130 Sui pagoda

Chùa Sủi (Đại Dương Sùng Phúc Tự)

thời Lýsông Đuốnghuyện Gia Lâm

Chùa Sủi có từ thời Lý. Tên chữ: Đại Dương Sùng Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: 2X97+8J, Phố Sủi, xã Phú Thị, H. Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 16 km (hướng 3 h). Trạm bus lân cận: Đối diện Chợ Sủi trên phố Ỷ Lan (xe 52)

Lược sử

Chùa Phú Thị tên chữ là Đại Dương Sùng Phúc Tự, một ngôi chùa cổ của trang Thổ Lỗi, tức hương Siêu Loại. Thổ Lỗi và Siêu Loại là hai cái tên Hán—Việt phiên âm từ “TLủi” và “SLủi” — những âm cổ của làng “Sủi”. Làng này tên chữ là Phú Thị, nằm ở cách thành cổ Luy Lâu chừng 9km dọc theo sông Đuống.

Trong số 50 câu đối cổ còn lưu giữ ở cụm di tích có 3 câu ghi địa danh Thổ Lỗi. Đây là nơi đóng quân xưa kia của Tây vị Đại vương Đào Liên Hoa, một trong 4 tướng quân trụ cột đã theo Đinh Bộ Lĩnh (924—979) dẹp loạn 12 sứ quân. Dân sở tại đã lập đền thờ Đào tướng quân. Sau này ngôi đền trở thành đình và ngài được tôn làm thành hoàng làng Sủi.

Có thuyết nói chùa ra đời từ thế kỷ II khi Phật giáo du nhập qua Luy Lâu, nhưng không rõ năm nào. Sử viết: vua Lý Thánh Tông (1054—1072) về đây cầu tự đã gặp cô gái Lê Thị Khiết (1044—1117), lập làm nguyên phi Ỷ Lan, năm 1066 sinh ngay thái tử Càn Đức.

Chùa Sủi Phú Thị. Ảnh NCCong ©2019

Cha mất sớm, thái tử Càn Đức 7 tuổi trở thành vua Lý Nhân Tông (1072—1127), Ỷ Lan làm thái hậu nhiếp chính. Về già, bà cho xây lại chùa Sủi, hoàn thành năm 1115. Hai năm sau bà qua đời, vua lập đền bên chùa để thờ thái hậu.

Du khách từ trung tâm Hà Nội vượt sông Hồng rồi rẽ phải sang xa lộ AH14 (quốc lộ QL5 cũ), qua khỏi thị trấn Trâu Quỳ rẽ trái vào QL17 đi tiếp 1,5km thì sẽ tới cụm di tích đình-đền-chùa Phú Thị đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 21-1-1989.

Kiến trúc

Cụm di tích toạ lạc trên địa thế cao ráo, rộng rãi và bằng phẳng. Ngõ chùa cùng các cửa của ngôi đền và đình làng đều mở ra sân chung, các gian nhà chính bên trong cũng thông nhau bằng những ngách nhỏ. Năm 2010—2011, khu tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát đã được xây trên một khoảnh đất khá lớn ở giữa chùa và chợ. Đầu năm 2014 đền và đình lại được trùng tu.

Sân chùa Sủi. Ảnh NCCong ©2014

Chùa chính gồm hai tòa nhà liền kề, cùng quay mặt về hướng nam. Toà Tam bảo có kết cấu hình chuôi vồ nối 7 gian tiền đường với 3 gian hậu cung; các cột gỗ đều cao và thon tròn rất đẹp. Dọc sân nhỏ phía sau đình là hai hành lang đối xứng nhìn nhau, ở hai đầu giáp tiền đường lại có hai lầu tám mái, nơi treo chuông đồng và khánh đá. Mỗi hành lang dài 7 gian, bên trong bày tượng các vị Tổ truyền đăng.

Toà nhà Tổ cũng kết cấu theo hình chuôi vồ, hiên thông với cửa ngách mé tây toà Tam bảo nhưng mái thấp hơn, tương xứng với bề rộng chỉ gồm 3 gian 2 dĩ. Các tượng Tổ nhìn ra một sân lớn, có phương đình, tượng đài và cổ thụ che chắn. Bên trái sân này lại có dãy nhà khách và trai phòng, tổng cộng dài 12 gian; phía sau là khu phụ và một hội trường khá hiện đại, nơi tổ chức các buổi lễ hoặc lớp học theo pháp môn Tịnh độ.

