113 Ba Kieu temple

Đền Bà Kiệu

hồ đầmquận Hoàn KiếmLiễu Hạnh

Đền Bà Kiệu có từ đầu thế kỷ XVII. Tên chữ: Huyền Chân Từ, Thiên Tiên Điện. Thờ: Mẫu Liễu. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: 59 Đinh Tiên Hoàng, 2VJ3+CC, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,9 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: Đinh Tiên Hoàng (xe 09, 14, 36), đầu phố Nguyễn Hữu Huân và cuối phố Hàng Tre (04, 08, 11, 18, 23, 31, 34, 36)

Lược sử

Đền Bà Kiệu trước kia gọi là “Huyền Chân Từ”, trong đền còn có bức hoành phi viết bằng chữ Hán đề tên “Thiên Tiên Điện”. Theo bia “Trùng tu Huyền Chân Từ bi ký” dựng vào năm Tự Đức 19 (1866) thì đền Huyền Chân nguyên thuộc đất huyện Thọ Xương và được xây dựng từ đời Lê Trung hưng. Các đạo sắc phong từ triều Lê qua Tây Sơn đến triều Nguyễn cho biết đền Bà Kiệu thờ ba vị nữ thần, bao gồm: Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ Quỳnh Hoa và Đệ tam Ngọc nữ Quế Hoa.

Sách “Thăng Long cổ tích khảo” và “Hà Thành linh tích cổ lục” ghi rằng đền Huyền Chân ra đời vào niên hiệu Vĩnh Tộ (1619—1628). Cuối niên hiệu Cảnh Hưng (1740—1786) có ông Lê Trọng Sinh góp xây thêm cổng tam quan. Năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) thời Tây Sơn, vị quan Trần Hữu Ứng và vợ là Trần Thị Bảng cung tiến tiền để đúc một quả chuông đồng.

Ngày 2-5-1994, đền Bà Kiệu được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Tam quan đền Bà Kiệu. Ảnh NCCong ©2019

Kiến trúc

Thời Nguyễn, đền Bà Kiệu có lần trùng tu nhỏ vào năm Tự Đức 6 (1853). Dấu tích kiến trúc còn lại bây giờ chủ yếu là từ đợt sửa chữa lớn ở thập kỷ sau đó (1864) với những nguyên liệu nổi tiếng của Thanh Hóa như gỗ rừng Nưa, đá núi Nhuệ. Khu đền chính có kết cấu hình chữ “Công”, gồm nhà tiền tế, trung đường và hậu cung. Tam quan ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri.

Năm 1891, do thực dân Pháp xây đường vòng quanh Hồ Gươm nên khu đền chính bị dỡ mất tòa tiền tế và sân trước trở thành một đoạn phố. Đền Bà Kiệu hiện nay là một di tích gồm hai phần cách nhau bởi phố Đinh Tiên Hoàng, với khu đền chính nằm dọc góc phố Lò Sũ và cổng tam quan ở phía ven hồ.

Nhà tiền tế cũng xây ba gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, nhưng cao to hơn tam quan nhiều. Bộ mái gần gũi với phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Bờ nóc có dạng bờ đinh, bên trên gắn hình cá hoá rồng bằng gốm tráng men xanh đang nhìn vào bình nước thiêng ở giữa.

Đền Bà Kiệu. Ảnh ©NCCong 2019

Bộ khung được làm khá vững chắc với 8 cột trụ bằng gỗ lim, chu vi cột cái 115 cm, cột quân 105 cm. Các cột hiên nhỏ hơn được làm bằng đá trắng, hình hộp chữ nhật mỗi cạnh rộng 25 cm. Trong nhà tiền tế còn có bốn tượng cá chép hoá rồng đặt trên xà và dưới diềm của hai mái sau, trước. Tất cả được che mát dưới tán lá của một cây đa rất lớn.

Liền sau nhà tiền tế là một trung đường nhỏ dựng trên bốn chân cột kiểu phương đình 2 tầng 4 mái chạm mảng các hoa văn truyền thống theo kiến trúc thời Nguyễn. Hậu cung gồm một nếp nhà ngang xây gạch kiểu tường hồi bít đốc. Dãy nhà bên phía phố Lò Sũ biến thành các cửa hàng. Từ mặt sau đền có thể đi qua quán giải khát để vào hậu cung. Năm 2015 lại có một đợt trùng tu đền.

Hai gian bên của hậu cung là nơi thờ những vị nam thần phổ biến trong các đền Mẫu như Ngọc Hoàng và Ngũ vị Tôn ông. Các pho tượng này có kích thước nhỏ, được tạo tác vào thời Nguyễn. Tượng các nữ thần đặt trong một khám thờ lớn ở giữa hậu cung, chạm khắc cầu kỳ. Lớp trên gồm 3 pho tượng Tam toà Thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Thuỷ, Mẫu Địa). Lớp dưới có tượng công chúa Liễu Hạnh và hai tiên nữ Quỳnh Hoa, Quế Hoa. Bên ngoài khám thờ này còn có bốn tượng nhỏ (2 tượng Cô, 2 tượng Cậu). Lại có hai khám thờ nhỏ hơn, bên phải đặt tượng chầu Thủ đền, bên trái là tượng Bà Chúa Thượng Ngàn.

Tiền tế đền Bà Kiệu. Ảnh NCCong ©2019

Di sản

Các khám, long ngai, hương án, án văn, câu đối, hoành phi… đều có chạm trổ tỉ mỉ với những hình rồng, hoa dây, chim phượng... mang phong cách thế kỷ XIX.

Ngoài các bia Cảnh Thịnh 8 (1800), Tự Đức 19 (1866)… còn có 27 đạo sắc từ triều Lê, Tây Sơn đến Nguyễn phong thần cho Bà Chúa Liễu và hai vị tiên nữ. Thời Lê có 3 đạo sắc năm Cảnh Hưng 44 (1783), 3 đạo sắc năm Chiêu Thống 1 (1787). Thời Tây Sơn có 3 đạo sắc năm Quang Trung 5 (1792), 3 đạo sắc năm Cảnh Thịnh 1 (1793). Triều Nguyễn có các đạo sắc đời Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Duy Tân.

Trên cột đá ở cửa điện có đôi câu đối về nguồn gốc tiên thánh của Mẫu:
Khảm nhất chung anh thiên tượng mẫu
Khôn trùng phối hậu đại trung tiên.

(Trời kia xa thẳm, tụ khí anh linh người mẹ
Ngọc Hoàng đầy xuống, trần gian mà lại thành tiên).

Trung cung đền Bà Kiệu. Ảnh NCCong ©2019

Panorama

Di tích lân cận

113 Ba Kieu temple ©NCCông 2011-2019