174 Long Bien bus station

Bến xe Long Biên - Đông Bộ Đầu

quận Ba Đìnhtrạm, gaxe buýt

Đông Bộ Đầu là bến sông Hồng ở Thăng Long nơi nhà Trần thắng quân Nguyên năm 1258. Đầu thế kỷ XX bãi đê nơi phố Yên Phụ giáp Hàng Đậu trở thành bến Nứa rồi bến xe Long Biên. Vị trí: 2RRX+HM, phố Yên Phụ, P. Nguyễn Trung Trực, Q. Ba Đình, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 1km (hướng 11h). Trạm bus lân cận: Điểm trung chuyển Long Biên (xe 01, 04, 08, 08a, 08act, 08b, 08bct, 10a, 10b, 14, 17, 18, 22a, 23, 24, 31, 34, 36, 36ct, 41, 47, 50, 54, 55a, 55b, 58, 86, 86ct, 98, 100)

Lược sử

Nơi đây hơn trăm năm xưa từng là một bãi đất dài ven đê, chất chứa những bó tre nứa và đống gỗ cây từ dưới sông Hồng đưa lên bày chợ để bán, vì thế mới thành tên Bến Nứa. Hồi đó khúc sông này cũng bắt đầu đổi dòng về phía Gia Lâm và gần đây lại hạ mực nước sau khi có đập thuỷ điện Hoà Bình, nên vùng đất bồi dần dần đô thị hoá, xoá đi dấu vết thuyền bè. Nhưng trước nữa nhiều thế kỷ thì đó là bến Đông Bộ Đầu, cái tên hào hùng ngày 29-1-1258 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt với trận đánh thắng quân Nguyên và giải phóng kinh thành Thăng Long thời Trần.

Thực dân Pháp chiếm Hà Nội năm 1882, rồi đặt tên Digue Yen Phu cho con đê Yên Phụ và Quai du Commerce cho đoạn phố Trần Nhật Duật bây giờ, dân ta xưa gọi là phố Bờ Sông. Cầu xe lửa Paul Doumer xây xong vào năm 1902 nhưng mãi đến năm 1936 mới có thêm 2 làn phụ cho ô tô. Thế là ra đời liền dịch vụ ô tô chở khách ở đầu cầu đi các tỉnh phía bắc sông Hồng. Từ chỗ chỉ có vài chiếc xe ca, dần dần khách đông hơn và nơi đây trở thành một bến xe, lấy luôn tên cũ Bến Nứa.

Bến xe Long Biên đầu thế kỷ XX. Panoramio

Đầu năm 1945 BS Trần Văn Lai thị trưởng người Việt đầu tiên của Hà Nội đã đổi tên Pont Doumer thành cầu Long Biên. Cuối 1954 bến xe khách phía đông của thành phố chính thức có tên là bến Long Biên, nhưng dân gian vẫn quen gọi theo địa danh cũ Bến Nứa. Các bến xe khác cũng vậy: bến xe phía nam lấy tên làng Kim Liên và bến phía tây lấy tên làng Kim Mã.

Lúc đó ranh giới giữa bến Long Biên với phố Yên Phụ được rào kín, kể từ chỗ đối diện dốc Hàng Than đến chỗ giáp đường dẫn lên cầu, đối diện đầu phố Hàng Đậu. Bến mở 2 cửa lớn cho xe ra vào và chỉ có một ngôi nhà ngói rộng cho hành khách đến mua vé và đợi xe. Bến hẹp về chiều ngang nên các xe khách phải đỗ thành một dãy dọc đê.

Đoàn xe Long Biên của Xí nghiệp Xe khách Thống Nhất đặt văn phòng ngay tại bến vì lúc ấy phải quản lý hơn 20 tuyến đi các huyện ngoại thành và 9 tuyến liên tỉnh; nối với Đông Anh, Phổ Yên, Đại Độ, Xuân Hoà, Bắc Ninh, Mẹt, Sặt, Gia Lương, Thiên Thai, Việt Trì, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và Hòn Gai (Quảng Ninh).