Di sản

Chùa Sủi lưu giữ được 73 pho tượng cổ có niên đại tạo tác từ thế kỷ XVII đến XIX. Nhiều pho mang đậm chất dân gian, tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam với phong cách thời Lê, Nguyễn, v.v.. Đáng chú ý là phần trang trí với các mảng chạm rồng tinh tế ở vì kèo. Hiện trong đền ngoài hai bức hoành phi đề chữ Hán “Khôn đức hóa sinh” và “Mẫu nghi thiên hạ” lại có hai vương miện quý hiếm làm bằng đồng.

Trong tam bảo chùa Sủi. Ảnh NCCong ©2014

Chùa có một khánh đá cổ từ đời Vĩnh Thịnh thứ 21 (1725) và một quả chuông đồng lớn treo trên lầu tám mái phía tây mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) thời Tây Sơn, do tri huyện Nguyễn Huy Quynh là người làng đứng ra lo việc đúc. Trang trí trên chuông khá độc đáo, khắc nhiều bài ký bằng chữ Hán, miêu tả cảnh đẹp của chùa và ý nghĩa của việc đúc chuông cùng sự phát tâm công đức.

Trong cụm di tích Phú Thị còn có một nhà bia xây năm 2001, hiện quy tụ được 14 tấm bia (ngoài 2 tấm dựng trước cổng và một tấm ở sau chùa), phần lớn ghi việc công đức. Văn bia “Cúng Phật Sản Bi” ghi niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633) viết về chùa Sủi như sau: “Thực là thắng cảnh bậc nhất của nước Nam vậy, khách vãng lai không ai là không yêu mến”.

Chùa đã được trùng tu vào các năm 1633, 1636, 1701, 1821 với nhiều tăng ni, phật tử trực tiếp tham gia. Văn bia “Thiền sư Huệ Không điền bi” niên hiệu Dương Hoà thứ 7 (1641) chép việc sửa chùa tô tượng của sư trụ trì Nguyễn Văn Quế, giữ chức Tiến công lang Tăng thống ở Ty Tăng Lục. Văn bia “Đại Dương Sùng Phúc Tự Ký” niên hiệu Tân Mão (1711) ghi công sư trụ trì Trần Khánh Thuận hiệu Huệ Lâm v.v..

Nhà thờ Tổ chùa Sủi. Ảnh NCCong ©2014

Trong dịp hội đền Sủi hàng năm vào ngày mồng 3 tháng Ba âm lịch có diễn lại lễ Bông Sòng, tức lễ chúc rượu sứ giả của vua về làng giải oan cho thái giám Nguyễn Bông, người do lời tố cáo vì có mặt tại khu vực nguyên phi tắm mà bị chém đầu ở chợ Sủi. Khi đó Lý Thánh Tông tuổi đã cao mà chưa có con nối ngôi. Vua nhân đến chùa Lỗi Hương cầu đảo đã gặp Ỷ Lan và đón về phong làm phi.

Theo truyền thuyết, vua cùng bà đến Thổ Lỗi vào tiết xuân lập đàn cầu tự ở chùa Đại Dương Sùng Phúc Tự, nơi có sư Đại Điên trụ trì đã đắc đạo. Sư thấy viên quan nội giám Nguyễn Bông có căn mệnh làm vua liền bày cho cách đầu thai làm thái tử. Do lộ chuyện, Nguyễn Bông bị chém nhưng trước đó đã được sư viết chữ "Càn" lên người. Rồi bà Ỷ Lan sinh một bé trai, trên mình có chữ "Càn", Lý Thánh Tông đặt tên là Càn Đức. Sau lên ngôi xưng là Lý Nhân Tông, vua đã cử sứ giả về hương Thổ Lỗi đọc chiếu xá tội cho Nguyễn Bông.

Di tích lân cận

©NCCong 2014, Sui pagoda