164 Keo pagoda

Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm Tự)

huyện Gia Lâmsông ĐuốngTứ Pháp

Chùa Keo có từ đầu thế kỷ XVII. Tên chữ: Báo Ân Trùng Nghiêm Tự. Thờ: Pháp Vân (Bà Keo). Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 2XGR+PH, thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, H. Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 18km (hướng 3h). Trạm bus lân cận: Chợ Keo trên QL17 (xe 52)

Giới thiệu

Du khách khởi hành từ Hồ Gươm qua sông Hồng sang Gia Lâm (6km) rẽ phải xuôi theo quốc lộ QL5 khoảng 9km lại rẽ trái vào quốc lộ QL17 rồi đi tiếp 5km thì đến chùa Keo. Cổng tam quan nhỏ nhưng dễ thấy vì ở ngay ven đường, phía sau chùa lại có một ngọn tháp cao. Xa hơn nữa 6km về hướng đông có ngôi chùa Dâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là Di tích quốc gia đặc biệt và nơi thờ chính của nữ thần Pháp Vân.

Chùa Keo có tên chữ là “Báo Ân Trùng Nghiêm Tự”, cũng thờ nữ thần Pháp Vân như chùa Dâu nhưng đã được địa phương hoá thành bà Keo. Chùa toạ lạc trên đất làng Chè (tức thôn Cổ Giao hay Giao Tự), nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Mặt chùa quay về hướng nam, cách tam quan chừng 100m là nghè Keo và chợ Keo ở phía bên kia đường QL17, còn sau lưng chùa chừng 500m là đình Giao Tự ở ngoài đê sông Đuống.

Tháp chùa Keo. Photo NCCong ©2014

Từ trước đến nay cả làng Chè và làng Keo (tên chữ: thôn Giao Tất) chỉ có chung một ngôi chùa này. Tên Keo theo truyền thuyết có ý nghĩa rằng hai thôn Giao Tự và Giao Tất kết dính với nhau chặt chẽ như keo sơn. Nơi đây vốn có hai nghề truyền thống là nấu keo dán bằng da trâu và làm vàng điệp để sơn son thếp vàng. Hàng năm trong dịp hội làng Keo nhân dân vẫn tổ chức lễ rước kiệu thành hoàng từ đình lên chùa.

Theo truyền thuyết chùa được xây từ đầu công nguyên, sau khi chùa Dâu ra đời. Chắc chắn thì chùa đã trải qua hơn 4 thế kỷ, những lần trùng tu lớn còn được ghi rõ trên các tấm bia cổ có niên đại 1611, 1638, 1787... Trải qua nhiều cuộc chiến và biến động xã hội, sách sử trong chùa không còn.

Mặt trước tiền đường chùa Keo. Ảnh ©2014 NCCong

Ngày 21-06-1993, chùa Keo được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Khám thờ chùa Keo. Ảnh NCCong ©2014

Năm 1995, Thành hội Phật giáo Hà Nội bổ nhiệm Đại đức Quảng Thiện làm sư trụ trì.

Kiến trúc

Trong kháng chiến chống Pháp chùa Keo bị hư hại nặng vì bom đạn giặc, cho nên từ năm 1953 đến gần đây đã được trùng tu vài lần nhưng không còn nguyên vẹn như cũ. Xưa kia trước chùa là một cầu đá rồi đến tam quan 2 tầng 8 mái đồ sộ với bia đá to ở hai bên. Hiện nay chỉ có một cái cổng đơn giản gồm một cửa sắt lớn ở giữa hai cửa nhỏ hẹp, bên trên và dọc cột gạch có các chữ Hán đắp nổi bằng vữa.

Một con đường lát bê-tông đưa khách từ tam quan đi thẳng đến bàn sửa lễ bằng đá nguyên khối rồi tới sân gạch khá rộng của tiền đường. Ta thấy ở ngay rìa thảm cỏ bên phải có một tấm bia cổ và cuối sân là thềm rồng đá rất rộng với 5 bậc dẫn lên các cửa vào thượng điện đặt bên trong một toà nhà được xây theo chiều dọc như kiểu đình làng Yên Phụ.

Bia cổ và tượng Bà Keo. Ảnh ©2014 NCCong, chitto

Mặt bằng ngôi chùa chính là một biến thể của kiểu kiến trúc “nội Công, ngoại Quốc”. Quay mặt vào tiền đường có hai dãy hành lang tả hữu xây thấp hơn, nơi đây bày tượng các vị La Hán và Kim Cương. Trước mỗi hành lang là lối đi nhỏ hẹp dẫn lên bậc thềm khá cao của toà trung đường rộng 5 gian. Trong hậu đường có một toà tháp tam phẩm mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.

Chùa trong gồm có nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, nhà Tăng và khu phụ. Ngõ vào chùa trong chạy song song với lối vào chùa chính nhưng đi dọc theo hàng dừa ven bờ một hồ nước dài hình chữ nhật. Trong sân sau có giá treo quả chuông to, bên phải là một vườn tháp mộ khá lớn, đối diện là ngọn tháp hình lục giác nhô lên cao làm điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của chùa Keo.

Di vật

Chùa có tất cả 47 pho tượng Phật giáo, phần lớn mang phong cách nghệ thuật của các thế kỷ XVII, XVIII. Đáng lưu ý pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn đặt ở gian bên phải toà tam bảo là một tác phẩm của thế kỷ XVII và tượng nữ thần Pháp Vân hay bà Keo mặt đỏ được đặt sâu trong khám thờ ở hậu cung của thượng điện là từ thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn có các tượng mới tô, chủ yếu được bày ở toà tiền đường và toà tam bảo.

Bên cạnh hệ thống tượng, chùa Keo hiện còn giữ được 6 bia đá cổ, trong đó tấm bia ghi niên hiệu Hoằng Định 15 (năm 1615, đời vua Lê Kính Tông), một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh (1794, thời Tây Sơn), một khánh đồng, 8 đạo sắc phong cùng nhiều đồ thờ tự, nhiều mảng chạm mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê.

Di tích lân cận

©NCCông 2014, Keo pagoda