Miếu Đồng Cổ (Nguyên Xá)
Miếu Đồng Cổ có từ thế kỷ XVIII. Thờ: thần núi Đồng Cổ. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: 2PXR+WC, số 132 đường Cầu Diễn, P. Minh Khai, Q. Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 12km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: đầu ngõ 132 Cầu Diễn trên quốc lộ QL32 (xe 20, 29, 32, 70, 73)
Lược sử
Với vị trí ở cửa ngõ phía tây kinh thành, thôn Nguyên Xá là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng kể từ thế kỷ XI, khi nhà Lý đóng đô ở Thăng Long. Thôn cũng từng được triều đình nhà Nguyễn ban tặng 4 chữ “Thuần phong mỹ tục”, một minh chứng về truyền thống lịch sử và văn hóa ổn định của cộng đồng cư dân nông nghiệp.
- Cổng miếu Đồng Cổ nhìn từ trong. Photo ©NCCong 2018
Vị thần được thờ trong miếu gọi theo sắc phong là “Đương cảnh thành hoàng Giám thệ vương Đồng Cổ sơn thần”. Truyền thuyết dân gian kể rằng vào thời xưa, các tráng sĩ Đan Nê (Yên Định, Thanh Hoá) trên đường ra Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) tụ nghĩa dưới cờ của Hai Bà Trưng đã mang theo bài vị thành hoàng của địa phương mình tức thần núi Đồng Cổ. Khi qua thôn Nguyên Xá thấy có quang cảnh uy nghiêm, trang trọng, họ đã lập miếu thờ bái vọng.
Đầu thời Lý, vua Lý Thái Tổ 李 太 祖 (974–1028) trên đường kinh lý tới địa phận Phương Canh (gần ngã tư Canh bây giờ), voi bỗng bị cắm ngà xuống đất không thể đi được. Vua cho xem xét xung quanh, tới thôn Nguyên Xá gặp ngôi miếu Đồng Cổ bèn vào chiêm bái, voi lại khỏe. Kể từ đó, vua thường lui tới miếu này.
- Tượng voi sau cổng miếu Đồng Cổ. Photo ©NCCong 2018
Truyền thuyết còn kể: Một đêm thần núi Đồng Cổ báo mộng cho vua Lý Thái Tông 李 太 宗 (1000–1054) về âm mưu của 3 ông hoàng Đông Chinh, Dực Thánh, Vũ Đức. Nhà vua tỉnh giấc liền triệu Lê Phụng Hiểu đến bàn gấp rồi sai vị đại thần này dẫn quân xông thẳng tới cửa Quảng Phúc giết chết Vũ Đức, dẹp yên được cuộc nội loạn Tam vương. Sau đó nhà vua hạ chiếu phong thần núi Đồng Cổ làm “Thiên hạ minh chủ thần”, lại gia phong tước vương và quyết định việc triều đình hàng năm cử hành lễ thề trong miếu. Quần thần từ cửa Đông tiến vào quì trước thần vị, thực hiện nghi thức bôi máu rồi thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt”.[1]
Lại có thuyết cho rằng: khi Lý Thái Tông còn là Thái tử được cha sai đem quân đi đánh Chiêm Thành, vào canh ba mộng thấy một bậc dị nhân mặc giáp cầm gươm, xưng là thần núi Đồng Cổ, sẵn lòng giúp đỡ. Thái tử mừng rỡ làm theo lời dặn, quả nhiên thắng lợi. Khi lên ngôi vua Thái Tông định chọn đất ở trong kinh để lập miếu thờ, nhưng chưa quyết định xong, vị thần đó lại báo mộng chỉ chỗ xây dựng. Vua nghe theo bèn cho xây miếu ở bên phải kinh thành, chỗ chùa Từ Ân.
- Cầu vào miếu Đồng Cổ. Photo ©NCCong 2018
Trong các thời kỳ sau đó, ngôi miếu vẫn là một trong những chốn linh thiêng bậc nhất. Năm 1907, chí sĩ Lương Văn Can đã chọn nơi đây làm một phân hiệu của trường Đông Kinh nghĩa thục để giảng bài giác ngộ tinh thần phục hưng. Năm 1947, nơi đây là điểm tập kết của đoàn Cảm tử quân Hà Nội trước khi tiến về Việt Bắc.
Ngày 21-1-1989 ngôi miếu Đồng Cổ ở Nguyên Xá đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.
Kiến trúc
Miếu Đồng Cổ nằm ở đầu làng Nguyên Xá, trên thế đất “quy xà” với gò cao ở giữa, xung quanh có dòng nước uốn lượn. Di tích hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, mở cổng nghi môn kiểu tứ trụ về phía đông nam, bên phải là đường quốc lộ QL32 nối với trung tâm thủ đô Hà Nội.
