236 Hoa Xa community hall
Đình Hoa Xá, Minh Ngự Lâu
Lê Hoành.Thanh Trìsông NhuệĐình Hoa Xá tức đình làng Tó. Miếu Minh Ngự Lâu ở cách đình khoảng 200m. Thờ: vua Lê Hoàn và Bà Chúa Hến. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: WRV4+QP, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Chợ Cầu Bươu, hoặc KĐT Kiến Hưng.
Lược sử
Đình làng Hoa Xá và Minh Ngự Lâu là hai di tích gần kề nhau bên tả ngạn sông Nhuệ, thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Minh Ngự Lâu theo truyền thuyết là nơi ở cũ của bà Chúa Hến tức Đô Hồ phu nhân, nằm cách đình Hoa Xá khoảng 200m. Mảnh đất này tục gọi là làng Tó, có mô tả trong sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi.
Dòng sông Nhuệ chảy qua nơi đây góp phần làm nên một tụ điểm cư dân đông đúc và mang truyền thống văn hoá lâu đời, quê hương của “Ngô gia văn phái” và nhiều nhà trí thức khác. Gần đình Hoa Xá là chùa Phe, chùa Thắm và đình, chùa làng Hữu Thanh Oai. Nhiều ca dao, tục ngữ, truyền thuyết... vẫn đọng mãi trong ký ức dân gian cho đến nay, đặc biệt có câu chuyện về một cô gái làng Tó.
- Cổng đình Hoa Xá. Photo ©NCCong 2015
Minh Ngự Lâu còn gọi miếu bà Chúa Hến (Đô Hồ phu nhân), nằm cách đình Hoa Xá tức đình làng Tó khoảng 200m. Tương truyền phu nhân lúc nhỏ nhà nghèo, từ sáng tinh mơ đã phải mò hến bắt cua, vì thế dân làng gọi là cô Hến. Một hôm Lê Hoàn dẫn quân đi dọc sông Nhuệ và dừng lại ở làng Tó. Cô Hến đứng ra vận động nhân dân góp gạo cho đoàn quân đi đánh giặc Tống. Riêng cô còn nghĩ ra một loại bánh dùng để làm lương khô cho quân lính, đó là chè lam... Thắng trận trở về, Lê Hoàn lên ngôi vua, cô được phong làm quý phi.
Theo cuốn phả “Hoa Xá Lê đế phi miếu phả lục” bằng chữ Hán do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được Quản giám bách thần chi điện Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao lại vào năm Vĩnh Hựu (1740) thì sự tích như sau:
- Cầu đá đình Hoa Xá. Photo ©NCCong 2015
Một hôm, qua ấp Hoa Xá ở Tả Thanh Oai, tạm dừng quân để lấy binh lương, giờ Ngọ, nhà vua trông thấy một người con gái cùng gánh gạo trong đám dân công. Cô đội nón lá, mặc áo vải thô, mắt sáng, mày thanh, mặt xinh như ngọc, miệng cười tươi như hoa. Trong phút nghỉ ngơi, cô xuống sông vốc nước rửa tay. Trên trời có đám mây năm sắc che thân. Nhà vua cho rằng người con gái đó không phải bình thường. Rồi đem lòng thầm ước nhưng mặt ngoài còn e.
Ít lâu sau, thiên hạ thái bình. Quân sĩ reo ca khải hoàn rước vua về kinh đô Hoa Lư. Nhà vua mở tiệc thưởng người có công. Các đình thần tôn tặng vua Lê mỹ hiệu “Minh càn ứng vận thần vũ thăng binh, trí nhân, quảng hiếu Đại Hành hoàng đế". Lê Hoàn chọn ngày ngự giá Bắc tuần, thăm hỏi dân làng. Ngày về tại ấp Hoa Xá: bên tả giang, mời già trẻ trong ấp cùng đến dự yến. Rồi cho vời nàng Đô Hồ, ban quần gấm áo ngự, phong làm quý phi. Sai bà tắm gội, thay áo mũ, cùng sánh xa giá về kinh.
