160 Trung Tu village hall
Đình Trung Tự
q.Đống ĐaCao Sơn Vũ Lâms.Kim NgưuĐình Trung Tự có từ thế kỷ XVII. Thờ: thần Cao Sơn và công chúa Huệ Minh. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: ngõ 198 Xã Đàn, 2R6Q+R6, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: 242 Xã Đàn, hoặc 101 A2 TT Trung Tự.
Lược sử
Làng Trung Tự vốn thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, nằm ở phía chính nam hoàng thành thời Lê. Cổng làng mở ra đê La Thành, mé phải có chùa Phúc Long và đàn Xã Tắc, mé trái là đền Cao Sơn và chùa Kim Hoa. Sau lưng có hồ Khang Thủy rộng lớn, khi Pháp mở đường QL1A hồ mới bị chia đôi thành hồ Ba Mẫu và Bảy Mẫu.
Đình Trung Tự được xây từ thế kỷ XVII. Từ cổng làng vào đình xưa kia có con đường đi giữa các ao vườn, nay là ngõ 198 Xã Đàn, Q. Đống Đa. Khởi đầu từ một ngôi đền nhỏ thờ thần Cao Sơn[1] và Huệ Minh công chúa, sau mở rộng thành đình. Trong đình còn có sắc phong vị phúc thần là Đại vương Nguyễn Hy Quang (1634—1692). Đình đã được tu sửa nhiều lần và định hình vào thập niên 2010.
Ngày 23-6-1992, đình Trung Tự được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Giếng đình Trung Tự. Ảnh ©2014 NCCong
Kiến trúc
Cổng đình Trung Tự làm kiểu nghi môn tứ trụ. Sân đình nay bị thu hẹp nhưng vẫn đủ chỗ làm bàn cờ người, thường chơi trong những ngày hội làng vào dịp rằm tháng ba âm lịch hàng năm.
Đại đình 5 gian, gian giữa treo bức hoành phi chạm rồng chầu mặt nguyệt và 4 câu đối gắn trên 4 cột sơn son thếp vàng, tiếp đến là bức hoành phi thứ hai và án thư gỗ từ thế kỷ XVII chạm hình hổ phù tứ linh. Tại các gian bên có đặt chuông, trống, đôi ngựa gỗ, các cỗ kiệu và đòn khiêng.
Ở chính điện có một bộ long ngai kiểu thời Mạc với hai đầu rồng quay vào trong là thứ rất hiếm. Lại có những đồ quý khác như bức chạm quần long tụ hội và chiếc mõ cá dài 193cm với chu vi khoang bụng 110cm. Gian thứ hai chính điện có bộ cửa giữa rộng 4 cánh, phía trên là bức hoành phi thứ ba “Chiêu điện thiên cổ”.
- Trong đình Trung Tự. Ảnh ©NCCong 2015
Trên cửa hậu cung bên trái có bức đại tự “Trang nghiêm”, bên phải là “Tĩnh túc”. Trong cung xây bệ, trên để long án bằng gỗ sơn son thếp vàng. Ở giữa đặt ngai thờ, tay ngai chạm rồng tinh xảo, sau lưng có con rồng bay ra, hai bên gồm 6 trụ đứng, đế hình chân quỳ, 4 góc chạm hình đầu cá chép… Trên ngai xếp bài vị sơn son thếp vàng, đỉnh chạm lưỡng long triều nguyệt, xung quanh chạm trổ mây cuộn có hai đầu rồng vươn lên.
