122 Bo De pagoda

Chùa Bồ Đề (Thiên Sơn Tự)

quận Long Biênthời Lê trung hưngsông Hồng

Chùa Bồ Đề có từ thế kỷ XV. Tên chữ: Thiên Sơn Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 2VP8+9M, ngõ 92 Phú Viên, P. Bồ Đề, Q. Long Biên, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 3 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: Đd 21 Bồ Đề (xe 47a)

Lược sử

Ngày xưa, từ Bồ Đề có hai đường thiên lý, một đường đi qua Phú Thị để sang trấn Kinh Bắc; một đường đi qua Như Quỳnh xuống Hải Dương—Hải Phòng, tức quốc lộ QL5 hiện nay. Còn nếu đi dọc đường đê thì có thể xuống làng Bát Tràng. Đoạn sông Hồng có bến Bồ Đề từng được gọi là sông Bồ Đề, sử cũ có ghi việc vua Mạc Mậu Hợp bị chém chết tại bến này năm 1592.

Chùa Bồ Đề nay toạ lạc trên bờ sông Hồng, thuộc đất thôn Phú Viên, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm cũ. Tương truyền chùa được xây trên đất dinh Bồ Đề của Lê Lợi. Vua đóng đại bản doanh ở nơi này để tiện quan sát và chỉ huy chiến dịch bao vây quân Minh do Vương Thông cầm đầu cố thủ trong thành Đông Quan năm 1427.

Chùa Bồ Đề. Photo NCCong ©2014

Dinh được đặt tên là Bồ Đề vì lúc ấy trong khuôn viên có hai cây bồ đề to. Sử cũ còn ghi: “Vua làm lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề trên bờ sông, cao bằng tháp Báo Thiên, hàng ngày ngự trên lầu quan sát vào trong thành xem giặc làm gì”

Bồ Đề cũng đã đi vào trong câu hát đồng dao của trẻ em:
“Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn.”

Tấm bia cổ dựng năm Hoằng Định thứ 15 (1614) đời Lê Kính Tông có chép việc dựng lại chùa và ghi rõ “Đại công đức Bồ Đề” của vua Lê Thái Tổ.

Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng chùa được xây từ cuối đời nhà Trần, trên một gò đất cao gọi là Núi Trời nên mới có tên chữ Thiên Sơn tự. Sau này, do bị chiến tranh tàn phá nên năm 1614, chùa được trùng tu tôn tạo trên nền chùa cũ và công đức khắc in vào hai quyển Pháp Hoa kinh để lưu hành.

Vườn tháp chùa Bồ Đề. Photo NCCong ©2014

Đến giữa thế kỷ XVIII, chùa lại tiếp tục bị chiến tranh huỷ hoại. Năm Giáp Tuất đời Tự Đức 27 (1874), đại sư Thích Nguyên Biểu, tự hiệu Nhất Thiết đại sư (1835—1906) đến trụ trì và ngài đã trùng tu, tôn tạo trên nền chùa cũ gồm thượng điện 5 gian, cho thỉnh thêm tượng Phật mới, chùa Hộ, nhà thiêu hương, nhà Pháp bảo và cổng tam quan.

Đầu thế kỷ XX, chùa Bồ Đề trở thành trung tâm đào tạo tăng ni của thành phố Hà Nội, do Hoà thượng Thích Trí Hải (1906 -1979) đảm trách. Năm 1946, Pháp trở lại xâm lược, trung tâm đã phải dời đi nơi khác. Năm 1951, nước sông Hồng dâng cao, chùa bị lũ lụt gây sạt lở, chỉ còn lại toà thượng điện.

Năm 1971, chùa một lần nữa được trùng tu, kê kích toàn bộ thượng điện, nâng cao nền chùa và xây dựng lại hậu cung phía sau. Sau lại có Hoà thượng Thích Tâm Tịch (1915 -2005) đến trụ trì chùa trước khi trở thành đệ nhị pháp chủ GHPGVN.

Sân chùa Bồ Đề. Photo NCCong ©2014

Với vị trí lịch sử, chùa Bồ Đề đã trở nên nổi tiếng và là một danh thắng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước từ nhiều năm gần đây. Trước sân chùa có bến đỗ dành cho tàu thuyền của những người đến tham quan theo đường thuỷ.

Kiến trúc

Dấu tích cũ của chùa Bồ Đề hầu như chỉ còn ở mấy ngôi mộ. Diện mạo chùa hiện nay chủ yếu hình thành từ những đợt sửa sang và mở rộng từ cuối thế kỷ XX. Năm 1986, chùa cho xây dựng nhà Tổ, hậu liêu, nhà khách, nhà ni, nhà bếp cũng như khu vực nhà ở của các cô nhi. Năm 1999, chùa tiếp tục xây trước tiền đường một lầu bát giác và dựng tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao 3,2m.

Năm 2013 chùa chính được xây lại thành 3 tầng trên nền cũ mở rộng và bỏ đi mái tháp trên nóc hậu cung cũ, tô đúc và đặt tượng vào thượng điện ở tầng hai, tầng dưới thì làm hội trường. Tiền đường nhìn ra sông Hồng hơi chếch về phía tây nam. Kiến trúc chùa chính vẫn giữ theo hình chuôi vồ, bên cạnh việc xây lại toà nhà phía bắc thành 4 tầng. Vườn tháp mộ cũng được sửa sang cùng với những ngôi nhà khác nhỏ hơn ở phía nam.

Chính điện chùa Bồ Đề. Photo NCCong ©2014

Ngày 28 tháng 9 năm 1990 chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCong 2012-2019, Bo De (Gia Lam) pagoda