133 Ba Ngo pagoda

Chùa Bà Ngô (Ngọc Hồ Tự)

q.Đống Đas.Kim NgưuLê trung hưng

Chùa Bà Ngô có từ thế kỷ XV. Tên chữ: Ngọc Hồ Tự, Minh Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: số 128 Nguyễn Khuyến, 2RHP+GX, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 850 m (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: phố Nguyễn Khuyến (xe 38), Nguyễn Thái Học (02, 18, 23, 32, 34, 38, 45)

Lược sử

Sách “Thăng Long cổ tích khảo” [1] cho biết chùa này được xây vào đời vua Lý Nhân Tông, khoảng năm 1127—1128. Còn theo “La thành cổ tích vịnh” [2] thì tại đây xưa có một gò đất hình tửu hồ (bầu đựng rượu), năm Kiến Gia thứ 8 (1218) vua Lý Huệ Tông cho dựng trên gò một ngôi chùa, đặt tên là Ngọc Hồ Tự (chùa bầu ngọc). Đến thời Lê, một bà vợ thương gia người Hoa giàu có (Ngô khách) đã bỏ tiền ra xây lại chùa và đổi tên thành Minh Phúc Tự, thế gian gọi là chùa Bà Ngô.

Dân sở tại lại giải thích rằng dưới tam quan chùa vốn có một cái giếng không bao giờ cạn, nước dùng làm lễ vật tinh khiết bậc nhất để dâng lên Tam Bảo. Giếng được xây, có nắp đậy và bảo vệ như bầu ngọc quý nên thành tên Ngọc Hồ Tự.

Cổng chùa Bà Ngô. Photo ©NCCong 2015

Chùa đã trùng tu nhiều lần. Trong chùa, trên tấm bia đá “Ngọc Hồ Tự Bi Ký” mang niên hiệu Tự Đức 17 (1865) ghi rõ: Năm Tân Dậu (1861) đã xây mới ngôi nhà Tổ 5 gian, các năm Nhâm Tuất (1862), Quý Hợi (1863), Giáp Tý (1864), Ất Sửu (1865) lần lượt cho tô tượng, đúc chuông và sửa chữa nhỏ. Sau này đến năm Ất Hợi Bảo Đại (1935) chùa được trùng tu lớn nên đã có đôi câu đối, tạm dịch như sau: “Không nhớ tháng Bà Ngô tôn tạo / Chỉ biết năm Bảo Đại khánh thành”.

Năm 1993 chùa Bà Ngô đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chắc chắn cảnh chùa xưa kia thơ mộng, rộng rãi nên mới sinh ra các sự tích như Lê Thánh Tông và Tú Uyên gặp tiên. Khi thực dân Pháp quy hoạch lại HN, chùa phải thu hẹp khuôn viên và di dời tam quan vào sát tiền đường. Tuy vậy Ngọc Hồ Tự vẫn giữ được các hạng mục chủ yếu của kiến trúc Phật giáo với phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Chính điện chùa Bà Ngô. Photo ©NCCong 2023

Tam quan quay hướng nam, xây kiểu gác chuông 2 tầng 8 mái với 8 đầu đao cong vút, cửa giữa phía dưới hầu như đóng quanh năm nhưng có hai cổng bên đủ rộng cho xe lam ra vào. Trên gác treo một quả chuông đồng, đúc năm Canh Dần Thành Thái thứ 2 (1887) và mang dòng chữ "Ngọc Hồ Tự Chung".

Tam bảo gồm tòa tiền đường 3 gian 2 dĩ, tường bên ngoài có gắn hai bia đá; mái hiên bên trong có dạng vòm cuốn mở rộng bằng một vì vỏ cua, là một kiểu kiến trúc ít thấy ở miền Bắc (nhưng phổ biến ở Hội An và Huế) với 2 đầu làm theo kiểu nhà kèn. Tiền đường kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Thiêu hương sâu 4 gian, chính điện gồm nhiều lớp cửa võng, các bệ thờ được xây giật cấp khá cao, đầu ba pho tượng Tam thế Phật gần như sắp chạm nóc.

Nhà Tổ liền nhà khách kéo thành một hành lang, thông vào tam bảo và có cửa sau dẫn sang điện Mẫu. Đó là một dãy nhà gồm hai nóc hình chữ “Nhị”, được xây kiểu “đầu hồi bít đốc”, sâu tới 9 gian, nửa ngoài có hàng hiên mở ra sân trước và sát liền cổng bên tả tam quan.

Gác chuông chùa Bà Ngô. Photo ©NCCong 2015

Di sản

Trong chùa hiện có 35 pho tượng tròn, chủ yếu đặt trên thượng điện. Ngoài những tác phẩm như Tam thế Phật, A di đà tam tôn, Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, Ngọc hoàng Thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, các pho tượng khác được sắp xếp dọc tường nhà thiêu hương là Thập điện Diêm Vương, Bồ Tát và Bà Ngô trong trang phục gần như của Thánh Mẫu.

