227 Introduction to Ha Noi pagodas
Giới thiệu chùa Hà Nội
chùaHà NộiDu nhập hòa bình vào đồng bằng sông Hồng cách nay gần 2000 năm, đạo Phật đã dần lan tỏa khắp nước ta, hòa hợp với các tín ngưỡng bản địa và được mọi tầng lớp xã hội đón nhận. Trải qua những thăng trầm lịch sử và phân hóa nội bộ, đạo Phật đang có xu thế hồi sinh[1] sau các cuộc chiến đẫm máu vào cuối thế kỷ XX.
- Chùa Trấn Quốc sau trùng tu. Ảnh NCCong ©2019
Giới thiệu
Gần đây ngoài những sai sót trên mạng thì kiến trúc và nội thất của nhiều công trình trùng tu hoặc xây mới cũng mang lại buồn vui lẫn lộn, do đó việc quảng bá và ghi lại những tư liệu chính xác, chân thực đang trở nên cần thiết và cấp bách. Đáp ứng bước đầu mục đích trên, trang 360.hncity.org dành một phần lớn nội dung cho những di tích lịch sử và Phật giáo ở thủ đô, bên cạnh những thông tin phục vụ cho du khách tự đi, không theo tour.
Hà Nội thực sự là một trung tâm du lịch rất lớn, thu hút mỗi năm hàng triệu khách thăm. Nơi đây đứng đầu cả nước với gần 10% tổng số di tích, trong đó có 1164 di tích cấp quốc gia và QG đặc biệt. Có thể tìm các tài liệu chuyên khảo hoặc đi xem tận mắt những di chỉ khảo cổ tập trung dày đặc ở ven sông Hồng, sông Đáy và sông Đuống để thấy rõ hơn vị thế đã có từ xưa. Sau đây trước tiên xin tóm tắt những nét lớn liên quan đến nguồn gốc các di sản văn hóa của thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.
- Mặt trước chùa Đậu. Ảnh ©NCCong 2024
Lược sử Phật giáo VN
1- Thời Bắc thuộc: Đạo Phật phát triển với Mật tông, Tịnh Độ tông, Thiền tông và theo chân các sư tổ Ma Ha Kỳ Vực, Khâu Đà La, Đàm Hoằng v.v.. đến miền Bắc Việt. Đặc biệt thiền sư Khương Tăng Hội đã nhiều năm dịch kinh ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) để truyền vào nước Ngô trong thời Tam Quốc. Về mặt kiến trúc thì xuất hiện Chùa Đậu, chùa Dàn, chùa Tướng, chùa Tổ thờ các Nữ thần Tứ Pháp cùng với chùa Dâu. Chùa Dâu có từ đầu CN, được cho là ngôi chùa cổ nhất VN, nơi Vinitaruci lập thiền phái của ngài vào năm 580, truyền được 19 đời. Lý Nam Đế (541–547) sau khi giành được độc lập đã cho xây dựng chùa Khai Quốc và thiền phái Thảo Đường đã khai sinh tại đây vào thời Lý... Năm 820 ra đời thiền phái Vô Ngôn Thông tại chùa Kiến Sơ, truyền được 15 đời đến thế kỷ XIII.
2- Thời Đinh và Tiền Lê (968–1009): Đinh Tiên Hoàng đặt chức Tăng Thống Phật Giáo đầu tiên trong lịch sử nước ta. Vua mời các Thiền sư làm cố vấn và ban quan tước cho Tăng sĩ. "Quốc sư" đầu tiên là Khuông Việt (Đại Việt sử ký toàn thư). Tại Hoa Lư có nhiều danh lam: chùa Bà Ngô, chùa Đìa, chùa Am, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa Thiên Tôn, chùa Bà Đẻ tức Hoa Sơn (triều Đinh); chùa Ngần, chùa Nhất Trụ (triều Tiền Lê) nơi Lê Hoàn cho dựng cột kinh Thủ Lăng Nghiêm khoảng 2.500 chữ, đẹp và to hơn 15 cột kinh của Đinh Liễn.
