272 Phuc Xa community hall
Đình Phúc Xá
Hai Bà Trưngq.Long Biênsông HồngLý Thường KiệtĐình Phúc Xá có trước 1690. Thờ: thái úy Lý Thường Kiệt và cặp Đào Kỳ—Phương Dung (tướng của Hai Bà Trưng). Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 3V47+3R, ngõ 293 Ngọc Thụy, P. Ngọc Thụy, Q. Long Biên, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 6km (hướng 1h). Trạm bus gần nhất: Đường Ngọc Thụy - Ngọc Lâm (xe 11)
Lược sử
Đình Phúc Xá nay ở số 293 đường Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, cách Hồ Gươm gần 5km về phía đông-bắc. Đình thờ Thái úy Lý Thường Kiệt 李 常 傑 (1019–1105), ngoài ra còn thờ cặp vợ chồng Đào Kỳ—Phương Dung (hai danh tướng thời Hai Bà Trưng) và 4 vị Thánh nương gọi là Đại kiên tứ kiệt, cùng 3 vị thần Bảo Trung, Minh Khiết, Hiến Trung.
Lý Thường Kiệt quê ở làng An Xá[1], ven thành Thăng Long, tên thật Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt, thụy Quảng Châu. Ngài sinh năm Kỷ Mùi (1019), do vua ban quốc tính họ Lý nên mới gọi là Lý Thường Kiệt. Ngài mất năm 1105, được dân làng An Xá lập đền thờ ở phía bắc Bãi giữa sông Hồng. Sau đó vua Lý Thần Tông (1128-1132) đổi tên An Xá 安 舍 thành Cơ Xá 機 舍. Do sông Hồng làm xói lở Bãi giữa, đền phải chuyển sang thôn Bắc Biên, rồi trở thành ngôi đình chung, gọi là đình Phúc Xá 福 舍.
Năm 1947, đình Phúc Xá bị đốt, đến năm 1984 dân làng mới có điều kiện dựng lại, rồi tiếp tục trùng tu mãi đến năm 2005 thì hoàn thành. Tháng 3-2006, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có tặng đình pho tượng Lý Thường Kiệt đúc bằng đồng, nặng 600kg, cao 1,3m, ở tư thế ngồi trên ngai thờ, đầu đội mũ cánh chuồn, một tay để trên gối thư thái, một tay cầm chiếc hốt biểu hiện quyền uy.
- Nghi môn đình Phúc Xá. Photo NCCong ©2015
Tương truyền Đào Kỳ - Phương Dung là hai vợ chồng tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, được cử về giữ vùng Đông Ngàn. Ba năm sau, cả hai người đều đã tử tiết khi chống cự đội quân xâm lược của Mã Viện. Dân gian vẫn còn lưu truyền các bài thơ ca ngợi. Bốn vị Thánh nương (Đại kiên tứ kiệt) thì không rõ thân thế, vì thần tích và sắc phong đều bị thất lạc, chỉ biết đều được phong Thượng đẳng thần. Ngoài ra, 3 vị Bảo Trung, Minh Khiết, Hiến Trung cũng không còn sắc phong để lại nhưng đều được gọi là Đại vương.
Kiến trúc
Đình Phúc Xá toạ lạc trong một khu đất khá rộng, phía trước là vườn cây xanh. Lần đại trùng tu mới đây có mở tam quan ngoại ra đường Ngọc Thụy ở phía đông. Đình nằm liền kề ngôi chùa An Xá (Bắc Biên) [2] ở bên hữu, cả hai cùng quay về hướng Nam. Đình nhìn qua lối rộng ra tam quan nội xây kiểu nghi môn với 4 trụ biểu. Sau bức bình phong đắp cuốn thư là cầu đá nối với nhà bia công đức ở giữa hồ sen nhỏ có hình bán nguyệt.
Hiện nay, tòa đại bái gồm 3 gian 2 chái nối với hậu cung 5 gian theo hình “chữ Đinh”. Trước mặt là phương đình kiểu 2 tầng 8 mái, hai bên có tả, hữu mạc cũng xây 5 gian, xưa là nơi dạy học, nay để tiếp khách và hội họp. Đại đình có ba bệ thờ chính: ở giữa là long ngai và bài vị của Lý Thường Kiệt, bên phải có hai bài vị nhỏ của vợ chồng Đào Kỳ - Phương Dung, bên trái là bài vị của 4 Thánh nương. Phía sau tả mạc còn có đài tưởng niệm ghi tên các liệt sĩ của thôn Phúc Xá.
- Sau đình Phúc Xá. Ảnh NCCong ©2015
Di sản
Trong đình Phúc Xá có bài thơ Nam Quốc Sơn Hà đặt ở vị trí trang trọng trên tường hồi bên trái. Tại ban thờ Lý Thường Kiệt còn treo đôi câu đối (như của bên đền Cơ Xá) ca ngợi sự nghiệp của ngài:
Phạt Tống, bình Chiêm, phò Lý tộc,
Tý dân, hộ quốc, hiển Cơ hương.
Tạm dịch là:
Đánh Tống, dẹp Chiêm, phò nghiệp Lý
Giúp dân, cứu nước, rạng làng Cơ.
Trên gác chuông trước sân chùa Bắc Biên có một quả chuông đồng đúc năm Chính Hoà 11 (Canh Ngọ 1690) đời Lê Hy Tông 黎 熙 宗 (1663–1716). Bài minh chữ Hán đề An Xá tự chung 安 舍 寺 鍾 cho biết quê Lý Thường Kiệt là phường An Xá sau chuyển ra Bãi giữa sông Hồng, rồi đổi tên thành Cơ Xá. Ngoài ra, trong chùa còn có 2 quả chuông nhỏ được đúc từ đời Bảo Đại (1926-1945).
- Cổng đình Phúc Xá. Ảnh NCCong ©2015
Hội đình làng Phúc Xá được tổ chức trong hai ngày, từ mùng 5 đến 6 tháng Ba âm lịch hàng năm, thu hút rất nhiều nhân dân và du khách thập phương tham dự. Dân Bắc Biên còn lấy mùng 2 tháng 6 âm lịch là ngày giỗ để tưởng nhớ Lý Thường Kiệt - vị thành hoàng có công tâu vua định giới và miễn sưu thuế cho làng. Đình được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 23-7-1993.
Di tích lân cận
- Cầu Long Biên
- Chùa Ái Mộ: 2VR8+H5, 31 đường Ngọc Thụy, phường Ngọc Lâm.
- Chùa Bắc Biên: 3V47+5P, ngõ 293 Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy.
- Chùa Bồ Đề: 2VP8+9M, 90 Phú Viên, phường Bồ Đề.
- Chùa Tăng Phúc: 3V5P+9G, 27 Thượng Thanh, phường Thượng Thanh.
- Đình Gia Thụy: 3V2P+5F, ngõ 564 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy.
©NCCông 2015-2019, Phuc Xa community hall
[1] Làng An Xá cũ vốn ở trong thành Đại La. Năm 1010 Lý Thái Tổ thiên đô từ Hoa Lư ra đây, dân làng đã dời ra Bãi giữa sông Hồng, nhường chỗ để vua xây dựng thành Thăng Long. Sau Lý Thường Kiệt tâu vua cho làng An Xá được miễn trừ mọi khoản sưu thuế.
[2] Trước gọi là chùa Phúc Sinh, thuộc thiền phái Tào Động.