ngày 20 tháng Ba, triều đình cử người về tế. Ở Lý Nhân còn có nhiều nơi khác cũng thờ Bà Mị Ê.

Đình làng Phúc Mãn thờ vương phi Mị Ê

Chính sự góp công to lớn của những tù binh Champa từ thời Tiền Lê qua Lý - Trần đến Lê Sơ được định cư ven sông Châu Giang đã làm tăng gấp đôi sản lượng thóc nhờ có thêm vụ lúa Chiêm trên vùng đồng trũng. Thậm chí có tài liệu cho rằng họ đã cùng dân sở tại tạo dựng nên một Tiểu vùng văn hóa Việt – Chăm.

Di tích ven sông

1105 song Chau ©NCCông 2011-2023