- Tam quan đình Hoa Xá. Photo ©NCCong 2020
Lúc đó bà con, họ hàng và dân ấp đều vui mừng lấy làm vinh hiển. Vua Lê lại cấp ruộng đất, tiền của để bà đóng thuyền thả sông và lập cung điện ở vườn cũ, gọi là “Đô Hồ phi cung”. Khi vua băng hà, “dân ấp Hoa Xá có lập đền thờ để tưởng nhớ ơn đức giúp dân, ghi tạc công lao phá Tống của ngài.
Từ lúc quý phi mất, dân làng dựng nơi ở cũ của Bà thành “Minh Ngự Lâu”. Miếu và đình là nơi phối thờ hai vợ chồng. Hàng năm đến rằm tháng Giêng thì làm lễ hội làng. Từ tối ngày 14, hai pho tượng được rước cùng ngai thờ về Minh Ngự Lâu. Sau khi tắm rửa, ở lại một đêm đến sáng hôm rằm thì rước trở về đình....
- Sân đình Hoa Xá. Photo ©NCCong 2015
Kiến trúc
Từ con đường ven bên tả sông Nhuệ có ba bậc tam cấp dẫn xuống sân trước cổng đình làm theo kiểu nghi môn tứ trụ, rẽ phải đi qua cầu đá nhỏ vào sân giữa, dẫn tới tam quan. Sau tam quan có đôi ngựa đá do Ngô Thì Nhậm cung tiến đứng chầu, hai bên là dãy tả hữu mạc. Đại bái 5 gian nối qua ống muống tới hậu cung thành hình “chữ Công”, quay hướng nam. Bên ngoài là khu vườn, phía sau có một giếng tròn khá to.
Minh Ngự Lâu nhỏ hơn nhiều so với đình, chỉ gồm 2 nếp nhà 3 gian xếp thành hình “chữ Nhị”.
- Hậu cung đình Hoa Xá. Photo ©NCCong 2015
Năm 1994, đình Hoa Xá và Minh Ngự Lâu được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di vật
Hiện nay bên trong hai di tích đình Hoa Xá và Minh Ngự Lâu còn lưu giữ một số mảng chạm khắc tinh vi mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII và nhiều hiện vật quý hiếm có giá trị lịch sử. Trong số 16 đạo sắc phong thần của các triều đại từ nhà Lê qua Tây Sơn đến Nguyễn có các sắc phong Đô Hồ phu nhân là “Nhàn uyển chi thần” và Lê Đại Hành là “Hoàng đế thượng đẳng thần”. Lại có một cuốn thần phả ghi sự tích của hai vị thành hoàng...
- Ngựa đá đình Hoa Xá. Photo ©NCCong 2015
Ngoài 8 câu đối và cuốn thư, hoành phi, cửa võng, vẫn còn lưu bút tích của Ngô Thì Nhậm trong bài minh văn “cung tiến đôi ngựa đá” vào đình từ năm 1798 và một pho tượng Đô Hồ phu nhân, các tấm bia đá, đôi vẹt, hương án, khám thờ, hai bộ long ngai, kiệu bát cống, bát bửu, áo mũ và đồ tế khí làm từ thời Lê Trung hưng, v.v..
Di tích lân cận
- Chùa Bảo Tháp (Thượng Phúc Tự): WQJX+42 Tả Thanh Oai.
- Chùa Cự Đà (Linh Minh Tự): WQPX+4X Hữu Hoà.
- Chùa Linh Xá (Hữu Thanh Oai): WRV4+Q9 Hữu Hoà.
- Chùa Phúc Lâm: WRM2+C8 Tả Thanh Oai.
- Chùa Thạch Trung: WRW4+6H Hữu Hoà.
- Đình Phú Diễn (Hữu Hòa): WRQ3+F7 Hữu Hoà.
236 Dinh Hoa Xa ©NCCông 2015-2020