Xe chở khách thường mang nhãn hiệu Ba Đình, thực ra là xe tải hạng nhẹ của hãng IFA, nhập khẩu đầu máy cùng chassis từ Cộng hoà Dân chủ Đức rồi đóng vỏ lắp ghế tại Nhà máy ô tô Hoà Bình và Xí nghiệp đóng xe ca Hà Nội.

Bến Nứa giữa thế kỷ XX. Panoramio

Bến Long Biên hồi đó là lớn nhất trong 3 bến xe nội thành. Trong những dịp lễ, Tết có ngày đông đến vài vạn lượt khách. Xe chở khách ở đây chủ yếu là của Đoàn xe Long Biên, tuy các tỉnh khác có tham gia nhưng lượng xe không nhiều. Đoàn thường phải giao ban tại văn phòng xí nghiệp ở 17 Hàng Đậu để nắm tình hình của cả thành phố rồi tổ chức bán vé và huy động xe ngay trong ngày để chuyên chở cho hết lượng khách chờ đi từ Hà Nội.

Nhằm giảm ách tắc giao thông sau khi có cầu Chương Dương, theo quyết định của UBND tp Hà Nội năm 1987 bến xe khách Long Biên chuyển sang Gia Lâm, gọi là bến xe phía Bắc. [Năm 1993 bến xe Kim Liên chuyển xuống Giáp Bát, gọi là bến xe phía Nam, tại bến cũ mọc lên khách sạn Nikko. Năm 2005 đến lượt bến xe Kim Mã chuyển xuống Mỹ Đình và lấy tên BX Mỹ Đình]. Bến xe mới được xây khá lớn để đảm nhiệm chức năng như bến cũ. Nhiệm vụ trung chuyển do xe bus thực hiện nhưng lúc đó xe bus không nhiều và chưa có điểm dừng đỗ cố định như bây giờ, khiến cho hành khách mỗi khi đi xa lại lo lắng.

Ngày 10-3-2009 Trung tâm Quản lý Điều hành Giao thông Đô thị thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội đã khai trương một bến xe bus hiện đại tại vị trí của bến xe khách Long Biên cũ. Đây thực chất là một điểm trung chuyển dài 85m, rộng trên 50m, có thể tiếp nhận 3.000 xe bus/ngày và hàng vạn lượt khách, với 6 khoang đón trả khách và 4 làn đường chạy. Tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 400.000 euro, do Uỷ ban EC (Cộng đồng châu Âu) cùng Tỉnh Ile-de-France (Pháp) và Thành phố Hanover (Đức) tài trợ.

Bến Long Biên cuối thế kỷ XIX

Hiện tại và tương lai

Theo blogger Chu Đức Soàn, bến xe bus Long Biên ngày nay đối với người sử dụng đã khang trang và thuận tiện hơn nhiều so với bến xe khách ngày xưa. Điểm trung chuyển xe bus này được nối thẳng với ga xe lửa gần đó, lại có chỗ dừng taxi và chỗ gửi xe đạp, xe máy. Bến tàu du lịch và vận tải trên sông Hồng cũng không xa. Với vị trí như vậy Long Biên đã trở thành bến xe lớn thứ nhì ở nội thành, chỉ sau BX Cầu Giấy.

Được biết UBND TP Hà Nội đồng ý cho bịt lại đoạn đường từ cửa chợ Long Biên ra đầu phố Hàng Đậu để xây điểm trung chuyển xe bus lớn hơn. Sở GTVT còn nghiên cứu mô hình vận chuyển bằng xe bus nhanh (BRT) và tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo một loạt các điểm trung chuyển xe bus tại các bến Kim Mã, Mỹ Đình, Sơn Tây, Phùng, Liên Ninh, Thường Tín, Hà Đông và Ba La. Các điểm trung chuyển như thế giúp cho hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội ngày càng văn minh và hiện đại, với quy mô phát triển nay đã vượt trên 1000 xe phục vụ hơn 70 tuyến xe bus.

Di tích lân cận

©NCCong 2012-2015, Long Bien bus station