24 Lan Ong street

Phố Lãn Ông

Phố Lãn Ông dài 180m, đi từ ngã tư Hàng Ngang—Hàng Đường—Hàng Buồm qua ngã tư Chả Cá—Hàng Cân rồi đến ngã tư Thuốc Bắc—Hàng Vải. Nay thuộc: phường Hàng Bồ, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 550m (hướng 11h). Trạm bus lân cận: 115 Phùng Hưng (xe 01, 18, 23, 36ct), 50 Hàng Cót (01, 36ct), 56 Hàng Cân (31)

Lược sử

Phố Lãn Ông thời Lê thuộc về đất thôn Hậu Đông Hoa Môn. Khoảng giữa thế kỷ XIX, từ cuối đời vua Minh Mệnh đến đầu đời Thiệu Trị, thôn này sáp nhập với hai thôn Đông Hoa Môn, Đông Hoa Nội Tự và trở thành thôn Đức Môn. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thời Nguyễn, nơi đây đã tập trung buôn bán các mặt hàng thiếc và đồng được khai thác từ mỏ quặng Tụ Long, tỉnh Cao Bằng.

Lãn Ông—Thuốc Bắc. Ảnh ©2013 NCCong

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm Hà Nội rồi đặt tên phố này là "rue de Fou-Kien" tức “phố Phúc Kiến”, vì có rất đông Hoa kiều gốc tỉnh Phúc Kiến đến cư ngụ. Di tích ở nhà số 40 Lãn Ông chính là Hội quán Phúc Kiến, xây từ 1817, sau chuyển thành trụ sở trường tiểu học Hồng Hà. Cuối năm 2014 người ta quyết định đại trùng tu trường tiểu học Hồng Hà. Đầu năm 2015 tôi đã đến thăm và rất lo vì không biết trụ sở xây lại xong trông sẽ như thế nào.

Tới những năm đầu thế kỷ XX, phần lớn dân quanh đây đã mở hiệu bán thuốc bắc. Năm 1945 tên phố mới đổi ra Lãn Ông và từ đó tiếp tục được dùng cho đến nay. Đó là tên tắt bắt nguồn từ biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông của Lê Hữu Trác, một vị danh y nổi tiếng có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, người kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư.

Trường tiểu học Hồng Hà, phố Lãn Ông. Photo ©NCCong 2019

Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là một số Hoa kiều, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ Phó đến từ tỉnh Phúc Kiến. Sau đó còn có hàng chục lương y người Việt thành danh trên phố này; họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc, Hành Thiện... Trải qua thời gian, các cửa hàng thuốc Đông y trên phố Lãn Ông ngày nay vẫn buôn bán tấp nập, không bị phai nhạt nghề truyền thống như ở nhiều phố khác trong khu phố cổ.

Tại khu vực đầu phố phía đông, phần lớn dân cư kinh doanh các mặt hàng khăn mặt, khăn tay, đồ cho bà bầu và trẻ sơ sinh... Nhóm cửa hàng bắt mạch kê đơn bán thuốc tập trung đông nhất ở khoảng còn lại, từ ngã tư phố Chả Cá - Hàng Cân đến ngã tư phố Thuốc Bắc - Hàng Vải. Các cửa hàng thuốc nằm san sát nhau, bán đủ mọi loại thuốc từ cao cấp như “Đông trùng hạ thảo”, nhân sâm, linh chi, cho tới các loại thảo dược khô hoặc tán bột… Trong hiệu thường có dao cầu, thuyền tán dùng cho việc bào chế thuốc. Khắp nơi mùi đương quy, bạch truật, đan bì, ý dĩ... thơm lừng. Nhiều người bán lẻ thuốc bắc kèm theo thuốc nam. Thuốc nam có vỏ quýt, sa sâm, quế chi, hạt sen, bán hạ...

Cuối phố Lãn Ông. Ảnh ©2013 NCCong

Thuốc bầy bán được đựng trong những bao giấy, bọc trong những túi ni-lông xếp đầy trước cửa hay treo lủng lẳng phía trên đầu. Người bán hàng đa phần là phụ nữ, họ không dùng cân tiểu ly với cán gỗ, đĩa đồng để “đong” thuốc lạng như các cụ ngày xưa mà thay thế vào đó những chiếc cân đĩa có thể cân được đến hàng yến.

Bên cạnh các cửa hàng bán thuốc luôn tấp nập người vào ra thì những hiệu lương y lại có một vẻ thâm trầm, kín đáo, bên trong thường có chân dung Hải Thượng Lãn Ông đặt ở vị trí trang trọng. Sừng sững sát tường là những chiếc tủ gỗ đựng thuốc lên nước nâu bóng với hàng trăm ngăn kéo quai đồng, mỗi ngăn có đề tên thuốc. Những người bệnh đến đây được tận tình đón tiếp, bắt mạch và kê đơn. Chỉ trong chốc lát thuốc đã được gói thành những gói vuông vức cho khách hàng.

Mùng 1 Tết trên phố Lãn Ông. Photo ©NCCong 2019

Nghề thuốc ở con phố này đã cha truyền con nối từ bao đời nay. Đa phần không qua trường lớp đào tạo bên ngoài mà thường lấy bí kíp gia đình làm cốt yếu. Năm 2014 UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng một số hộ dân ở đoạn cuối phố Lãn Ông đã cho cải tạo lại những mặt tiền xuống cấp nhằm bảo tồn nghề truyền thống đặc biệt của phố này.

Di tích lân cận

  • Chùa Cầu Đông: số 38B phố Hàng Đường, phường Hàng Đào.
  • Đền Bạch Mã: góc phố Hàng Giầy—Hàng Buồm, phường Hàng Buồm.
  • Đình Đông Môn: số 8 phố Hàng Cân, nay là Thư viện phường Hàng Đào.
  • Đình Đông Thành: số 9 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ.
  • Đình Đồng Thuận: số 27 phố Hàng Cá, phường Hàng Bồ.
  • Nhà số 48 phố Hàng Ngang: nơi ra đời Tuyên ngôn Độc lập 1945.

©NCCong 2011-2021, Lan Ong street