- Tượng Bồ Đề Đạt Ma và chư Phật ở chùa Kiến Sơ. Ảnh ©2013 NCCong
3- Thời Lý: Phật giáo phát triển cực thịnh, mỗi làng thường xây một vài ngôi chùa, có nơi đã lập thiền viện như Hương Hải Thiền ở Gia Lâm, ven sông Đuống. Các danh lam phần lớn do hoàng cung và các quan kiến lập. Lý Thái Tổ (1010–1028) cho dựng các chùa ở trong và ngoài Thăng Long sau khi dời đô. Lý Thái Tông (1031–1054) cho dựng 150 chùa và quán, trong đó có chùa Diên Hựu năm 1049, chùa Dầu (Yên Khánh, Ninh Bình)... Lý Thánh Tông (1054–1072) cho dựng chùa Tháp Báo Thiên, chùa Thiên Phúc, tháp Tường Long... Tại địa phương: chùa Linh Xứng do Lý Thường Kiệt cho xây năm 1126 (Hà Trung, Thanh Hóa), chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh năm 1117 (Hậu Lộc, Thanh Hóa), chùa Bảo Ninh Sùng Phúc năm 1107 (Chiêm Hoá, Tuyên Quang), chùa Tự Già Báo Ân năm 1209 (Phúc Yên, Vĩnh Phúc)...
4- Thời Trần-Hồ: Phật giáo phát triển rồi chuyển sang đồng hành cùng Nho, Lão; cuối cùng suy tàn. Danh lam: chùa Phổ Minh 1262 (Thiên Trường, Nam Định), chùa Quỳnh Lâm 1327 (Đông Triều, Quảng Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm (Lạng Giang, Bắc Giang), chùa Báo Ân (Gia Lâm, Hà Nội), các chùa tháp ở Yên Tử (Quảng Ninh)... Trần Nhân Tông đi tu năm 1299, lập phái Trúc Lâm thống nhất các dòng thiền. Pháp Loa tiếp tục in kinh Đại Tạng 1311. Số Tăng, Ni xuất gia vượt 15.000 người (1329). Năm 1381, thiền sư Đại Nam thống lĩnh tăng chúng đi đánh Chiêm Thành. Cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly bắt các tăng sĩ dưới 40 tuổi phải hoàn tục.
- Tháp chùa Liên Phái. Ảnh ©NCCong 2023
5- Thời Lê–Mạc rồi Trịnh–Nguyễn: Phật giáo phục hưng phần nào. Ngoài Trúc Lâm lại có thêm mấy phái thiền mới. Thiền sư TQ Chuyết Chuyết (1590–1644) đưa thiền phái Lâm Tế đến các chùa Thiên Trượng (Nghệ An), Trạch Lâm (Thanh Hóa). Năm 1633 thiền sư ra ở chùa Khán Sơn (Thăng Long) rồi về chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Thiền sư Thủy Nguyệt (1634–1704) người Thái Bình đã du nhập thiền phái Tào Động vào chùa Hòe Nhai năm 1667. Thiền sư Lân Giác là khai tổ Chi phái Thiền Liên Tông ở chùa Liên Phái (Hà Nội)...
[1] Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được công bố trong Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự Trung ương các ngày 26 và 27-12-2003 được tổ chức tại Thiền viện Quảng Đức (TP Hồ Chí Minh) cả nước có : 14.401 ngôi tự viện (12.036 chùa Bắc tông, 539 chùa Nam tông Việt và Nam tông Khmer, 361 tịnh xá Khất sĩ, 467 tịnh thất, 998 niệm Phật đường) với 38.866 tăng, ni (28.365 thuộc Bắc tông; 512 thuộc Nam tông Việt, 7.635 thuộc Nam tông Khmer và 2.354 thuộc Khất sĩ) đang tu học. Riêng Ninh Bình hiện có 344 ngôi chùa, tập trung dày đặc ở khu vực cố đô.
Đông Tỉnh NCCông 2015, Introduction to Ha Noi pagodas