247 ARCHITECTURE OF A TONKIN PAGODA

Kiến trúc chùa Bắc Bộ

Hà Nội

Do lịch sử truyền nhập Phật giáo nên phần lớn chùa Việt ở vùng Bắc Bộ là -đi theo nhánh Đại Thừa (Mahayana).

Cổng chùa

Tuỳ theo thế đất phong thuỷ, trước chùa thường có cổ thụ với một hoặc hai giếng nước. Cũng có thể có ao hình vuông hoặc bán nguyệt. Cổng chùa loại đơn giản thường xây kiểu nghi môn với 2 hoặc 4 trụ lớn có trang trí và đắp câu đối, giống như phần lớn các cổng đình. Tuỳ theo bề rộng, nghi môn cũng có thể đi kèm với hai cửa phụ đối xứng hai bên cửa giữa. Hai khoang tường bên thường được trang trí bằng phù điêu hình hộ pháp hoặc hình khác

Tam quan là loại cổng chùa xây cao to hơn, gồm một toà nhà với ba cửa ra vào và tầng trên thường dùng làm gác chuông, gác khánh hoặc đặt tượng Phật. Chùa lớn, vd. chùa Láng (Hà Nội), có thể có một tam quan nội và một tam quan ngoại. Tam quan ngày nay có thể xây đồ sộ 3 tầng và tầng cao nhất thường là tầng giả. Cổng chùa có tới 5 cửa ra vào thì gọi là ngũ môn quan, vd. chùa Kim Sơn (Hà Nội).

Sân tiền

Sau cổng là sân tiền. Trước kia sân này thường để thoáng rộng, đôi khi xây cột cờ, giếng nhỏ, giả sơn hoặc bình phong. Hai bên sân là vườn, có thể trồng rau, hoa, xen lẫn với hàng cau ta hoặc cây ăn quả, cây lấy bóng mát. Ngày nay sân được lát gạch, nhiều chùa cho dựng rạp che nắng mưa hoặc đặt tượng và các chậu cây cảnh.

Một số chùa lớn có toà nhà hình vuông kiểu phương đình đặt ở giữa sân tiền. Phương đình thường xây kiểu 2 tầng 8 mái dựa trên 4 hàng chân cột. Mái lợp ngói ri hoặc ngói âm dương. Trên hai đầu bờ nóc và đầu đao ở góc mái thường đắp hình linh vật. Phía dưới gồm 3 gian thường để trống. Người đứng từ cổng có thể nhìn thấy phần lớn mặt trước của tiền đường.


Có vài nơi, vd. như chùa Láng, lại xây lầu bát giác thay cho phương đình. Cũng có chùa xây 2 phương đình đối xứng qua điểm giữa sân tiền, thường để làm lầu chuông và gác trống. Nếu sân lớn thì hai bên sân có thể xây hai dãy nhà giải vũ nhìn nhau. Từ cuối thế kỷ XX những chỗ đó còn được dùng để xây bảo tháp và/hoặc tượng đài Quan Âm Nam Hải.

Tiền đường

Cuối sân là toà tiền đường được xây trên nền cao, một số hoặc tất cả bậc thềm có thể được lát đá. Đôi khi có cả hiên chùa với hàng cột đỡ các đầu bẩy. Tại đầu hiên có thể trổ cửa ăn thông sang hai bên hoặc đặt tượng hộ pháp hay bia đá, thậm chí đặt cả chuông, khánh nếu như không xây gác chuông, gác khánh trên tam quan.

Chính giữa bờ nóc thông thường có gắn bảng đáp tên chùa. Nếu tiền đường có 4 mái chảy thì hai gian đầu hồi được gọi là hai chái, có thể có hàng hiên vuông góc với thềm trước. Trên hai đầu bờ nóc và đầu đao ở góc mái cũng thường đắp hình linh vật. Nếu tiền đường chỉ có 2 mái thì kiểu xây này được gọi là "tường hồi bít đốc" và đầu hồi thường nối với trụ biểu phía trước bằng bức tường hẹp gọi là "tay ngai".

Số gian trong tiền đường tùy thuộc vào qui mô lớn nhỏ của chùa, nhỏ nhất là 3 gian, phổ biến là 5 gian, đôi khi lớn đến 7 gian. Gian giữa tiền đường thường rộng nhất và bày hương án lớn cho người đến lễ Phật thắp hương. Các gian ở liền hai bên là lối vào thiêu hương, cạnh cửa có bày cặp tượng Hộ pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác.


Các gian ở xa hơn gồm có Ban thờ tượng Đức Ông ở bên tay trái và ban thờ tượng Thánh Tăng ở bên tay phải. Nhiều chùa còn có Bát bộ Kim Cương gồm tám pho tượng mặc áo giáp trụ, mũ kim khôi, đi hia, cầm binh khí đứng ở hai gian hồi của tiền đường.

Chính điện

Nằm liền sau toà tiền đường là toà chính điện, mặt bằng của hai toà này có bố cục phổ biến nhất là kiểu hình "chữ Đinh". Chính điện gồm thiêu hương nằm dọc và thượng điện nằm ngang, thượng điện thường xây kiểu "tường hồi bít đốc". Nếu thượng điện rộng 3 gian hoặc hơn thì mặt bằng đó tạo thành kiểu hình "chữ Công" hơi khác một chút.

Trong chính điện bài trí những ban thờ khác nhau. Ban tam bảo tượng trưng cho ba ngôi báu gồm Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, do đó là phần trung tâm của chùa. Nơi đây còn gọi là Phật điện và có các bệ xây giật cấp cao dần để bày những pho tượng Phật giáo quan trọng nhất.

Lưu ý

Cũng có thể bố cục chính điện và tiền đường nằm song song thành hình "chữ Nhị". Khoảng trống hẹp ở giữa hai nếp nhà đó cho phép ánh sáng tự nhiên chiếu xuống và khói hương bay thoát lên cao nên được gọi là "giếng trời". Các mái chảy quanh giếng trời thường có máng và ống dẫn nước mưa thoát xuống cống. Chính điện cũng có thể có tầng cổ diềm để lấy ánh sáng, đồng thời tạo điểm nhấn do mái chính điện nhô cao hơn mái tiền đường.

Hai bên thiêu hương thường bày tượng 5 vị Diêm Vương dựa vào bức tường có cửa sổ hoặc cửa ngách mở ra sân hậu để lấy ánh sáng kiêm làm thoáng khí. Nếu có thêm toà hậu đường và hai bên sân hậu có hai dãy hành lang đối xứng nhau nối chính điện với hậu đường thì bố cục hình vuông này gọi là kiểu "nội Công ngoại Quốc".

Trong hoặc cạnh hậu đường thường có các gian hoặc nhà thờ Tổ, thờ Mẫu, phòng khách, phòng Tăng. Phía sau là khu phụ, nếu còn đất thì để trồng trọt. Những ngôi tháp mộ các vị sư trụ trì có thể đặt ở vườn sau hoặc vườn trước.

247 Tonkin pagoda ©NCCông 2015