Trong nhà Tổ, ngoài ban thờ Bồ Đề Đạt Ma và các vị sư trụ trì chùa đã viên tịch, còn có ban thờ đức Văn Xương. Tượng Tổ mang nhiều nét chân dung của phái nữ... Tại điện Mẫu bày tượng các Thánh Mẫu, Ngọc Hoàng và vua Lê Thánh Tông ngồi trên ngai rồng. Tại gian bên là ban thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo cùng 2 gia tướng Yết Kiêu và Dã Tượng. Gian trong cùng có gắn nhiều bia hậu. Ngoài các pho tượng cổ, bia đá, câu đối, chùa đang lưu giữ nhiều bức cửa võng, hoành phi, đại tự, hương án và đồ tế khí quý giá.

Tiền đường chùa Bà Ngô. Photo ©NCCong 2023

Đặc biệt, dọc hai bên cổng chính của chùa có đắp nổi đôi câu đối chữ Nôm, điều rất hiếm gặp tại các chùa ở Hà Nội. Câu đối đó như sau:
“Cuộc doanh hoàn đương củi quế gạo châu, cấp của làm duyên, gọi chút được tròn quả phúc / Chốn thành thị cũng non bồng nước nhược, lên chùa lễ Phật, kìa ai mến cảnh chiền già.”

Chùa Ngọc Hồ còn gắn với truyền thuyết lãng mạn từ thế kỷ XV về lầu Vọng Tiên. Giai thoại văn học kể rằng có lần vua Lê Thánh Tông tới thăm chùa, thấy một người đẹp đang đứng trên gác chuông và ngâm 2 câu thơ: “Ở đây mến cảnh mến thầy / Tuy vui đạo Phật chưa khuây lòng người”.[3]

Vua bèn gặp hỏi chuyện và muốn cùng nàng xướng hoạ. Nàng nhường vua làm trước, lấy đề bằng 2 câu thơ nàng vừa ngâm. Vua làm một bài thơ Đường luật trong đó có 2 câu: “Chày kình một khắc tan niềm tục / Hồn bướm năm canh lẩn sự đời”. Nàng xin phép sửa lại là: “Gió xuân đưa kệ tan niềm tục / Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”. Vua rất phục, mời lên kiệu về cung, nhưng đến cửa Đại Hưng thì nàng biến mất. Vua cho là tiên giáng trần, dựng lầu Vọng Tiên ở đó để tưởng nhớ.[4]

Tượng Phật chùa Bà Ngô. Photo ©NCCong 2023

Một đêm nhà vua mơ thấy Tiên hiện tới tự tình và nói ở nơi kinh thành lâu nay thường xảy ra tai dịch là bởi có con Thạch tinh ở dưới cái ao ngay trước quán, đã hoá ra một con gà bay đi tác quái khắp Kinh thành, phải kịp trừ ngay mới khỏi sinh ra hậu hoạ lớn. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho đào ngay ở giữa ao trước quán sâu tới 3 thước, đất đỏ như máu, thấy một một hòn đá, bèn đập vỡ tan, vứt ra ngoài sông rồi lấp phẳng ao đi. Từ đó kinh thành rất yên ổn.

Truyện "Bích Câu kỳ ngộ" của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm kể rằng có chàng tú tài Trần Uyên một lần ra chơi chùa Ngọc Hồ gặp người con gái đẹp. Tú Uyên làm quen, bàn chuyện văn thơ với cô rất hợp nhưng đến lầu Quảng Văn thì cô biến mất. Tú Uyên ốm tương tư phải đến đền Bạch Mã xin quẻ, được thần báo mộng bảo sáng ra chợ Cầu Đông mà tìm.

Hôm sau ra đó gặp ông già bán bức tranh tố nữ giống hệt cô gái, bèn mua về treo trong nhà, ngày ngày nhìn ngắm, trò chuyện, mời cơm. Sau đó cứ đi học về lại thấy cơm canh đã sẵn. Tú Uyên rình, thấy người đẹp trong tranh bước ra liền giữ lại, xé tranh đi, hỏi tên thì là tiên Giáng Kiều. Hai người nên vợ nên chồng...

Tượng Văn Xương ở chùa Bà Ngô. Photo ©NCCong 2023

Di tích lân cận

Chú thích
[1] 昇 龍 古 跡 考 gồm 30 bài khảo về các danh thắng của Thăng Long và 10 bài thơ vịnh đền Trấn Vũ.
[2] 羅 城 古 蹟 詠, do Trần Bá Lãm 陳 伯 覽 soạn năm Lê Chiêu Thống Mậu Thân (1788); gồm 25 bài thơ vịnh các danh thắng ở La Thành (Hà Nội) kèm theo sự tích liên quan.
[3] Sách “Thăng Long cổ tích khảo” chép bài thơ ấy như sau:
“Bà Ngô phong cảnh xinh thay / Đố ai cắt mối sầu này cho xong / Bao giờ về tới ngự cung / Thì ta sẽ trải tấm lòng cho hay”.
[4] Lầu Vọng Tiên bị dỡ vào thế kỷ XIX khi phá thành Thăng Long để xây lại và được chuyển về số 120B phố Hàng Bông thành đền Vọng Tiên.

©NCCong 2014-2019, Ba Ngo pagoda