- Tiền tế miếu Đồng Cổ. Photo ©NCCong 2018
Sau tam quan là tượng đôi voi quỳ chân trước, cùng rập đầu ở hai bên bức bình phong đắp cuốn thư. Có hai chiếc cầu cong nho nhỏ bắc qua ao sen, dẫn vào một sân gạch khá rộng. Toà tiền tế gồm 5 gian lớn, thềm đá cao 5 bậc. Hậu cung kết nối với toà tiền tế thành hình chữ “Đinh”. Sau lần trùng tu mới đây, những công trình đó cùng cả khu vườn và các nếp nhà khác đã làm nên một cụm di tích khá khang trang.
Di sản
Ngôi miếu Đồng Cổ ở Nguyên Xá đang bảo lưu hơn 40 đạo sắc phong. Hiện còn có hai di tích lớn khác thờ thần núi Đồng Cổ ở Đan Nê (Thanh Hóa) và Yên Thái (Bưởi). Linh hồn của mỗi di tích đều là hội thề Đồng Cổ, từng có thời trở thành một sinh hoạt văn hoá và tín ngưỡng quan trọng của cả quan lẫn dân. Về sự tích các miếu thờ thần núi Đồng Cổ đã có nhiều ghi chép trong sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên, “Lĩnh nam chích quái” của Trần Thế Pháp, hay “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên...
Cuối năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá Hà Nội cho khai quật 9 hố thám sát tập trung chủ yếu ở gò đất phía bắc sau miếu. Kết quả tại độ sâu từ 1m đến 1,8m đã tìm thấy dấu tích các lớp kiến trúc, văn hoá, mộ táng thuộc giai đoạn Đông Sơn—Hán, thời Trần, thời Lê... và có thể nhận thấy miếu nằm ở vùng đất tụ cư của người cổ trên các đồi, gò cao ở gần sông Nhuệ và các phụ lưu.
- Hông miếu Đồng Cổ. Photo ©NCCong 2018
Một số nội dung lịch sử có trong các sách và truyền thuyết dân gian được thể hiện khá rõ trong các hố đào. Đặc biệt đã tìm thấy đồ gốm thời Lý và các dấu vết phản ánh sinh hoạt và đống phế liệu cũng chứng minh sự hiện diện của công trình kiến trúc thời Trần ở nơi đây, mặc dù chưa tìm thấy nền, móng do diện tích hố khai quật bị khống chế bởi kiến trúc hiện tồn.
Di tích thời Lê tại các hố đào với sự tập trung các loại hình vật liệu kiến trúc, nhất là số lượng các mảnh ngói lợp đã cho thấy sự tồn tại của ngôi miếu. Đặc biệt, đã tìm thấy các lò nung vật liệu phục vụ cho việc xây miếu, phản ánh phần nào qui mô to lớn của công trình. Di tích thời Nguyễn tại đây được nhận diện rõ hơn với các dấu vết móng ở phía đông và tây.
Trong số hiện vật thì các ngôi mộ đất (giai đoạn Đông Sơn–Hán), mộ lon (thời Trần), mộ vò (thời Lê)... và phế tích lò nung vật liệu thời Lê đều còn khá nguyên vẹn. Lò nung này có cấu trúc khá đặc biệt, hiếm thấy, nên được di dời về Bảo tàng Hà Nội, nơi có điều kiện bảo quản và phục dựng để trưng bày.
- Trong miếu Đồng Cổ. Photo ©NCCong 2018
Di tích lân cận
- Chùa Đình Quán (Bà Bông): thôn Đình Quán, phường Phú Diễn.
- Chùa Nhổn: ngõ 81 Phố Nhổn, phường Xuân Phương.
- Chùa Văn Trì (Bồ Đề): thôn Văn Trì, phường Minh Khai.
- Đình Kiều Nhị: thôn Kiều Mai, phường Phúc Diễn.
- Đình Tu Hoàng: thôn Tu Hoàng, phường Phương Canh.
- Đình Văn Trì: thôn Văn Trì, phường Minh Khai.
Chú thích
[1] Lý Thái Tông cho khắc bài thơ xưng danh thần báo mộng và ban cho đôi câu đối ghi lại công tích của thần núi Đồng Cổ: Các kỳ đức dĩ tôn thần Đồng Cổ chí kim truyền hiển tích / Đại phi hoá chi vị thánh Đan Nê tự cổ bá linh thanh. Vua còn xuống chiếu cấp tiền ruộng, sai dân sửa sang miếu để tổ chức hội “Minh thệ”. Có lẽ đây là hội thề đầu tiên mang tính chất Quốc lễ. Trong Minh thệ ghi rõ: ...trước đây, trải qua ba họ Ngô, Đinh, Lê chưa rõ chính thống, kỷ cương, loạn thần tặc tử cùng đua nhau làm điều thoán nghịch, chưa hết lòng trung. Bây giờ suy tôn thần vương làm chư minh, mọi người đều sợ thần linh thiêng biết trước lòng người chính hay tà, nên chẳng dám manh tâm ăn ở hai lòng.
©NCCông 2013-2014, Dong Co temple