195 Hoang Mai pagoda

Chùa Hoàng Mai (Nga My Tự)

sông Sétnhà Trầnq.Hoàng Mai

Chùa Hoàng Mai có từ cuối thế kỷ XV. Tên chữ: Nga My Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: ngõ 129 Hoàng Mai, XVR2+6W8 Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 4,6 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: 64 Trương Định (xe 36), 171 Minh Khai (03b, 19, 24, 26, 36, 38, 52).

Lược sử

Chùa làng Hoàng Mai tên chữ là Nga My Tự, nằm ở phía bắc hồ Đền Lừ, trên đất cũ thuộc thái ấp của thượng tướng Trần Khát Chân 陳 渴 真 (1370—1399), được phong thưởng nhờ công diệt vua Champa Chế Bồng Nga, cứu nhà Trần. Về sau, ngài cùng đồng sự mưu việc lật đổ quyền thần Hồ Quý Ly nhưng không thành, đều bị xử tử. Ngôi đền và đình thờ ngài hiện ở gần chùa.

Tương truyền chùa có từ đời vua Lý Thái Tổ (thế kỷ XI), làm bằng gỗ, lợp mái tranh, sau bị hỏa hoạn. Nội dung bài văn “Nga My Tự Bi Minh Tinh Tự” khắc trên tấm bia đá đặt trong chùa ghi việc thiền sư Pháp Nguyên tổ chức đại trùng tu vào năm Hồng Đức 28 (1497). Năm 1624 vương phi Nguyễn Thị Ngọc Điểm và các quý tộc khác đã góp công đức dựng lại thành một danh lam dưới đời vua Lê Thần Tông.

Tam quan chùa Nga My. Ảnh: NCCong ©2019

Chùa được sửa chữa, tôn tạo tiếp vào các năm 1705, 1719, 1829, 1900, 1907. Tháng 12 năm 1972 toà tiền đường bị trúng bom rải từ máy bay B52, ngay sau đó đã được dân phục hồi. Năm 1994 nhà chùa hưng công trùng tu dãy giải vũ bên trái. Năm 1996 cho dựng lại dãy giải vũ bên phải. Năm 1998 trùng tu các tòa chính điện, đông đường, tây đường và các công trình khác. Năm 2002 lại cho sửa sang nhà thờ Tổ và xây giảng đường.

Kiến trúc

Ngôi chùa sau đợt trùng tu lớn đầu thế kỷ XXI vẫn giữ phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Tam quan xây hoành tráng, trên cổng giữa là một gác chuông kiểu 2 tầng 8 mái, bậc thang lên gác dốc nhưng có lan can bảo vệ.

Sân chùa Nga My. Ảnh: NCCong ©2019

Sau cổng là một sân gạch khá lớn với tượng đài Quan Âm Nam Hải ở góc bên hữu. Tiền đường nhìn về hướng nam gồm 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, cửa bức bàn. Ngoài thềm đặt bàn đá dốc trang trí mây lửa.

Tam bảo nối với thiêu hương và thượng điện sâu 4 gian thành hình “chữ Đinh”. Cạnh góc hiên bên tả là cửa ngách, phía trước cửa là nhà bia. Sau lưng thượng điện có một lầu chuông xây theo kiểu phương đình 2 tầng 8 mái dựa trên 16 cột gỗ. Đầu của 4 đao trên đắp nổi hình đầu rồng, 4 đao dưới trang trí hoa văn hình thực vật. Phần cổ diềm giữa hai mái có hàng chấn song con tiện để lấy ánh sáng. Hai bên và phía sau lầu chuông là nhà thờ Tổ, nhà Tăng, giảng đường và nhà thờ Mẫu, làm thành hai lớp song song hình “chữ Nhị”.

Nhà bia chùa Nga My. Ảnh: NCCong ©2019

Cuối cùng là một vườn tháp khá lớn. Tất cả mặt bằng trong khuôn viên hầu như đều được xây dựng, chỉ còn rất ít cổ thụ bên cạnh các chậu cảnh và vài cây nhỏ.

Di sản

Ngoài những tấm bia đá, hiện vật cổ còn gồm lầu chuông được thiền sư Từ Minh cho dựng năm 1711, quả chuông to đúc năm 1815, khánh đồng đúc năm 1886. Chùa có 44 pho tượng tròn, phần lớn được tạo tác vào đầu thời Nguyễn. Đáng chú ý nhất là pho tượng A Di Đà với phong cách điêu khắc thế kỷ XVII—XVIII và bộ tượng Tam Thế thuộc thế kỷ XIX. Đặc biệt pho tượng Quan Âm Bồ tát đặt trên tòa chính điện có giá trị cao về nghệ thuật là một trong vài tác phẩm cùng loại ở Hà Nội được tạc rất sớm vào khoảng thế kỷ XVII—XVIII.

Vườn tháp sau chùa Nga My

Ngày 5-2-1994, chùa Hoàng Mai đã được Bộ Văn hóa—Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2014-2020, Hoang Mai pagoda