168 Thien Nien pagoda
Chùa Trích Sài (Thiên Niên Tự)
Champaq.Tây HồLê trung hưngChùa thôn Trích Sài còn gọi là chùa Soài, có từ đầu thế kỷ XVIII. Tên chữ: Thiên Niên Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 3R65+VQ, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 6,6 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: 312 Lạc Long Quân (xe 13, 25, 55a, 55b, 90)
Lược sử
Chùa toạ lạc ven bờ tây Hồ Tây tại nơi giáp ranh hai ngôi làng cổ của Kẻ Bưởi là Trích Sài và Xuân La. Thời Lý—Trần, vùng Bưởi thuộc phủ Ứng Thiên bên ngoài thành Thăng Long. Thời Hậu Lê, đổi là phủ Phụng Thiên. Năm 1805 dưới đời vua Gia Long, phủ Phụng Thiên đổi thành phủ Hoài Đức (khác huyện Hoài Đức của trấn Sơn Tây). Năm Minh Mệnh 12 (1831) phủ Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Nội mới lập; ngày 6-12-1904 cắt về tỉnh Hà Đông, năm 1942 lại nhập vào Hà Nội.
Đời Hồng Đức (1470—1497) một cung phi do vua Lê Thánh Tông mang về từ cuộc chinh phạt vương quốc Champa[1] là Phạm Thị Ngọc Đô đã cùng 24 thị tỳ rời kinh thành ra sống ở ven Hồ Tây. Vua ban cho họ 80 mẫu đất thôn Trích Sài để lập trang Thiên Niên, ý muốn được bền vững lâu dài. Tương truyền các bà đã khởi dựng chùa tại trang Thiên Niên và dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lĩnh cho dân địa phương.
- Tiền đường chùa Thiên Niên. Photo ©NCCong 2012
Đến đời vua Minh Mệnh trị vì (1820—1841), chùa thôn Trích Sài được xây lại và đặt tên chữ là “Thiên Niên Cổ Tự”. Năm 1893 chính thức có sư trụ trì. Trong chùa hiện còn một tấm bia đá ghi niên hiệu Vĩnh Thịnh 5 (1709) là minh chứng xưa nhất cho thấy di tích ít ra cũng đã tồn tại từ thời Lê trung hưng.
- Mặt ngoài tam quan mới. Panorama ©NCCong 2014
- Chùa Thiên Niên nhìn từ phố Vệ Hồ. Panorama ©NCCong 2014
Đầu thế kỷ XXI, chùa được cấp kinh phí trùng tu nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long—Hà Nội. Tiếp theo, sư trụ trì cho xoay hướng một số công trình kiến trúc và sắp xếp lại mặt bằng xây dựng trong khuôn viên. Tam quan cũ đã bị đập bỏ hoàn toàn, xung quanh chỗ đó nay là một khu vườn rộng. Dãy tường dài của chùa xây cao nhưng vẫn có thể nhìn thấy mái toà Tam bảo và các ngọn tháp từ ngoài phố Vệ Hồ, con đường mới đặt tên vào ngày 9-12-2011 sau khi UBND TP Hà Nội cho làm kè bao quanh Hồ Tây.
- Bên trong chùa Thiên Niên. Ảnh NCCong ©2012
Kiến trúc và di vật
Tam quan mới xây khá đồ sộ và mở về hướng tây ra đường Lạc Long Quân. Sau cổng có một sân dài chạy thẳng về hướng đông, bên trái là khu vườn thứ hai. Bên phải cổng có nhà thờ Mẫu cũng mới xây, gồm hai toà nhà 5 gian 2 dĩ nằm song song với nhau thành hình “chữ Nhị”. Trước mặt là một sân rộng áp vào hậu cung 3 gian dọc kết nối với tiền đường 5 gian 2 dĩ theo hình “chữ Đinh”. Chùa chính khi xây lại đã đổi sang hướng đông, nhìn qua sân và vườn ra Hồ Tây. Bên trái là một sân khác và toà nhà Tổ 5 gian, vẫn quay về hướng nam như cũ. Sau lưng nhà Tổ có một khu vườn với 8 ngôi tháp mộ.
Chùa hiện bảo lưu 34 pho tượng tròn, niên đại từ thế kỷ XVIII đến XX. Lại có 7 bia đá, tấm cổ nhất dựng vào năm 1709. Tấm bia “Hoàn Long Trích Sài Thiên Niên tự bi ký” dựng ngày 23 tháng Giêng năm Tân Sửu (1901) đời vua Thành Thái do nhà sư Phan Văn Tựu soạn thảo cho biết vào cuối đời Lê, có quan Thái bảo Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn đã giúp tu sửa chùa và cúng ruộng hậu; ở ban thờ bên trái trong nhà Tổ có tượng của ngài.
- Hậu đường chùa Thiên Niên ©2012 NCCong
Ở chính điện có treo đôi câu đối chữ Hán, tạm phiên âm và dịch như sau: Tiền tu Bát Tháp di tung phế dã tất hữu hưng Lãng Bạc hồ đầu khôi Tịnh độ / Hậu khởi Thiên Niên hiển xướng tân chi dĩ tồn cựu Sài Trang địa diện ngật linh khu (Trước sửa sang dấu lưu Bát Tháp, phế nhưng ắt lại chấn hưng, hồ Lãng Bạc tinh khôi cõi Phật / Sau dựng nên hiển tích Thiên Niên, mới mà vẫn còn giữ cũ, trang Trích Sài sừng sững đất thiêng).
Truyền thuyết
Văn bia khắc trên tấm bia đá dựng năm 1901 có thuật lại huyền tích về ba vị công chúa thời Tiền Lý đã diệt trừ con cáo 9 đuôi ở Hồ Tây và được thờ ở am Gia Hội. Trích Sài có nghĩa là đốn củi. Xưa kia rừng rậm bao quanh Hồ Tây, ngoài việc kiếm củi và săn bắn, dân làng thường làm nghề đánh cá và bắt trai, ốc, hến, tôm, cua. Sân đình có đôi rồng đá, tương truyền do dân làng rước về từ hoàng thành khi Thăng Long bị binh hỏa. Cũng như tại đình Võng Thị, tại đình Trích Sài có thờ Mục Thận làm thành hoàng làng[2].
- Cổng mới chùa Trích Sài, nhìn từ trong. Ảnh: hungda ©2012
Di tích lân cận
- Am Gia Hội (đền Thọ Phúc Lộc): số 219 phố Trích Sài.
- Chùa Quán La (Khai Nguyên Tự): ngõ 38 Xuân La.
- Chùa Tảo Sách (Linh Sơn Tự): số 386 phố Lạc Long Quân.
- Chùa Vạn Niên: số 364 phố Lạc Long Quân.
- Đền Sóc Xuân La: Xuân La, Xuân Tảo.
- Đình Quán La: ngõ 38 Xuân La.
CHÚ THÍCH
[1] Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trước nạn Vương quốc Champa thường xuyên xâm lấn châu Hoá, năm 1471 vua Lê Thánh Tông thân chinh dẫn quân nam tiến. Tháng 3 chiếm kinh đô Chà Bàn (Vijaya), bắt vua Trà Toàn và hơn ba vạn tù binh. Tháng 6 sáp nhập lãnh thổ phía bắc Champa, đổi tên thành thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa.
[2] Mục Thận: thành hoàng làng Võng Thị bên cạnh làng Trích Sài, theo thần tích vốn là ông đánh cá đã quăng chài bắt thái sư Lê Văn Thịnh để cứu vua Lý Nhân Tông trên hồ Dâm Đàm.
©NCCong 2012-2014, Thien Nien pagoda