185 La Khe community hall and Bia Ba temple

Đình La Khê, đền Bia Bà

sông NhuệLê trung hưngq.Hà Đông

Đình La Khê có từ đầu thế kỷ XVII. Thờ: Hắc Diện đại vương và Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: XQ96+VF, phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 13km (hướng 7h30). Trạm bus lân cận: 405-407 Quang Trung, hoặc KĐT An Hưng - Tố Hữu.

Lược sử

Đình làng La Khê (trước 1591 là La Ninh) thờ Hắc Diện đại vương và Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa là hai vị thần đã giúp dân trừ ác và đào ngòi nối sông Nhuệ với sông Đáy để vùng này trở nên trù phú. Con ngòi được đặt tên là Phúc Khê và ngôi chùa xây ven ngòi có tên Phúc Khê Tự, dân quen gọi là chùa Ngòi.

Trong đình bảo lưu bia Thánh sư, khắc chuyện thời nhà Minh có 10 vị họ Lý, Trang, Trần đến làng này dạy dân làm nghề dệt the lụa. Về sau, triều đình nhà Nguyễn đã gia phong cho 10 vị tổ nghề này là “Dực Bảo Tôn Thần”.

Tam quan nội đình La Khê. Photo ©NCCong 2014

La Khê có danh tướng Trần Chân và con là Trần Lực bị vua Lê Chiêu Tông giết năm 1518, an táng gần chùa Ngòi. Mấy năm sau họ được minh oan, truy phong tước Dũng quận công cho cha và tước bá cho con. Năm 1527, con gái Trần Chân là Trần Thị Hiền 16 tuổi được chọn làm thứ phi của Mạc Đăng Doanh.

Năm 1530, Doanh lên ngôi Mạc Thái Tông (1530-1540), bà được phong Đệ nhị cung. Năm 1532, bà sinh hoàng tử thứ 5. Năm 1538, bà mắc bệnh hậu sản phải về quê nghỉ dưỡng và qua đời năm ấy. Vua vô cùng thương tiếc, cho dựng bia và an táng tại cánh đồng Đa Bang. Năm 1539, quan Tả Thị lang Bộ Lễ Nguyễn Tiến Thanh và Hiệu lý Viện Hàn lâm Bùi Hoằng đã đồng soạn văn bia cho lăng mộ bà.

Chính điện đền Bia Bà. Photo ©NCCong 2014

Bia này trải gần bốn thế kỷ đứng ở ngoài đồng, đến năm 1913 mới bị đổ do đất lún. Một người không rõ tên tuổi đã sao chép văn bia và đưa vào cuốn thần phả của làng. Ít lâu sau bia được dựng như cũ. Đến thập niên 1980 bia lại đổ, dân làng đưa về sân đình. Theo nguyện vọng của nhân dân, Ban quản lý di tích làng La Khê đã hưng công dựng đền thờ Bà ở ngay bên phải sân đình và đặt bia vào trong.

Kiến trúc

Trải qua nhiều thế kỷ đầy chiến tranh và biến động xã hội, ngôi đình La Khê không còn nguyên vẹn. Hình thức thiết trí xưa kia khá đơn giản, thiên về bào trơn đóng bén đấu vuông, không có nhiều hoa văn. Các bức tường, cột hiên được xây bằng gạch Bát Tràng miết mạch to, đầu hồi bít đốc. Các bộ vì làm kiểu "tiền kẻ hậu bẩy, giá chiêng chồng rường con nhị".

Đền và đình La Khê. Photo ©NCCong 2014

Năm 1997, dân làng La Khê khởi công trùng tu tòa đại bái 7 gian. Năm 2002, tiếp tục sửa sang hai tòa trung cung và hậu cung. Tòa đại bái và trung cung xây theo hình chữ “Nhị”, toà hậu cung có kết cấu hình chữ “Đinh”. Tất cả nội thất đều được trang hoàng rực rỡ.

Khuôn viên khu di tích ngày nay rộng khoảng 8000m2. Du khách từ đường làng bước vào cổng rồi đi theo con ngõ rộng ven nguyệt hồ qua phương đình sẽ đến một sân dài, trước mặt là nghi môn đình, bên phải sân là chùa Diên Khánh. Ngôi đền ở bên tay trái, toà tiền tế 5 gian xây kiểu 2 tầng 8 mái, phía trước để mở giống như đình. Tiền tế, trung cung và hậu cung đền xếp thành hình hình chữ “Tam”.

Hậu cung đình La Khê. Photo ©NCCong 2014

Phía trong sân đình còn có “Bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của Tòa án nhân dân tại Bắc Bộ”.

Di sản

Hiện nay trong đình còn giữ được khá nhiều cổ vật như án gian, hương án, kiệu, hoành phi, câu đối, v.v.. Tại tòa trung cung đặt hai cỗ long ngai, bài vị của nhị vị thành hoàng được tạo tác công phu, tỉ mỉ. Ngoài hai tấm bia Bà và bia Thánh sư, lại có 28 đạo sắc phong của vua chúa các triều đại xưa. Nơi đây càng nổi tiếng linh thiêng từ khi tấm bia Bà được chuyển đến và đặt trong ngôi đền thờ Bà. Hội đình làng La Khê được tổ chức hàng năm từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch.

Bia Thánh sư đình La Khê. Photo ©NCCong 2014

Năm 1988, đình La Khê được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

(185 dinh La Khe, den Bia Ba ©NCCông 2014-2024)