268 Ba Nanh pagoda

Chùa Bà Nành (Tiên Phúc Tự)

q.Đống Đas.Kim NgưuLê trung hưng

Chùa Bà Nành có từ đầu thế kỷ XV. Tên chữ: Tiên Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: số 27 phố Văn Miếu, 2RHP+HJ, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: đoạn giữa phố Nguyễn Thái Học (xe 02, 18, 23, 32, 34, 38, 45), phố Nguyễn Khuyến (38)

Lược sử

Chùa Bà Nành ngoài giá trị lịch sử văn hóa còn là một địa điểm tâm linh nằm cạnh cụm di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Cuối thế kỷ trước, cổng bên của chùa ở số nhà 27 phố Văn Miếu bị bịt kín và một số hộ kinh doanh xung quanh đã lấn chiếm khuôn viên làm cho ngôi chùa chỉ còn lại cổng chính ở số nhà 152 phố Nguyễn Khuyến. Mãi đến năm 2007 chùa mới được giải tỏa và trùng tu, các cổng đều đã mở trở lại.

Có hai truyền thuyết về Tiên Phúc Tự. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng ngôi chùa này được dựng lên để thờ một bà cụ không rõ tên tuổi, thường bán nước chè và đậu nành cho các học trò của trường Quốc Tử Giám ở ngay bên cạnh, nên mới có tên Bà Nành. Lại có tư liệu khác nói thêm: chùa dựng vào đầu triều Lê sơ (thế kỷ XV) trên nền quán hàng nước của cụ già ấy và có lần vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đến thăm Quốc Tử Giám đã ghé vào vãn cảnh chùa.

Cổng chùa Bà Nành ở 52 Nguyễn Khuyến. Photo ©NCCong 2023

Truyền thuyết thứ hai gắn liền với một câu chuyện đầy lãng mạn, kể rằng từ đầu thế kỷ XIII, vua nhà Lý đã cho dựng ngôi chùa này. Đến thời Trần thì chùa đổi tên là Tiên Phúc Tự vì theo lời đồn đại trong dân gian, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có nàng tiên xuất hiện thướt tha trước sân chùa. Cuối thế kỷ XV, có lần vua Lê Thánh Tông đến ngắm cảnh chùa thì thấy một người con gái đẹp ngâm nga mấy vần thơ từ trên gác chuông: Ở đây mến cảnh, mến thầy / Tuy vui đạo Phật, chưa khuây lòng người.

Nhà vua bèn làm quen cô gái và cùng xướng họa, quyến luyến không muốn rời. Mãi đến lúc bỗng nàng biến mất tại đình Quảng Văn mới biết là tiên, sau đó vua cho dựng lầu Vọng Tiên ở ngoài cửa Đại Hưng (gần vườn hoa Cửa Nam bây giờ) để kỷ niệm. Ba thế kỷ trôi qua, sau khi thực dân Pháp sang rồi me Tư Hồng được thầu việc phá thành Hà Nội thì di tích lầu Vọng Tiên bị chuyển về nhà số 120b phố Hàng Bông.

Truyền thuyết thứ hai ít tin cậy hơn vì nó cũng được kể trong bản sự tích chùa Bà Ngô (Ngọc Hồ Tự), một ngôi chùa có xuất xứ muộn và tọa lạc ở ngay cạnh chùa Bà Nành. Truyền thuyết thứ nhất (với hàng đậu nành) xem chừng có lý vì nhiều địa danh quanh chùa liên quan đến thực phẩm như các phố và ngõ Hàng Cháo, Hàng Bột, Thanh Miến vẫn còn nguyên cho đến tận hôm nay.

Cổng phụ chùa Bà Nành ở 27 Văn Miếu. Photo ©NCCong 2023

Kiến trúc

Năm Đinh Hợi (1887) dưới đời vua Đồng Khánh, chùa Bà Nành được tu sửa lớn sau khi quân Pháp chiếm thành Hà Nội. Từ đó kiến trúc trở nên ổn định đến bây giờ, mặc dù khuôn viên đã bị thu hẹp ít nhiều do thực dân mở mang phố xá và còn bị dân lấn chiếm trong thế kỷ XX. Năm 2007 chùa đã trùng tu, một phần bức tường ngoài được xây bằng gạch vồ, cùng dáng vẻ như bức tường đối diện của khu Văn Miếu.

Tam quan một cửa, hai bên có tượng hai ông Hộ pháp cầm binh khí đứng gác. Đi từ ngoài vào trong, du khách qua một sân nhỏ là đến ngay tiền đường ba gian, cửa gỗ. Chùa chính được xây kiểu truyền thống đơn giản với kết cấu hình chuôi vồ, chia làm hai nơi tiếp khách và điện thờ Phật. Phía sau hậu cung có nhà Ni và mở cổng bên ra phố Văn Miếu. Tất cả đều mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.

Ban thờ tượng Bà Nành. Photo ©NCCong 2023

Di sản

Tiên Phúc Tự đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 12-12-1986. Trong chùa vẫn lưu giữ một số cổ vật quý, trước hết gồm 3 tấm bia đá và 1 quả chuông. Ngoài tượng và các hiện vật liên quan Phật giáo, chùa cũng thờ tượng Bà Nành ở ngay bên cạnh Phật điện. Pho tượng Bà Nành trông đôn hậu, gần gũi với đời sống, mang phong cách nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ XVIII. Bên trong chùa hiện còn cả một phiến đá hình chữ nhật màu xanh đen, trên có chạm chìm các vân mây, tương truyền vốn là nơi bà cụ bày hàng nước.

Di tích lân cận

©NCCong 2015-2019, Ba Nanh pagoda