1106 Quynh Lam pagoda
Chùa Quỳnh Lâm
Thiền Trúc Lâmnhà TrầnQuảng NinhChùa Quỳnh Lâm có từ thời Tiền Lý và mở rộng quy mô từ thời Trần. Tên chữ: Quỳnh Lâm Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: 4G3P+RM3, An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 92km (hướng 3h).
Lược sử
Chùa Quỳnh Lâm thường gọi chùa Quỳnh, tên chữ Quỳnh Lâm Tự và là một phần trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt của nhà Trần tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa nằm ở giữa 3 xóm Thượng, Hạ, Sinh thuộc xã Tràng An trong dãy triền đồi chạy từ núi Yên Tử – Ngọa Vân xuống đồng bằng. Phía trước là hồ nước được đào vào năm Cảnh Trị thứ 2. Ba phía còn lại là núi. Dáng vẻ chùa bây giờ là mới được phục hồi sau nhiều lần tu sửa gần đây vào đầu thế kỷ XXI.
Chùa được định hình dưới đời vua Lý Thánh Tông từ năm Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057). Nơi đây từng có một ngôi chùa khởi dựng vào khoảng cuối thế kỷ 5, đầu thế kỷ 6 rồi trải qua nhiều lần tu sửa trong các triều Đinh và Tiền Lê. Vào các thời Lý, Trần và cuối thời Lê, chùa Quỳnh Lâm là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất của Đại Việt.
Năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức bỏ ngôi báu ở tuổi 41 để lên núi Yên Tử tu tập, lấy pháp hiệu là Trúc lâm Đầu Đà. Ngài đi thuyết pháp ở nhiều nơi và sáng lập thiền phái riêng. Năm 1308, Nhân Tông mất, Pháp Loa kế đăng rồi trở thành vị tổ thứ 2 của thiền phái Trúc Lâm [1].
Pháp Loa đã cho xây dựng và mở mang nhiều cơ sở Phật giáo. Riêng năm 1314 sư đã cho xây dựng 33 bảo điện thờ Phật và gác chứa kinh sách... Năm 1316, trên cơ sở của chùa Quỳnh Lâm cũ, sư đã thành lập “viện Quỳnh Lâm” với 2000 mẫu ruộng và hơn 1000 người, được xem như là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Lễ hội “Thiên Phật” được sư tổ chức tại chùa Quỳnh Lâm vào năm 1325, kéo dài tới 7 ngày 7 đêm. Năm 1330 Pháp Loa mất. Vị sư già kế tục làm tổ thứ 3 ở tuổi 76 là Huyền Quang [2]. Tuy nhiên 4 năm sau thì ngài cũng mất và dần dần thiền phái Trúc Lâm cũng suy tàn cùng nhà Trần.
Kiến trúc
Năm 1329, chùa Quỳnh Lâm được xây dựng lại với quy mô đồ sộ. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đúc chuông, tạc tượng... Đến thế kỷ XVIII, chúa Trịnh cho đại tu chùa, sử dụng nhiều vật liệu đá, vừa gây tốn kém quá mức vừa bắt nhân dân phục vụ vất vả nên nửa chừng thì công trình bị bỏ dở dang.
Năm 1945, chùa Quỳnh Lâm từng là một căn cứ cách mạng thuộc đệ tứ chiến khu Đông Triều của tướng Nguyễn Bình. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược, chùa đã bị hủy hoại hoàn toàn và chỉ còn là phế tích.
Năm 1957, sư Thích Thanh Trí quê ở Hà Bắc đã về tu tại đây và cùng nhân dân xây dựng một phần kiến trúc như ta thấy hiện nay. Đến năm 1967, sư lại cho xây khu nhà Tổ. Năm 1990, sư trụ trì Thích Đạo Quang cho xây dựng thêm 4 gian nhà khách và sửa một số ngọn tháp. Ngày 15-11-1991, chùa Quỳnh Lâm được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di vật
Chùa Quỳnh Lâm không giữ được dáng vẻ cổ kính nữa nhưng các di vật còn lại nơi đây cho thấy tầm vóc xưa kia và sự thay đổi của nó qua các thời kỳ. Tấm bia đá cao 2,5m dựng trước chùa vẫn giữ được những hình rồng trang trí uốn lượn mềm mại, đặc trưng cho rồng thời Lý [3].
Sau nữa là các thành bậc rồng bằng đá xanh, gần một trăm tảng đá kê chân cột, chạm cánh sen, đầu rồng bằng đất nung, khánh đá. Đặc biệt là một góc bệ đá có hình chim thần Garuda được tạo như một hình người ngồi xổm, hai tay vươn lên hai giá bệ để đỡ tòa sen. Tất cả đều thể hiện rõ nét điêu khắc đá thời Trần.
Hiện vật thời Lê còn lại nhiều nhất, đáng kể ở đây là các ngọn tháp và bia đá. Đặc biệt có hai bức chạm đá ở bài vị và tượng của bà Hậu Phật Bùi Thị Thao với các hình chạm trổ công phu.
Di tích lân cận
- Am Ngọa Vân: 5HGH+QVJ, Bình Khê, Đông Triều.
- Chùa Đồng: 5P67+9X8, đỉnh Yên Tử, Uông Bí
- Chùa Hoa Yên: 5P29+J4R, Thượng Yên Công, Uông Bí.
- Đền An Sinh: 4G8P+XRR, An Sinh, Đông Triều.
- Đền Thái (Thái miếu): 4HJ2+55C, An Sinh, Đông Triều.
- Đồng Hỷ lăng (Duệ Tông 1337-1377): toạ lạc ở núi Ngọc Thanh, khu Đạm Thủy, phường Thủy An
- Lăng Phụ Sơn (Dụ Tông 1336-1369): 4GHQ+G9, An Sinh, Đông Triều.
- Lăng Tư Phúc (thần vị Thái Tông, Thánh Tông): 4GFQ+CM, An Sinh, Đông Triều.
- Mục lăng (Minh Tông 1300-1357): 4HJ4+P4, An Sinh, Đông Triều.
- Ngải Sơn lăng (Hiến Tông 1319-1341): 4GJW+WV5, An Sinh, Đông Triều.
- Nguyên lăng (Nghệ Tông 1321–1395): 4GMQ+XM, An Sinh, Đông Triều.
- Thái lăng (Anh Tông 1276–1320): 4HP3+RR2, An Sinh, Đông Triều.
1106 chua Quynh Lam ©NCCông 2014-2024
[1] Trong một lần thuyết pháp vào năm 1304, Trần Nhân Tông đã gặp gỡ và thu nhận được vị sư 20 tuổi Pháp Loa (1284 - 1330), tên thực Đồng Kiên Cương, người làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
[2] Huyền Quang (1254-1334) tên thật là Lý Đạo Tái, quê ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Từ nhỏ đã có khiếu văn chương, 20 tuổi đỗ thi hương rồi năm sau đỗ đầu thi hội (1274); được bổ dụng vào Viện Nội hàn của triều đình, từng tiếp sứ Bắc... Lý Đạo Tái làm quan đến 51 tuổi thì xin xuất gia, từng trụ trì các chùa Vân Yên, Thanh Mai, Côn Sơn, vừa là một nhà thơ lớn.
[3] Văn bia sư Pháp Loa, cho biết thiền sư Nguyễn Minh Không đã xây chùa và đúc tượng, trong đó tượng Phật Di Lặc được liệt vào một trong “tứ đại khí” của nước ta thời ấy cùng với tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh.