222 Phu Dien community hall

Đình Phú Diễn

huyền sửq.Bắc Từ Liêmsông Nhuệ

Đình Phú Diễn có từ lâu đời. Thờ: Bạch Hạc Tam Giang - đô đốc Đào Trường của vua Hùng. Lễ hội: từ ngày 14 đến 15 tháng 3 âm lịch, chính hội ngày 15. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: 3Q46+7J, P. Phú Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Toạ độ: 21°03’20"N 105°45’42"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 14km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Hồ Phú Diễn (xe 05)

Địa lý

Trước kia làng Phú Diễn là một trong bốn thôn của xã Phú Diễn, thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Xã vốn làm nghề nông và có truyền thống khoa bảng; sang thiên niên kỷ thứ ba thì đô thị hóa gần hết, nhà cửa san sát, dân số mỗi làng lên tới mấy vạn người. Năm 2013 xã tách ra hai phường Phú Diễn và Phúc Diễn, cùng thuộc quận Bắc Từ Liêm mới thành lập.

Phường Phú Diễn bao gồm một phần xã Phú Diễn và một phần thị trấn Cầu Diễn cũ. Địa giới mặt tây giáp phường Phúc Diễn, mặt đông giáp phường Cổ Nhuế 2 và phường Mai Dịch, mặt bắc giáp phường Cổ Nhuế 1, mặt nam giáp phường Cầu Diễn và phường Phương Canh bên kia đường QL32. Giao thông qua lại nơi đây rất thuận tiện, ngoài đường bộ ra còn có đường sắt với ga Phú Diễn.

Hồ Phú Diễn với Đài liệt sĩ. Ảnh ©2015 NCCong

Du khách đường bộ từ Hà Nội theo quốc lộ QL32 nhằm về hướng tây, qua Cầu Diễn trên sông Nhuệ thì rẽ phải vào phố Phú Diễn, sau gần 2 km sẽ thấy một hồ nước khá lớn ở bên tay trái. Từ cổng làng Phú Diễn mới xây, đi tiếp 200m đường làng sẽ tới chợ Diễn. Bước nốt 200m cuối cùng theo ngõ xóm, du khách sẽ tới cổng đình.

Lược sử

Đình làng Phú Diễn [1] thờ vị tướng Đào Trường tức thần Bạch Hạc Tam Giang làm thành hoàng. Tương truyền ngài có công trạng lớn nên được vua Hùng phong làm Thổ lệnh quốc thống đại vương, trấn giữ kinh thành Bạch Hạc, nhậm chức Quốc trưởng lệnh đô, tước Lạc long hầu đại tướng quân.

Cổng đình Phú Diễn. Ảnh ©2015 NCCong

Thần phả trong đình ghi rằng lúc sinh thời Đào Trường từng chỉ huy đội thủy quân đánh tan giặc ngoại xâm và dẹp loạn ở vùng Hồng Châu (Hải Dương). Sau khi ngài hóa (ngày húy giỗ: 3-3 âm lịch), vua phong là Thượng đẳng phúc thần và cho phép 172 làng lập đền thờ, Phú Diễn là một trong những nơi như thế.

Kiến trúc

Đình Phú Diễn xây theo hình chữ “Công”, bao gồm đại đình, ống muống và hậu cung. Gần đây đình đã được đại trùng tu khang trang và vẫn giữ gần như nguyên nếp cũ. Đại đình có 5 gian cửa bức bàn; ống muống sâu 2 gian và hậu cung rộng 3 gian. Các mảng trang trí thường được chạm, vẽ hình tứ linh, tứ quý, hoạt cảnh ca múa v.v. mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của thế kỷ XVIII.

Tiền đường đình Phú Diễn. Ảnh ©2015 NCCong

Cổng đình gồm 4 trụ biểu mở ra hướng đông-bắc. Đại đình mặt quay hướng tây-bắc về phía cánh đồng và dòng Thư Khê cũ [2]. Bên trái sân trước là một nhà khách 5 gian nhỏ. Khu bếp ở liền nhà khách, nhìn vào đầu hồi đại đình. Đầu năm 2012 có xây thêm Văn chỉ ở cuối sân sau, gồm 3 gian rộng với cửa bức bàn 4 cánh. Cạnh Văn chỉ là nhà bia với 9 tấm bia đá nhỏ. Hai bên sân lại có tả, hữu mạc; mỗi nhà dài tới 7 gian, cũng lắp cửa bức bàn.

Di sản

Trong đình Phú Diễn hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như long ngai, bài vị, hương án, sập, kiệu, hạc, mâm đồng, sắc phong, thần phả, bia đá. Các hoành phi, câu đối, cửa võng đều sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Ngoài vườn lại có cổ thụ được xếp hạng “Cây di sản”. Ngày 10-3-1994 đình đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật quốc gia.

Hậu cung đình Phú Diễn. Ảnh ©2015 NCCong

Lễ hội đình Phú Diễn được tổ chức hàng năm vào hai ngày 14 và 15 tháng 3 âm lịch, chính hội nhằm đúng giữa rằm. Trước đó vài hôm, người dân trong thôn đã treo đèn kết hoa từ cổng nhà cho đến đường làng ngõ xóm. Mở đầu là một cuộc rước kiệu linh đình đi qua chùa Bụt Mọc đến giếng cổ để lấy nước mang về cúng ở đình. Đoàn rước cũng đến thắp hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ của làng.

Di tích lân cận

  • Đền thờ danh y Nguyễn Đạo An (Phú Diễn): cách đình Phú Diễn 90m.
  • Chùa Bụt Mọc (Phú Diễn): đoạn giữa đường Đức Diễn.
  • Đình Mai Dịch: đầu phố Hồ Tùng Mậu—Phạm Hùng.
  • Miếu Đồng Cổ (Minh Khai): Nguyên Xá, gần ngã tư Nhổn.

©NCCông 2013-2015, Phu Dien community hall
[1] Đình này trùng tên với ngôi đình của một làng Phú Diễn khác, cũng nằm ven bờ sông Nhuệ nhưng thuộc địa phận xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì, phía nam thành phố Hà Nội. Đó là một Di tích Lịch sử Kiến trúc Nghệ thuật quốc gia, nơi thờ vua Lê Đại Hành và Trần Thông, một vị tướng ở đầu thế kỷ XV.
[2] Thư Khê: “suối sách”, hội đua thuyền xưa kia thường được tổ chức ở đây. Năm Ất Mão 1915 bị phù sa lấp mất sau trận lụt lớn làm vỡ đê Liên Mạc ở cửa sông Nhuệ.