Di sản
Trải qua nhiều thế kỷ, khuôn viên đình thu hẹp dần sau những biến cố lịch sử. Văn chỉ đã bị chiếm mất, giếng Ngọc cũng chỉ mới được xây lại gần đây. Tuy nhiên trong đình vẫn giữ được nhiều cổ vật, đáng kể là 2 tấm bia đá và 10 câu đối. Có đôi câu đối đầy khí phách “Khang thuỷ La thành vượng khí bán phần Long Đỗ thắng / Âu phong Á vũ sùng từ trường đối Tản Viên phong”, tạm dịch: Hồ Khang (Thuỷ), thành (Đại) La, khí vượng bằng nửa phần cảnh đẹp Long Đỗ / Gió Âu, mưa Á, đền thiêng sánh lâu dài đỉnh núi Tản Viên, dường như của Nguyễn Hữu Cầu (1879—1946), trưởng ban tu thư trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
- Sân đình Trung Tự. Photo ©NCCong 2015
Độc đáo nhất là bia hộp “Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt” (Mốc địa giới thôn Trung Tự, phường Đông Tác), trước kia đặt ở Văn chỉ. Lời mở đầu văn bia do Tư nghiệp Quốc tử giám là Hoàng giáp Nguyễn Trù (1668—1738) soạn ngày 2 tháng 6 Quý Sửu, năm Long Đức 2 (1733), đúng 60 năm sau khi dân làng Trung Tự kiện để đòi lại đất đai bị quân doanh chiếm. Hai mặt bia chép các văn bản liên quan vụ kiện, dưới 700 chữ, trên 600 chữ, úp vào nhau thành một hộp triện vuông, mỗi cạnh rộng 76cm, thân cao 50cm, nắp dày 18cm, được coi như cuốn “sổ đỏ” bền chắc độc nhất vô nhị ở Thăng Long.
Bia thứ hai tên là “Di ái bi”, do Giải nguyên Nguyễn Thành Thể (đích tôn của Giải nguyên Nguyễn Hy Quang) soạn năm Tân Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 (1741). Lại có đôi câu đối do tiến sĩ Nguyễn văn Lý (1795—1868) soạn: “Dự Trinh tảo khế tiên thiên cát / Đỉnh Lợi tùng khai hậu thế xương”, tạm dịch: Duyên hợp Dự Trinh, phúc lành hưởng từ kiếp trước / Mở theo Đỉnh Lợi, hiền tài nối mãi đời sau[2]
- Cây thị đình Trung Tự. Ảnh ©NCCong 2022
Tại góc sân có một cây thị mấy trăm năm tuổi mà vẫn đứng sừng sững, cành lá xum xuê. Trong hốc cây từng cất giấu tài liệu cách mạng của Việt Minh. Vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm, dân làng làm lễ tế các bậc tiên hiền. Cây thị thuộc loại “thất tuyệt” tức có 7 điều quý: chịu hạn, tuổi thọ cao, tán rộng, không có tổ chim, gỗ làm ván in, quả thơm để cúng, vỏ làm thuốc chữa bệnh.
Panorama
Di tích lân cận
- Chùa Mỹ Quang: 2R8Q+RM, số 63 ngõ Chùa Mỹ Quang.
- Chùa Phụng Thánh: 2R8P+WP, số 360 phố Xã Đàn.
- Chùa Trung Tự (Phúc Long Tự): số 46 phố Đê La Thành.
- Đền Cao Sơn, đình Kim Liên: số 148 phố Kim Hoa.
- Đình Thổ Quan: 2R8M+9X, số 215 ngõ Thổ Quan.
- Đình Trung Kính: 2R8Q+QM, số 63 ngõ Chùa Mỹ Quang.
160 dinh Trung Tu ©NCCông 2014-2019
[1] Nhiều làng ở phía nam kinh thành cũng thờ thần Cao Sơn. Theo văn bia trong đình Kim Liên do Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám Tế tửu Lê Tung soạn năm 1510, thần đã âm phù giúp hoàng thân Lê Oanh lên ngôi nên vua cho xây một đền thờ to đẹp tại phường Kim Hoa.
[2] Ông nghè Lý dùng một số chữ trong Kinh Dịch để nhắc con cháu noi gương thuỷ tổ họ Nguyễn Đông Tác vốn làm “nghề nung đúc”. Dự Trinh là sự hòa thuận vui vẻ mà thành đạt lâu dài, cái đích của mọi việc; Đỉnh Lợi là nung nấu, nuôi dưỡng, tôi luyện vững bền mà được lợi thích đáng, hợp lòng người. Quẻ Dự trên là Lôi, dưới là Khôn; quái tượng như sấm đầu xuân, kích thích muôn vật sinh ra cuộc sống mới, đẹp. Quái đức “Thuận dĩ Động”, chủ về sự hòa lạc, thuận nhân tâm. Đỉnh vốn dùng để nấu và đựng đồ ăn cúng tế, tượng trưng cho sự bền vững (“vạc ba chân”) và dưỡng hiền (rèn luyện nhân tài, gây dựng cái mới).